Hủy
Tài Chính

Cuộc đua giảm thuế 'tới đáy' ở Đông Nam Á

Thứ Bảy | 24/09/2016 12:09

Trong khi Việt Nam cân nhắc giảm thuế doanh nghiệp vừa và nhỏ về 15-17% thì Philippines, Thái Lan... cũng có động thái tương tự để thu hút đầu tư.
 

Philippines dự kiến sẽ giảm mức thuế doanh nghiệp từ 30% xuống còn 25% vào cuối năm 2017 - một nội dung quan trọng trong chiến lược cải tổ thuế của nước này.

Mức thuế cao làm cho các nhà sản xuất từ Nhật Bản và những nơi khác chọn Thái Lan hoặc Indonesia thay vì Phillippines để đặt các công xưởng của họ. Do đó, Tổng thống Rodrigo Duerte, khi vừa nhậm chức vào tháng 6 năm nay đã có kế hoạch mang công việc sản xuất về với những địa phương nhỏ và tạo thêm việc làm cho người Philippines. Mục đích của kế hoạch này là giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa thủ đô Manila và các địa phương khác.

Việt Nam cũng đang cân nhắc giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy khởi nghiệp. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng mức thuế 20% hiện nay là quá cao cho các doanh nghiệp này. Dự kiến mức thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể giảm xuống còn 15% đến 17%. Tại những thành phố nhỏ và làng xã xa xôi, mức này có thể chỉ còn 10%. Động thái này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ hướng đến một đất nước công nghiệp hoá hoàn toàn vào năm 2020.

 Thái Lan đã cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 30% xuống còn 20% vào tháng 3. Trước đây, Thủ tướng bị phế truất Yingluck Shinawatra từng thực hiện mức giảm tương tự vào năm 2013 nhưng chỉ mang tính tạm thời.

"Thật nhẹ nhõm khi biết rằng chúng tôi sẽ không phải chịu mức thuế doanh nghiệp 30% nữa", ông Tsuyoshi Inoue, Giám đốc điều hành Phòng Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Bangkok, cho biết. Hiện tại hội này đang có 1.700 thành viên tại Thái Lan.

Yoshikazu Konishi - Chủ tịch chi nhánh sản xuất tại Thái Lan của công ty sản xuất phụ tùng ôtô Nhật Bản Jtekt hy vọng các chính sách giảm thuế của chính phủ Thái sẽ cạnh tranh hơn các nước khác.

Ấn Độ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nadrendra Modi, cũng đang có những bước nhằm thay thế hàng loạt loại thuế gián tiếp khác nhau giữa các bang thành một loại thuế hàng hoá và dịch vụ duy nhất. Những sửa đổi hiến pháp liên quan đến thay đổi này đều được hai nghị viện thông qua. Chính quyền các bang và những vùng lãnh thổ của Ấn Độ cũng đang tiến hành phê chuẩn chính sách thuế mới này.

Từ trước đến nay, các loại thuế gián tiếp đã làm tăng chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp tại Ấn Độ. Để tránh thuế khi vận chuyển hàng qua những bang có mức thuế khác nhau, nhiều doanh nghiệp phải mở rất nhiều kho hàng tại mỗi bang để có thể chuyển hàng hoá "nội bang". Từ nay, việc vận chuyển hàng liên bang sẽ không còn là vấn đề lớn nữa.

Chính sách thuế mới được kỳ vọng sẽ nâng GDP đầu người tại Ấn Độ lên 0,5%. Chính phủ nước này cũng hy vọng cải cách thuế sẽ thúc đẩy thêm hoạt động đầu tư nước ngoài tại đây.

Nguồn Vnexpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới