Hủy
Tài Chính

USD giảm giá: Nỗi đau đầu mới của các ngân hàng trung ương

Đàm Hoa Thứ Hai | 31/07/2017 12:30

ft.com

Khi các ngân hàng trung ương tại châu Âu và Nhật còn chưa kích thích được lạm phát, việc đồng USD suy yếu đã khiến cho họ càng thêm đau đầu.
 

Đồng USD gần đây sụt giảm so với nhiều đồng tiền trên thế giới đang khiến cho ngân hàng trung ương các nước đau đầu, gây áp lực kéo lạm phát đi xuống giữa lúc nhiều ngân hàng trung ương đang tính đường rút khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ đã được thực thi trong nhiều năm qua. 

Cuối tuần trước, chỉ số ICE US Dollar Index (chỉ số theo dõi đồng USD với 6 đồng tiền mạnh khác) đã giảm 0,2% xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Diễn biến này xảy ra sau thông báo chính sách gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), theo đó nói rằng các quan chức đã trở nên lo ngại hơn về xu hướng lạm phát giảm ở trong nước.

Đà sụt giảm của đồng USD tuần qua chỉ là tiếp bước chuỗi ngày dài yếu ớt của đồng bạc xanh trong những tháng gần đây, hoàn toàn đảo ngược so với đà tăng mạnh sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái. 

Từ đầu năm đến nay, đồng euro và đồng đôla Úc đều đã tăng 11% so với đồng USD, trong khi đồng bảng Anh tăng 5,8%, đồng yen Nhật tăng 5,2%. Trong phiên giao dịch thứ Năm tuần qua, đồng đôla Úc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5.2015.

USD giam gia: Noi dau dau moi cua cac ngan hang trung uong

Sự thận trọng gần đây của Fed cũng như thái độ lạc quan phai dần đối với tốc độ phát huy tác dụng trong các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng góp phần vào đà suy yếu của đồng USD trong thời gian qua. Các nhà đầu tư giờ cho rằng xác suất chưa tới 50% Fed sẽ nâng lãi suất lần nữa trong năm nay, theo số liệu của CME Group.

Đối với ngân hàng trung ương các nước như châu Âu và Nhật, họ từ lâu chật vật chống lại tình trạng lạm phát thấp. Vì thế, việc đồng USD suy yếu đã khiến cho họ càng thêm đau đầu. Đồng nội tệ mạnh hơn có xu hướng tạo sức ì lên lạm phát vì làm cho dịch vụ và hàng hóa nhập khẩu trở nên ít đắt đỏ hơn, đồng thời có thể kiềm hãm tăng trưởng của các nền kinh tế dựa vào giao thương, khiến cho hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia trở nên đắt đỏ hơn xét theo giá trị USD.

“Rõ ràng, việc đồng yen và đồng euro tăng giá không phải là tin tốt lành gì”, xét trong bối cảnh lạm phát thấp ở khắp nơi trên thế giới, Joachim Fels, cố vấn kinh tế toàn cầu tại công ty quản lý quỹ Pacific Investment Management Co., nhận định.

Mặc dù các ngân hàng trung ương thường có xu hướng che dấu nỗi lo ngại khi đưa ra những phát ngôn thận trọng, nhưng nhiều ngân hàng trung ương đã ghi nhận diễn biến của đồng tiền trong những thông điệp phát đi gần đây.

Ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết: “Diễn biến mới của tỉ giá đã nhận được một số sự quan tâm” trong cuộc họp gần nhất của cơ quan này. Draghi nhận xét đà phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro là “mạnh mẽ” nhưng cũng nhấn mạnh mức lạm phát thấp của khu vực, do đó khuyến nghị các nỗ lực kích thích kinh tế của ECB có thể cần tiếp tục được duy trì thêm một thời gian nữa.

Chắc chắn, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng các đồng tiền mạnh hơn có thể được xem là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang khỏe lên và rằng chúng sẽ không làm cho các ngân hàng trung ương đi chệch hướng khỏi kế hoạch siết chặt tiền tệ của họ.

“Ở một mức độ nào đó, dường như các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều đồng thuận rằng các thế lực đang kiềm hãm áp lực tăng giá có thể chỉ là nhất thời”, Todd Elmer, chuyên gia phân tích tại Citi, nhận xét. 

Tuy nhiên, đối với những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Nhật, đồng yen tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã khiến cho ngân hàng trung ương nước này khổ sở không ít. Ngân hàng Trung ương Nhật đang ra sức nâng lạm phát, vốn ở mức thấp từ nhiều năm nay bằng cách tiếp tục mua vào hàng ngàn tỉ yen trái phiếu chính phủ. Nhưng dường như kết quả không nhiều khả quan nên mới đây, Ngân hàng Trung ương Nhật lại một lần nữa đẩy lùi thời hạn dự kiến sẽ đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Úc lại dùng cụm từ “không có lợi” để mô tả diễn biến tăng trong năm nay của đồng đôla Úc so với USD”. Giá cả tiêu dùng đã tăng chậm hơn so với dự kiến trong quý II/2017, theo số liệu vừa được công bố vào tuần qua, khiến các thị trường xôn xao và rút lại kỳ vọng về thời điểm lãi suất được nâng lên.

Cho dù Ngân hàng Trung ương Úc muốn nâng lãi suất như ngân hàng trung ương các nước khác, thì bây giờ cũng không làm gì được, theo Michael Blythe, chuyên gia kinh tế trưởng tại Commonwealth Bank of Australia. Lý do là vì “tình hình lạm phát hiện vẫn không có hy vọng”, ông nói.

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, đà tăng của các đồng tiền không chỉ giới hạn ở các thị trường phát triển: đồng tiền ở các thị trường mới nổi đã tăng rất mạnh khi nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào các cổ phiếu và trái phiếu ở những thị trường này nhằm tìm kiếm mức sinh lời cao hơn. Đồng won của Hàn Quốc đã tăng hơn 8% so với USD trong khi rupee Ấn Độ tăng 6%, đồng real của Brazil cũng đã tăng 3,7%. Trong khi đó, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), chỉ tính riêng tháng 5.2017, nhà đầu tư nước ngoài đã rót ròng ước tính 20,5 tỉ USD vào các thị trường mới nổi. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp rót ròng, phần lớn vốn rót đều chảy vào các quốc gia châu Á.

USD giam gia: Noi dau dau moi cua cac ngan hang trung uong

Đồng nội tệ tăng mạnh cũng là một nỗi đau đầu cho các nền kinh tế mới nổi, nhất là những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Hàn Quốc vì khiến cho hàng hóa nước họ ít cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Các nước như Ấn Độ thông thường bị thâm hụt tài khoản vãng lai cũng có thể chứng kiến mức thâm hụt này ngày càng rộng ra khi hàng nhập khẩu tăng. Việc đồng nội tệ tăng lên cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, khi doanh thu kiếm được ở nước ngoài được chuyển đổi về đồng nội tệ.

Dù vậy, một số chuyên gia phân tích cho rằng ngân hàng trung ương các nước châu Á có sức phản kháng tốt hơn trước đà tăng của đồng nội tệ vì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nước họ khá vững chắc, nhờ được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu mạnh.

Có thể thấy, cho đến thời điểm này, hầu hết các nền kinh tế mới nổi vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. IIF gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 của các nền kinh tế mới nổi lên 4,6% từ mức 4,4% và dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm tới. Tăng trưởng kinh tế khả quan đang giúp ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi bớt đi phần nào áp lực.

“Cho đến giờ phút này, tôi không nghĩ những diễn biến trên đe dọa đến chính sách của các ngân hàng trung ương”, Aidan Yao, chuyên gia kinh tế cấp cao về các nền kinh tế mới nổi châu Á, thuộc AXA Investment Managers, nhận xét về việc đồng tiền tăng lên ở các thị trường mới nổi châu Á. Nhưng ông cũng khuyến cáo: “Nếu xu hướng vẫn tiếp tục và ngày càng xa rời nền tảng kinh tế vĩ mô, thì khi đó các ngân hàng trung ương sẽ buộc phải hành động”.

Đàm Hoa

Nguồn WSJ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới