Hủy
Tài Chính

Ngành đồng hồ Thụy Sĩ loay hoay tìm lối thoát

Khánh Đoan Thứ Tư | 12/04/2017 12:30

Chậm chân với thời cuộc, nhiều hãng đồng hồ danh tiếng của Thụy Sĩ đã phải trả giá khá đắt.
 

Hội chợ đồng hồ và trang sức quốc tế BaselWorld năm nay cũng giống như mọi năm: Các doanh nghiệp “khoe” sản phẩm mới; các đơn hàng đổ về ngay sau đó. Nhưng trong không khí, vẫn có điều gì buồn man mác. Đó là bởi xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ đã giảm 10% vào năm 2016, mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Swatch, hãng đồng hồ lớn nhất thế giới, chứng kiến lợi nhuận ròng giảm mạnh tới 47% vào năm ngoái, chỉ còn 593 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 597,1 triệu USD). Trong tháng 2.2017, xuất khẩu cũng thấp hơn 10% so với cách đây 1 năm.

Philippe Pegoraro, chuyên gia kinh tế của Liên đoàn Đồng hồ Thụy Sĩ, cho biết sụt giảm mạnh nhất là ở phân khúc đồng hồ xa xỉ. “Xuất khẩu ở phân khúc cao nhất - tức đồng hồ được bán với giá hơn 10.000 franc Thụy Sĩ - đã giảm hơn phân nửa. Phân khúc này chiếm tới hơn 2/3 doanh số bán xét về giá trị”, ông nói. Cũng theo Pegoraro, doanh số bán giảm đã buộc nhiều nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng nhất thế giới phải đưa ra khuyến cáo lợi nhuận và cắt giảm hàng ngàn việc làm.

Các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đã trải qua hàng thế kỷ nên họ hẳn đã quen với những thăng trầm của ngành: Blancpain, thuộc sở hữu của Swatch, được thành lập từ năm 1735; Vacheron Constantin, thuộc tập đoàn hàng xa xỉ Thụy Sĩ Richemont, ra đời 20 năm sau đó; và dù thế giới bên ngoài đang biến động, nhưng tại công xưởng sản xuất đồng hồ ở La Chaux-de-Fonds (Thụy Sĩ), các công nhân vẫn làm việc không ngơi tay, tẩn mẩn dùng các dụng cụ rất nhỏ để lắp ráp từng cái bánh xe, lò xo, trang sức và các phụ tùng đồng hồ nhỏ xíu khác. Tuy nhiên, phải nói rằng đà sụt giảm nhu cầu trong thời gian gần đây là cực kỳ nghiêm trọng.

Nganh dong ho Thuy Si loay hoay tim loi thoat

Giai đoạn 2004-2012 là thời kỳ tăng trưởng rất cao của ngành đồng hồ. Những người mua Trung Quốc chiếm tới khoảng phân nửa doanh số bán đồng hồ Thụy Sĩ trong suốt thời kỳ đó, theo Thomas Chauvet, chuyên gia phân tích thuộc Ngân hàng Citi. Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm sụt giảm nhu cầu đối với đồng hồ cũng như túi xách hay các sản phẩm thời trang xa xỉ khác. Nhưng đến khi chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc được ban bố, nhu cầu đã lao dốc không phanh.

Doanh số bán đồng hồ tại Hồng Kông và Trung Quốc đã giảm lần lượt 25% và 22% trong 4 năm kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố thẳng tay với tham nhũng. Trước thời điểm đó, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ sang Trung Quốc đã tăng 370% trong giai đoạn 2005-2012, đạt tới 1,6 tỉ USD franc Thụy Sĩ mỗi năm.

Karine Szegedi, đứng đầu mảng đồng hồ tại Deloitte, cho biết: “Đồng hồ thường được mua làm quà tặng. Nhưng sau chiến dịch chống tham nhũng của Chính phủ Trung Quốc, doanh số bán đã giảm mạnh”. Một câu hỏi đặt ra: “Liệu sức cầu trong năm nay sẽ khả quan hơn?”. Dù xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục gần đây đã tăng nhẹ, nhưng điều đó chỉ cho thấy càng ít người Trung Quốc mua đồng hồ ở châu Âu, do thuế nhập khẩu cao hơn và nỗi lo ngại về nạn khủng bố. Doanh số bán ở Hồng Kông, thị trường quan trọng nhất của ngành đồng hồ, vẫn ảm đạm.

Nganh dong ho Thuy Si loay hoay tim loi thoat

Trong dài hạn hơn, nỗi lo trong ngành lại đến từ những hãng công nghệ như Apple. Apple giờ tuyên bố họ là thương hiệu đồng hồ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Rolex. “Liệu họ xem đồng hồ như một biểu tượng cho vị thế của mình, hay chỉ là thiết bị báo giờ hay một sản phẩm thiết kế? Ai mà biết được?”, Jean-Claude Biver, điều hành bộ phận đồng hồ tại tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH, nhận xét.

Trong khi đó, các nhà sản xuất đồng hồ lại chậm thích ứng với thời cuộc. Họ chậm nhận ra rằng nhu cầu đã thay đổi. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu theo dõi những mẫu đồng hồ nào bán cho đối tượng người tiêu dùng nào và bán ở đâu. Nhưng cho dù một số nhà sản xuất đồng hồ đã thu thập được nguồn dữ liệu tốt hơn thì bản chất tỉ mỉ trong việc sản xuất và lắp ráp phụ tùng đồng hồ cũng có nghĩa là họ sẽ khó xây dựng được một chuỗi cung ứng linh hoạt.

Nganh dong ho Thuy Si loay hoay tim loi thoat

Đứng trước những thách thức trên, phản ứng của các doanh nghiệp cũng rất khác nhau. Swatch vẫn cứ tiếp tục như trước giờ. Còn Richemont vào năm ngoái đã mua lại hàng tồn từ các cửa hàng mà Tập đoàn phân phối để dọn trống các quầy kệ, thay bằng các mẫu đồng hồ mới. Richemont cũng thay đổi về mặt tổ chức. Theo đó, từ ngày 31.3 trở đi, các nhà điều hành phụ trách các nhãn hàng đồng hồ riêng lẻ sẽ báo cáo trực tiếp lên Chủ tịch Johann Rupert của Richemont. Cách làm này được Tập đoàn tin rằng sẽ giúp doanh nghiệp trở nên nhanh nhạy hơn.

Tại LVMH, Jean-Claude Biver cũng đang nỗ lực chiêu dụ các khách hàng millennial (những người trong độ tuổi 18-35, lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội). Năm ngoái, nhãn hàng TAG Heuer của LVMH đã ra mắt một chiếc đồng hồ được kết nối mạng và bán rất chạy. Chiếc đồng hồ này được TAG Heuer phát triển cùng với Google và Intel.

Các nhãn hàng khác dường như cũng nối gót: vào tháng 5, Montblanc của Richemont sẽ bắt đầu bán một chiếc đồng hồ thông minh có cảm biến đo nhịp tim và một chiếc micro được gắn sẵn trong đó, cùng nhiều đặc tính khác. Nhưng loại đồng hồ thông minh có lẽ còn lâu mới tạo được chỗ đứng.

Dù các hãng đồng hồ nỗ lực như thế nào, một điều mà hầu hết các chuyên gia phân tích đều đồng thuận là sẽ không có sự phục hồi mạnh mẽ như đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ tăng 2 con số. Tình hình kinh tế không chắc chắn ở châu Âu và ở nhiều nước châu Á cũng như chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ kìm hãm đà tăng trưởng các mặt hàng xa xỉ, theo một số chuyên gia phân tích.

Khánh Đoan 

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới