Hủy
Tài Chính

Xuất khẩu khởi sắc, châu Á được đà đi lên

Đàm Hoa Thứ Hai | 27/02/2017 12:30

Với các nền kinh tế công nghệ cao của châu Á, đà phục hồi bền vững hay không sẽ còn trông chờ vào thị hiếu hay thay đổi của người tiêu dùng.
 

Rất dễ nản lòng khi nhìn sang giao thương toàn cầu, vốn đối mặt với nhiều làn gió ngược trong những năm gần đây. Vào năm 2016, lần đầu tiên trong 15 năm, giao thương toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với nền kinh tế thế giới. Các thương vụ giao thương trong khu vực và trên thế giới cũng không đi đến đâu. Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có xu hướng đi theo chủ nghĩa bảo hộ để bảo vệ nền kinh tế trong nước.

Giữa vô vàn sắc màu ảm đạm này, khó có thể lạc quan về triển vọng giao thương toàn cầu. Thế nhưng, tại các quốc gia xuất khẩu của châu Á, giao thương đang có dấu hiệu khởi sắc. Vào tháng 1, xuất khẩu Trung Quốc đã tăng lần đầu tiên trong 10 tháng qua so với cách đây 1 năm. Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng đã tăng 3 tháng liên tiếp. Các khảo sát cũng cho thấy xuất khẩu khả quan ở Nhật, Singapore và Đài Loan. Lượng đơn đặt hàng đổ về các nhà sản xuất châu Á thường là dấu hiệu tốt lành cho thương mại toàn cầu và cho cả nền kinh tế thế giới. Dù rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định giao thương toàn cầu đã hoàn toàn hồi phục, nhưng có vẻ như dấu hiệu tích cực đang ngày càng nhiều hơn.

Lý do đơn giản nhất cho sự khởi sắc này là nhu cầu thế giới cũng khá mạnh. Tăng trưởng toàn cầu vẫn còn thấp hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng đang đi đúng hướng. Cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế lẫn World Bank đều cho rằng GDP toàn cầu sẽ tăng cao hơn một chút trong năm nay. Các nhà đầu tư đã trở nên lạc quan hơn: chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI, vốn theo dõi 64 thị trường khác nhau, đã đạt mức kỷ lục vào trung tuần tháng 2.

Xuat khau khoi sac, chau A duoc da di len

Hoạt động xuất khẩu châu Á khởi sắc cũng cho nhà đầu tư thêm một lý do để lạc quan hơn. Theo đó, đà phục hồi xuất khẩu từ các quốc gia sản xuất hàng hóa của châu Á như Indonesia và Malaysia chủ yếu là nhờ giá cả cao hơn đối với dầu mỏ và kim loại. Trong khi đó, tăng trưởng khối lượng giao dịch thì lại chậm hơn nhiều. Đối với các nền kinh tế công nghệ cao của châu Á, đà phục hồi có bền vững hay không sẽ còn trông chờ vào thị hiếu hay thay đổi của người tiêu dùng. Cả Samsung lẫn Apple dự kiến sẽ tung ra các thiết bị mới hào nhoáng hơn trong năm nay. Các nhà sản xuất chip trên khắp châu Á đã tăng tốc sản xuất vì tin rằng nhu cầu sẽ tăng lên. Nếu nhu cầu thấp hơn dự kiến, xuất khẩu các mặt hàng điện tử sẽ nhanh chóng rơi vào đà giảm sâu một lần nữa.

Bóng mây phủ mờ lên tất cả những xu hướng này là ông Donald Trump. Những nỗi lo sợ rằng ông có thể tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ trong những ngày đầu tiên nhậm chức hóa ra không có cơ sở. Nhưng việc ông đe dọa trong thời gian tranh cử tổng thống rằng sẽ áp thuế quan nặng lên các sản phẩm Trung Quốc thì vẫn còn đó. Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ là điều không ai mong muốn. Nếu cuộc chiến tranh này diễn ra ngay đúng lúc giao thương toàn cầu vừa mới thoát khỏi đà giảm sâu thì đó là điều quá mỉa mai.

Đàm Hoa

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới