Hủy
Tài Chính

Làm thế nào để kinh tế Việt Nam có thể tránh một cuộc suy thoái?

Thứ Hai | 16/10/2017 13:48

ADB

Nhà báo William Pesek đã đưa ra một số nhận định về nền kinh tế Việt Nam trên tờ Nikkei...
 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang khiến cả Châu Á phải ghen tị, 7,4% trong quý 3 vừa qua. Điều đó không có nghĩa là Việt Nam có thể lạc quan sớm.

Xuất khẩu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong cả tháng 8 và tháng 9, trong khi hoạt động sản xuất tăng gần 13% trong chín tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Tín dụng tăng trưởng 20% so với năm trước và cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 34% trong 9 tháng đầu năm.

Các nhà quan sát Việt Nam lâu năm cho biết sự lạc quan với nền kinh tế Việt Nam có thể thay đổi. Quan điểm của nhà đầu tư có thể nhanh chóng chuyển đổi nhanh chóng từ tích cực một cách phi lí tới tiêu cực không thể kiềm chế được. Và vì Việt Nam thường có khuynh hướng bùng nổ và suy thoái 5 năm một lần - vào năm 2013, năm 2007, năm 2001 và năm 1997.

Vấn đề đặt ra là liệu mọi thứ sẽ khác đi trong thời điểm này hay là các nhà đầu tư nên chuẩn bị chu kỳ như vậy sắp diễn ra.

Một dấu hiệu đáng lo ngại: Trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất cho vay tới các ngân hàng để tăng cường hoạt động kinh doanh. Điều đó đã xảy ra một tháng sau khi NHNN gây sốc khi cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng 3 năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm 0,25% xuống còn 6,25% và lãi suất chiết khấu giảm xuống còn 4,25% là những rủi ro tín dụng đối với một quốc gia có đang chịu áp lực nợ rất lớn. Lạm phát cũng có thể tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,4% trong tháng 9 từ mức 2,52% vào tháng 8.

Gareth Leather của Capital Economic cho biết: "Tốc độ tăng trưởng tín dụng trên quy mô mà Việt Nam đang trải qua không bền vững trong dài hạn. Do đó, rủi ro đang tăng lên chúng tôi đang ngày càng quan ngại đến sự gia tăng nợ nhanh".

Việt Nam có thể tránh được nguy cơ trên nếu thực hiện một số động thái thích hơp. Ví dụ, chính phủ nên tăng cường năng lực cho các tổ chức tài chính. Điều đó sẽ giúp Việt Nam tự tin để tự do hóa tài khoản vốn, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện phát triển cho khu vực tư nhân, làm cho ngành công nghiệp cạnh tranh hơn và các công ty thân thiện hơn với cổ đông. Những cải cách cơ cấu như vậy là cần thiết để sử dụng hiệu quả nguồn vốn chảy vào nền kinh tế và giảm rủi ro cho nền kinh tế.

Việc cắt giảm lãi suất gần đây càng nhấn mạnh tính cấp bách của việc hiện đại hóa nền kinh tế, bao gồm việc phát triển thị trường vốn. Các công ty Việt Nam vẫn dựa nhiều vào cho vay ngân hàng. Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ khiến các doanh nghiệp và cá nhân tăng vay mượn, làm trầm trọng thêm rủi ro nợ xấu.

Trên thực tế, chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số động thái mạnh mẽ để tái cấu trúc ngành ngân hàng. Trong năm 2013, NHNN đã thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) để giảm các khoản nợ xấu trong bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Vào thời điểm đó, tỷ lệ nợ xấu được báo cáo là 17%. Hiện tỷ lệ được công bố chính thức ở mức khoảng 3%. Mặc dù vậy, như Moody's Investors Service đã cảnh báo, có rất ít lợi thế để tránh một cuộc khủng hoảng tín dụng tiếp theo. Ví dụ như trong tháng 5, Moody's cho biết các ngân hàng của Việt Nam "sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong 12-18 tháng tới, và nếu tình hình như vậy vẫn tiếp tục thì sẽ tạo ra gánh nặng tín dụng lớn cho ngành này".

Nhà kinh tế học của Ngân hàng Thế giới, Jennifer Isern, nói: "Quản lý rủi ro nợ xấu ở Việt Nam thành công là điều thiết yếu trong khi vẫn cần thận trọng với dòng chảy nợ xấu. Chìa khóa là tăng cường giám sát các hoạt động cho vay và khu vực tài chính để ngăn ngừa sự tích tụ nợ xấu."

Với 21% dân số ở dưới 15 tuổi, chi phí lao động và chi phí sử dụng đất thấp, bức tranh công nghệ sống động và sự gần gũi với Trung Quốc, không ai nghi ngờ rằng Việt Nam sẽ trở nên giàu có. Câu hỏi đặt ra là “khi nào”, chứ không phải là “làm thế nào” Việt Nam đạt được điều đó. Vì kinh tế Việt Nam chủ yếu cũng giống Trung Quốc là phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặc dù vậy, đã đến lúc Việt Nam nên làm một điều gì đó khác biệt.

Tác giá bài bảo kêu gọi Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa với những người khởi nghiệp trẻ tuổi, cải cách hệ thống thuế, tăng đầu tư cho giáo dục để tăng cường nguồn nhân lực và đẩy mạnh các nỗ lực chống tham nhũng. Nếu Việt Nam không thực hiện những việc trên đất nước có có thể rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình.

Ngoài ra, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về nhân khẩu học. Ưu tiên hàng đầu: giảm vai trò của nhà nước để khu vực tư nhân có thể tạo việc làm mới. Điều đó sẽ làm gia tăng tầng lớp trung lưu, tăng nguồn thu thuế, ổn định xã hội và sự linh động về kinh tế. Việt Nam cần phải tận dụng tối đa mức tăng trưởng ấn tượng trong năm nay như là một cơ sở để đẩy nhanh việc cho phép người nước ngoài tăng sở hữu cổ phần các công ty ở Việt Nam, đẩy nhanh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, Việt Nam cần phải ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, khi mà chính quyền Trump đang cổ súy cho sự bảo hộ thương mại, điều có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.

Chỉ khi Việt Nam có được nền tảng đúng đắn thì Việt Nam mới hy vọng giữ chân Intel, Samsung, Unilever và các công ty đa quốc gia khác đầu tư vào Việt Nam tham gia vào nền kinh tế của mình - và cơ hội sẽ không đến lần thứ hai.

Bá Ước

Nguồn Nikkei


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới