Hủy
Tài Chính

Nghề giao dịch ngoại hối sẽ biến mất vào năm 2025?

Thứ Bảy | 03/06/2017 08:49

Đến năm 2025, việc giao dịch các loại tiền tệ thuộc nhóm G-10 có thể sẽ được tự động hóa hoàn toàn.
 

Châu Á sẽ trở thành một trong những nơi cuối cùng trên trái đất, nơi bạn có thể gặp được một "giống loài sắp tuyệt chủng" (theo cách gọi của Bloomberg): những nhà giao dịch ngoại hối.

Đến năm 2025, việc giao dịch các loại tiền tệ thuộc nhóm G-10, vốn chiếm phần lớn trong thị trường ngoại hối trị giá 5,1 nghìn tỷ USD/ngày, sẽ được tự động hóa hoàn toàn. Đó là dự đoán của David Mercer, CEO của nền tảng giao dịch điện tử LMAX Exchange. Theo công ty tư vấn Greenwich Associates thì vào năm 2015, khoảng 76% giao dịch tiền tệ toàn cầu đã được tự động hóa hoàn toàn bởi các nhà đầu tư lớn nhất và tích cực nhất.

Nhu cầu tìm kiếm sự minh bạch trong giá cả và phí dịch vụ đã giúp đẩy nhanh sự thay đổi, cùng với nỗ lực cắt giảm nhân sự và chi phí của các ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tuy nhiên ở châu Á, do khối lượng giao dịch mỏng hơn nên việc tự động hóa không đem lại nhiều lợi ích bằng. Ngoài ra, với các loại tiền tệ ương đối ít thanh khoản như đồng Việt Nam và rupiah của Indonesia, các nhà đầu tư có thể muốn hỏi giá với một nhà giao dịch bằng xương bằng thịt hơn.

Mercer nói: "Tốc độ không quá quan trọng ở châu Á. Việc tìm ra giá đúng không phải là dễ dàng bởi vì hầu hết các giao dịch vẫn diễn ra ở London, Chicago và New York."

Nghe giao dich ngoai hoi se bien mat vao nam 2025?
Giá trị thanh khoản giao dịch ngoại hối (tỷ USD) vào lúc mở cửa tại một số thị trường trên thế giới. Ảnh Bloomberg.

Con người đã và đang rút lui dần khỏi các thị trường tài chính: cảnh những nhà giao dịch hô to giá mua bán như trong phim "Trading Places" của Eddie Murphy gần như đã biến mất, và thị trường chứng khoán giờ đây cũng chủ yếu là dựa trên hệ thống giao dịch điện tử (nhất là tại Mỹ). Nhưng con người vẫn giữ được vai trò trên thị trường ngoại hối, bởi vì hầu hết các giao dịch đã diễn ra ở những nơi rất xa các sàn giao dịch (vì các sàn giao dịch chủ yếu tại Châu Âu, Mỹ, còn người giao dịch có thể ở Châu Á).

Quản lý các mối quan hệ

Tại Châu Á, nhiều nhà hoạch định chính sách có xu hướng thích tác động lên tỷ giá, do đó việc giao dịch ngoại hối tại các nước này khó chuyển đổi sang giao dịch điện tử. Các hạn chế này sẽ khiến các nhà đầu tư sử dụng các hợp đồng kì hạn không chuyển giao gốc (Non deliverable forwards - NDF, không chuyển giao gốc mà chỉ thanh toán khoản tiền lời/lỗ) ở nước ngoài để phòng ngừa tổn thất, hoặc đầu cơ về sự suy giảm của tiền tệ. Do tính phức tạp, NDF thường được thực hiện qua điện thoại giữa các nhà giao dịch.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Hai tuần sau để thông báo về cải cách quy chế ngoại hối.

Điều đó đã không ngăn cản NEX Markets (Mỹ) thiết lập một thị trường điện tử, nhưng sàn này đã gặp rắc rối trong việc giao dịch đồng ringgit của Malaysia. Ông Jeff Ward, người đứng đầu khu vực Châu Á và các thị trường mới nổi của NEX Markets, cho biết rằng kể từ khi chính phủ Malaysia có những động thái vào tháng 11 để ngăn chặn các ngân hàng nước ngoài kinh doanh NDF dựa trên đồng ringgit ở nước ngoài, lượng giao dịch loại tài sản này trên NEX đã giảm 70%.

Andrew Bresler, giám đốc bán hàng toàn cầu tại Saxo Capital Markets, cho hay: "Những cơn gió ngược về chính trị sẽ làm giảm tốc độ áp dụng công nghệ vào kinh doanh (ví dụ như giao dịch bằng robot). Các nhà cung cấp thanh khoản (tức các ngân hàng) không muốn làm phật ý các ngân hàng trung ương".

Theo Ward tại NEX Markets, châu Á không phải là nơi duy nhất tụt hậu so với các thị trường Mỹ và châu Âu trong việc áp dụng giao dịch điện tử. Các hoạt động giao dịch tại Mỹ Latinh tiếp tục bị chi phối bởi điện thoại. Khu vực đó "giống như châu Á cách đây 8 năm vậy", ông nói.

Javier Paz, nhà phân tích cao cấp tại Aite Group, nói: "Giao dịch dựa trên các mối quan hệ vẫn còn quan trọng” ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, các ngân hàng đang thúc đẩy giao dịch tự động, và liên tục cắt giảm chi phí khi những thay đổi về luật lệ tạo ra áp lực cho khả năng sinh lời của họ. Trong giai đoạn 2012-2016, 12 ngân hàng lớn nhất toàn cầu đã cắt giảm khoảng 25% nhân sự bán hàng và giao dịch trong mảng thị trường tiền tệ G-10, theo số liệu từ Coalition Development.

Cuối cùng, "sự gia tăng khối lượng giao dịch và điện tử hóa sẽ có tác động tích cực đến thanh khoản", Paz nói.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới