Hủy
Tài Chính

Trump thất bại, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đi về đâu?

Bá Ước Thứ Hai | 27/03/2017 08:55

Việc hủy bỏ dự luật AHCA là dấu hiệu cho sự mất đoàn kết trong Đảng Cộng hòa, có thể dẫn tới trì hoãn việc giảm thuế và kích thích tài khóa,
 

Thị trường chứng khoán sẽ đối diện với sự thật vào tuần này, khi tâm lý lạc quan với chương trình hành động đầy tham vọng của Tổng thống Trump, “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đã vấp phải hiện thực khó khăn của nền chính trị Mỹ.

Ông Trump đã phải chịu một thất bại cay đắng vào thứ Sáu 24/3, khi Đảng Cộng hòa ngưng tiến hành bỏ phiếu về đạo luật bảo hiếm y tế mới (AHCA) sau khi họ thấy sẽ không nhận được đủ số phiếu để thông qua dự luật này.

Thất bại này khiến ông Trump không thể thực hiện lời hứa của mình là hủy bỏ và thay thế Obamacare với một chương trình mới tiến bộ hơn, và làm dấy lên nghi ngại rằng liệu chính quyền của ông có thể nhanh chóng thực hện các cam kết kinh tế của mình ví dụ như là cải cách thuế.

Ông Kevin Giddis, trưởng bộ phận thị trường trái phiếu  tại Raymond James cho rằng: “Thất bại này có thể chưa phải là thảm họa, nhưng sự tin tưởng vào các chương trình của ông Trump đã giảm đi”. Ông cũng cho rằng độ biến động thị trường sẽ tăng lên trong những ngày sắp tới do “đà thăng hoa của chứng khoán gần đây chủ yếu là do kì vọng rằng nhiều kế hoạch kinh tế của ông Trump sẽ trở thành sự thật”.

Chỉ số biến động CBOE (VIX) đã tăng 15% lên 12,96 trong tuần trước, mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm.

Việc hủy bỏ dự luật AHCA là một chỉ báo cho sự mất đoàn kết trong Đảng Cộng hòa và có thể dẫn tới việc trì hoãn kế hoạch giảm thuế và kích thích tài khóa, theo ông Andrew Hunter, kinh tế gia tại Capital Economics. Tuy nhiên, bất ổn chính trị sẽ không dẫn tới việc chấm dứt đà tăng của thị trường.

Bruce Bittles, chiến lược gia đầu tư tại Robert W.Baird & Co., cho rằng: “Rõ ràng là thị trường sắp tới có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh, nhưng chúng ta cũng không rõ là nó sẽ kéo dài bao lâu, trước khi chứng khoán tăng trở lại. Thị trường hiện tại có vẻ như là đang chờ đợi và một số tin tức tiêu cực như vừa rồi có thể đã được phản ánh vào giá rồi, nhà đầu tư có thể đã tăng nắm giữ tiền nhằm chờ đợi đà tăng mới”.

Chỉ số sức mạnh tương đối của S&P 500 đã tăng lên trên 80 lần đầu tiên trong 20 năm, theo một chiến lược gia tại Morgan Stanley. Mặc dù điều này cho thấy rủi ro ngắn hạn đã tăng lên, nó cũng cho thấy một chu kì tăng giá trong dài hạn và S&P 500 sẽ tăng mạnh trong 12 tháng tới.

Michael Hartnett, chiến lược gia đầu tư tại Bank of America Merrill Lynch, tiên đoán rằng S&P có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng không đáng ngại. Theo ông, đà giảm này là cơ hội để mua vào.

Chỉ số S&P 500 đã giảm 1.98 điểm hay 0,1% chốt phiên ở mức 2.343,98 vào cuối ngày thứ Sáu 24/3, giảm 1,4% cả tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016. Chỉ số Dow Jones giảm 59,86 điểm, hay 0,3% xuống mức 20.596,72 phiên cuối tuần. Trong tuần trước, chỉ số này giảm 1,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2016.

Bá Ước

Nguồn MarketWatch


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới