Hủy
Tài Chính

"Một vành đai, Một con đường": Rủi ro mới cho hệ thống tài chính toàn cầu?

Thứ Năm | 24/08/2017 21:15

ejinsight.com

Trung Quốc có thể phải cõng thêm hàng trăm tỷ USD nợ xấu nếu các dự án thuộc sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" bị thất bại.
 

Trung Quốc đã nói về chương trình phát triển cơ sở hạ tầng "Một Vành đai và Một con đường" (OBOR) như là một phương tiện để thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao trên quy mô toàn cầu.

Những lời lẽ đó có thể nhận được ủng hộ trong thời điểm các cường quốc khác đang ngày càng có xu hướng bảo hộ kinh tế, nhưng nó cũng đi kèm với những rủi ro, và việc Trung Quốc gia tăng việc cấp vốn nhà nước cho chương trình này đã làm dấy lên những lo ngại.

Các báo cáo hôm thứ Ba cho biết một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc sẽ bắt đầu huy động vốn để đầu tư vào OBOR, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối hơn 60 quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), ngân hàng lớn thứ hai của nước này tính theo tổng tài sản, đã tiến hành nhiều cuộc roadshow để huy động ít nhất 100 tỷ NDT (15 tỷ USD) từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, theo các nguồn tin của Reuters. Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) cũng được cho là sẽ huy động hàng chục tỷ đô la, mặc dù không có ngân hàng nào đáp ứng yêu cầu bình luận từ Reuters.

Tin tức này làm dấy lên nỗi lo rằng quốc gia đông dân nhất thế giới có thể phải cõng thêm hàng trăm tỷ USD nợ xấu  nếu các dự án OBOR thất bại. Đối với Xu Chenggang, giáo sư kinh tế tại trường kinh doanh Cheung Kong ở Bắc Kinh, điều này không có gì ngạc nhiên.

Xu nói với CNBC: "Nó chứng minh những quan ngại của tôi. Ảnh hưởng của nó có thể gây tổn hại không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với hệ thống tài chính toàn cầu".

"Các khoản vay này đang được dành cho các chính phủ ở những quốc gia có nhiều rủi ro, để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng có nhiều nguy cơ thất bại. Nếu các dự án này được khởi xướng bởi các công ty tư nhân, chúng tôi sẽ không phải lo lắng vì họ biết họ phải tự chịu hậu quả. Tuy nhiên, vấn đề là các hoạt động cho vay ở đây lại là giữa các chính phủ với nhau".

Xu cho rằng vấn đề này liên quan đến một hiện tượng gọi là giới hạn ngân sách mềm (soft budget constraints).

Theo đó, giới hạn về ngân sách mềm nghĩa là các doanh nghiệp nhà nước sẽ không bị phá sản khi mất khả năng thanh toán nợ, vì nhà nước sẽ giúp họ duy trì hoạt động. Một quốc gia có nhiều giới hạn ngân sách mềm và một số lượng lớn các công ty mất khả năng chi trả rốt cuộc sẽ phải vật lộn về mặt huy động vốn, từ đó có thể tạo ra những hệ lụy cho nền tài chính toàn cầu.

Đối với một quốc gia như Trung Quốc, nơi nhà nước vẫn nắm rất nhiều cổ phần trong các doanh nghiệp, điều này thật đáng quan ngại. Nước này đã phải mất hàng thập kỷ cải cách kinh tế và chứng kiến nhiều công ty làm ăn thua lỗ trước khi thực hiện thành công cái mà Xu gọi là quá trình "tư nhân hóa lặng lẽ" vào đầu thế kỷ này.

Tuy nhiên, quá trình cải cách này đã bị mất đi nhiều động lực trong 10 năm qua, và Trung Quốc vẫn phải đối mặt với vấn đề dư thừa sản lương và vô số "công ty xác sống", đặc biệt là trong ngành thép, xây dựng và vật liệu.

Xu cho rằng những điều kể trên cũng là một phần động lực cho OBOR. Ông nhận xét: "Thay vì giải quyết vấn đề dư thừa sản lượng, Trung Quốc lại đang khiến cho nó lan tỏa sang các dự án ở nước ngoài".

Xu giải thích: "Họ đang đề xuất cho các chính phủ nước ngoài vay tiền, rồi những chính phủ trên sẽ lại lấy số tiền đó để thanh toán cho các công ty Trung Quốc”.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng dư nợ tín dụng tại Trung Quốc đã vượt quá 300% GDP trong tháng 6.

"Việc mở rộng những giới hạn ngân sách mềm lên mức chưa có tiền lệ và với quy mô lớn như vậy sẽ tạo ra những hậu quả chưa từng thấy ", ông Xu cảnh báo,

Điều đáng nói là một số quốc gia tham gia OBOR cũng nằm trong số các nước đang phát triển có nhiều rủi ro nhất thế giới.

Bjorn Conrad, phó chủ tịch của Viện nghiên cứu Mercator về Trung Quốc, nói: "Tôi hoàn toàn tin rằng nhiều dự án có liên quan tới OBOR sẽ phát sinh các vấn đề. Rủi ro nợ xấu và rủi ro vỡ nợ sẽ ở mức báo động".

"Một rủi ro đối với hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cũng là một rủi ro đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu", ông Conrad nói thêm.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc sẽ thận trọng đánh giá rủi ro, sau khi từng bị thiệt hại do cấp vốn vay cho những nước nhiều biến động như Venezuela.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã thông báo vào tuần trước rằng cơ quan này sẽ tăng cường các quy định để giảm rủi ro cho các công ty trong nước khi đầu tư ra nước ngoài, cũng như ngăn chặn các khoản đầu tư "không hợp lý" trong chương trình OBOR.

Conrad nói: "Sẽ có rất nhiều khoản cho vay với quy mô mới, nhưng chính phủ Trung Quốc cũng nhận thức rằng họ phải giữ chúng ở mức có thể quản lý được. Những rủi ro vẫn sẽ còn đó, nhưng họ cũng hiểu rằng phải quản lý chúng một cách chặt chẽ hơn".

Bá Ước

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới