Hủy
Tài Chính

Đây là điều thị trường mong chờ từ cuộc thảo luận đóng băng sản lượng dầu thô

Thứ Sáu | 23/09/2016 18:43

Hôm nay các nước sản xuất dầu thô chủ chốt ủng hộ việc hạn chế sản lượng và ngày hôm sau họ lại đổi ý.
 

Các nước thành viên OPEC và Nga sẽ nhóm họp bên lề Diễn dàn Năng lượng Quốc tế tại Algeria vào ngày 28/9 và kết quả có thể giống như cuộc họp thượng đỉnh tại Doha hồi tháng 4 - không có thỏa thuận đóng băng sản lượng nào được thông qua - khi các nước sản xuất thương lượng xem "ai là người đầu tiên làm việc này".

Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData, cho biết, Nga và Arab Saudi hồi đầu năm nay phát hiện ra rằng việc nới lỏng bằng truyền thông (jawboning) có tác động đáng kể đến tâm lý thị trường. Ngay cả khi nới lỏng bằng truyền thông không đẩy tăng giá dầu, "nó cũng giúp giải phóng vị thế tài chính vốn đang có xu hướng bi quan".

Xét đến hiệu quả của việc này từ đầu năm đến nay, OPEC và Nga sẽ luôn tìm cách để duy trì các bình luận cho đến khi thị trường rốt cuộc cũng sẽ "phớt lờ".

Ngay trong tháng này, Arab Saudi và Nga cho biết, họ sẽ hợp tác với nhau hướng đến thỏa thuận ổn định thị trường dầu thô, nhưng số liệu lại cho thấy cả 2 nước đều đang bơm dầu với tốc độ kỷ lục.

Iran tuyên bố sẽ không tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng vì vẫn đang trong quá trình khôi phục sản lượng dầu thô lên ngang bằng mức trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng, nhưng cũng có nhiều thời điểm, Tehran dường như cũng "xuống nước".

Bình luận của Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo cũng gây khó hiểu. Cuối tuần trước, ông Barkindo cho rằng sẽ không có quyết định nào được đưa ra trong phiên họp không chính thức tại Algeria, nhưng ông cũng nói rằn các nước thành viên OPEC có thể triệu tập phiên họp bất thường nếu đạt được đồng thuận tại diễn đàn.

Trong khi đó, Nga cho biết sẽ ủng hộ thỏa thuận ổn định thị trường dầu thô trong thời gian một năm, nhưng ít nhất một nhà phân tích chỉ ra rằng sản lượng dầu thô của Nga đạt mức kỷ lục thời hậu Xô-viết ở mức trên 11 triệu thùng/ngày.

James Williams, nhà kinh tế học năng lượng tại WTRG, cho biết, sẽ có một số cuộc thảo luận vào Chủ nhật 25/9 trước phiên họp.

Nếu đạt được thỏa thuận, OPEC sẽ cần triệu tập phiên họp đặc biệt để chính thức thông qua. OPEC hoàn toàn có thể thuyết phục việc này tại Algeria nếu tất cả các nước thành viên đều tham dự.

Phiên họp chính thức tiếp theo của OPEC sẽ diễn ra vào ngày 30/11 tại Vienna.

James Williams cho biết, vài tuần trước ông cho rằng khả năng đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng là 10-20% và dù giờ đây tỷ lệ này có tăng, song còn rất xa "mức chắc chắn".

Iran vẫn muốn tăng sản lượng dầu lên 4 triệu thùng/ngày - cao hơn mức hiện tại, trong khi đó, cả Libya và Nigeria đều không sẵn sàng chấp nhận sản lượng dầu hiện nay của họ là mức trần.

Mọi chuyện phụ thuộc vào Arab Saudi. Liệu nước này có sẵn sàng cắt giảm sản lượng khi Iran, Nigeria và Libya làm ngược lại.

Nói chung, ý tưởng đóng băng sản lượng đang bị hiểu sai.

Omar Al-Ubaydli, giám đốc chương trình tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, Quốc tế và Chiến lược Bahrain, gọi đồn đoán đóng băng sản lượng là "sự việc nêu ra để đánh lạc hướng câu chuyện" (red herring).

Ông Al-Ubaydli hình tượng hóa thế này: Các nước đều đang bơm dầu hết công suất, vậy, thỏa thuận đóng băng sản lượng cũng giống như việc tất cả các vận động viên chạy 100m nói rằng "Hãy đồng ý là không chạy nhanh hơn 9 giây".

Anas Alhaji, chuyên gia năng lượng độc lập và cựu kinh tế trưởng tại NGP Energy Capital Management, cho rằng, khả năng OPEC hành động trong phiên họp tại Algeria vào tuần tới và trong phiên họp chính thức vào tháng 11 tại Vienne đều bằng "0".

Nếu các nước sản xuất bàn về việc đóng băng ở mức của tháng 1/2016, vậy một số nước sẽ phải cắt giảm - điều không bao giờ xảy ra.

Bá Ước

Nguồn MW


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới