Hủy
Tài Chính

Nước Anh có thể sẽ mất 40.000 việc làm ngành ngân hàng vì Brexit

Thứ Tư | 02/08/2017 12:11

aib.ie

Một nửa số công việc trong ngành ngân hàng đầu tư tại Anh có thể biến mất trong vài năm tới nếu chính phủ Anh tiếp tục theo đuổi Brexit cứng.
 

Theo ước tính từ hãng tư vấn Oliver Wyman, có tới 40.000 công việc trong ngành ngân hàng đầu tư có thể sẽ được chuyển từ London sang các trung tâm tài chính khác của châu Âu, do các ngân hàng tìm cách duy trì quyền tiếp cận thị trường châu Âu một khi Anh rời khỏi khối EU vào năm 2019.

Một số ngân hàng, bao gồm cả Citigroup, UBS và Barclays, đã thông báo kế hoạch di chuyển hàng nghìn việc làm từ Anh sang các công ty con mới trên khắp EU. Các công ty dịch vụ tài chính đã được cho thời hạn là ngày 14/7 để đệ trình kế hoạch dự phòng của mình cho Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Ban đầu, những động thái này dự kiến sẽ chuyển 12.000-17.000 việc làm ngành ngân hàng ra khỏi London. Tuy nhiên, con số này có thể tăng lên 40.000 trong dài hạn, khi các ngân hàng không chắc chắn về quy chế thanh toán bù trừ (clearing), cũng như tìm cách cải thiện sự hợp tác giữa các nhân viên.

"Mặc dù một số ngân hàng sẽ tranh thủ Brexit để tái cơ cấu và mở rộng ra khắp Châu Âu, đa phần các ngân hàng đều muốn giảm thiểu chi phí và sự gián đoạn hoạt động bằng cách di chuyển càng ít càng tốt", báo cáo của Oliver Wyman bình luận.

"Tuy nhiên, trong trung hạn, các áp lực sẽ tăng lên và có thể khiến các ngân hàng tăng sự hiện diện của họ tại EU theo thời gian".

Theo ước tính của Oliver Wyman, ngành ngân hàng bán buôn (wholesale banking) bao gồm bán hàng, hoạt động tự doanh và ngân hàng đầu tư, hiện tạo ra 80.000 việc làm ở Anh. Oliver Wyman ước tính rằng ngành dịch vụ tài chính tại Anh, bao gồm cả các công ty bảo hiểm và các ngân hàng bán lẻ, sẽ mất từ 31.000 đến 35.000 việc làm trong trung hạn.

Điều này sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn không chỉ cho ngành ngân hàng mà cả nền kinh tế Anh nói chung.

Dịch vụ tài chính là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào GDP của Anh, chiếm khoảng 22% GDP của thủ đô London.

Thủ tướng Anh Theresa May đã thúc đẩy kế hoạch "Brexit cứng" (Hard Brexit), vốn sẽ  làm mất đi quyền tiếp cận thị trường chung của đảo quốc sương mù và chấm  dứt việc tự do hóa dòng lao động nhập cư giữa Anh và EU. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond đã đề xuất một 'giai đoạn chuyển tiếp' lên đến 3 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khi nước Anh rời khỏi EU.

Tuy nhiên, báo cáo của Oliver Wyman nhấn mạnh rằng ngành dịch vụ tài chính sẽ không thể đợi cho đến khi đó thì mới quyết định cần làm gì.

Báo cáo nói: "Chính phủ Vương quốc Anh đã đưa ra một cam kết rõ ràng cho một giai đoạn chuyển đổi. Tuy nhiên, ưu tiên trước mắt của các cuộc đàm phán Brexit sẽ là về các khoản tiền cần thanh toán khi Anh rời khỏi EU, vấn đề biên giới với Ireland và tình trạng của những công dân EU tại Anh".

Báo cáo của Oliver Wyman được đưa ra ngay sau khi Deutsche Bank (Đức) trao đổi thỏa thuận thuê địa điểm cho trụ sở mới của mình tại London vào thứ Ba. Các cuộc thảo luận về hợp đồng cho thuê 25 năm được xem là một sự ủng hộ cho London. Tuy nhiên, Deutsche Bank cũng đã thông báo rằng rằng sẽ có hàng ngàn việc làm được chuyển sang Frankfurt như một phần trong kế hoạch di chuyển bộ phận kinh doanh chứng khoán.

Mạnh Đức

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới