Hủy
Tài Chính

JPMorgan: Yên Nhật sẽ còn tăng giá

Thứ Ba | 03/05/2016 08:07

JPMorgan Chase nhận định, việc Mỹ không can thiệp vào tỷ giá hối đoái có thể sẽ giúp yên Nhật tăng giá hơn nữa.
 

Giới chức Nhật Bản, vốn đang lo ngại khi đồng nội tệ lên cao nhất 18 tháng so với USD, giờ đây đang đau đầu khi yên Nhật được đưa vào danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ.

Thị trường USD-yên rất có trật tự và điều này quan trọng đối với các nước trong việc duy trì cam kết tiền tệ của nhóm G7 và G20, Bộ Tài chính Mỹ cho biết hôm thứ Sáu 29/4. Việc yên Nhật tăng 13% từ đầu năm đến nay đã buộc Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tuyên bố chính phủ sẽ hành động nếu mọi diễn biến chỉ một chiều. Đà tăng giá gần đây của yên “đặc biệt đáng lo ngại” và báo cáo của Mỹ sẽ không hạn chế khả năng Nhật Bản phản ứng, ông Taro Aso cho biết hôm thứ Bảy 30/4. Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đưa vào diện “theo dõi” của Bộ Tài chính Mỹ.

Tohru Sasaki, cựu quan chức Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) hiện phụ trách nghiên cứu thị trường tại JPMorgan, cho biết, không thể phủ nhận khả năng yên phá vỡ ngưỡng 100 yên đổi 1 USD và trong trường hợp đó, giới chức Nhật Bản có thể phải hành động. Nếu tỷ giá USD/yên phá vỡ ngưỡng 100 yên đổi 1 USD và thậm chí nếu giới chức Nhật Bản hành động, thì điều đó vẫn là chưa đủ để hỗ trợ đồng bạc xanh.

Ulrich Leuchtmann, phụ trách nghiên cứu tiền tệ tại Commerzbank AG ở Frankfurt, nhận định, bình luận của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khiến thị trường lo ngại hơn và phần nào rụt rè hơn trong việc mua vào yên, nhưng rốt cuộc đây vẫn không phải là một chính sách rõ ràng, do vậy, sẽ không có tác động lớn. Để ngăn chặn xu hướng này, thị trường cần nhìn thấy hành động mạnh mẽ của BOJ. Miễn là thị trường vẫn chưa thấy hành động này, bình luận của Bộ trưởng Aso chỉ có thể làm chậm lại hoặc điều chỉnh trong ngắn hạn chứ không thể làm thay đổi xu hướng.

Danh sách theo dõi (watch list)

Bộ Tài chính Mỹ sử dụng 3 tiêu chí để quyết định liệu một nước có công bằng hay không, kể cả quy mô thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai cũng như liệu nước này có mua tài sản nước ngoài tương đương 2% GDP để làm giảm giá đồng nội tệ hay không.

Điều này có nghĩa rằng Nhật Bản có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách bơm thêm 10 nghìn tỷ yên (94 tỷ USD) mỗi năm, mặc dù số tiền này không đủ để hỗ trợ tỷ giá USD/yên, ông Tohru Sasaki cho hay.

Thông điệp của Bộ Tài chính Mỹ rất quan trọng đối với chính sách tiền tệ của Nhật Bản khi Nhật không thể phớt lờ những gì Bộ này tuyên bố vì chính sách tiền tệ mang tính song phương, ông Sasaki cho biết.

Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities ở Tokyo, nhận định, có rất nhiều khả năng yên sẽ thử thách mốc 105 yên đổi 1 USD trong tuần này. Điều quan trọng là liệu Nhật Bản có hành động hay không, liệu nước này có thể hành động hay không. Can thiệp bằng lời nói chỉ có tác dụng khi được đi kèm với sự can thiệp vật chất.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới