Hủy
Thế giới

Đằng sau việc Trung Quốc xây đường sắt xuyên châu Phi

Thứ Tư | 14/05/2014 21:38

Đây là đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt sẽ kết nối Kenya với các nước Uganda, Rwanda, Burundi và Nam Sudan.
 

Ngày 11/5, Trung Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt trị giá 3,8 tỷ USD nối cảng Mombasa của Kenya ở Ấn Độ Dương với thủ đô Nairobi (Kenya).

Theo các điều kiện của thỏa thuận, ngân hàng Exim Bank của Trung Quốc sẽ cung cấp 90% chi phí để xây mới tuyến đường sắt đổ nát dài 609,3 km có từ thời thuộc địa Anh. 10% chi phí còn lại do chính phủ Kenya chịu trách nhiệm.

Nhà thầu chính của dự án là Tập đoàn xây dựng truyền thông Trung Quốc. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công vào tháng 10 tới và hoàn tất sau 3 năm rưỡi.

Tuyến đường sắt Mombasa-Nairobi sẽ tạo điều kiện liên kết giữa nền kinh tế lớn nhất ở khu vực phía Đông châu Phi với các nước Kampala, Kigali, Bujumbura và Juba.

Việc ký thỏa thuận được tiến hành trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Phát biểu sau lễ ký có sự chứng kiến của Tổng thống 4 nước Kenya, Uganda, Rwanda và Nam Sudan, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh dự án này cho thấy sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Trung Quốc và các quốc gia ở phía Đông châu Phi.

Thỏa thuận này gợi nhớ đến nhiều chuyên gia quốc tế trước đó chỉ trích Trung Quốc giống như một "thực dân mới".

Bà Jane Goodall, một chuyên gia nghiên cứu loài linh trưởng rất có uy tín trên thế giới, tố cáo Trung Quốc đang vơ vét tài nguyên của châu Phi giống như những tên thực dân, gây ra những tác động thảm khốc cho môi trường và thiên nhiên.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80, nữ chuyên gia hàng đầu thế giới người Anh chuyên nghiên cứu động vật hoang dã, người đã có những nghiên cứu gây chấn động về loài tinh tinh ở Tanzania, đã đưa ra những bình luận về các mối hiểm họa đối với Trái đất.

Bà Goodall nói: “Tại châu Phi, Trung Quốc chỉ đơn thuần là đang làm những gì mà những kẻ thực dân đã làm trước đây. Họ muốn lấy nguyên liệu thô để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, giống như bọn thực dân đến châu Phi, rồi vơ vét tài nguyên thiên nhiên, khiến người dân địa phương nghèo đi”.

Thực tế, mới đây Trung Quốc bị cáo buộc chỉ tập trung vào việc khai thác nguyên liệu chứ không giúp tạo công ăn việc làm và thị trường tại Châu Phi.

Cáo buộc này vừa được đưa ra hồi tháng 3/2014. Theo đó, tờ Reuters phản ánh công nhân dầu mỏ của 2 dự án Trung Quốc tại Chad và Niger đã đình công để phản đối tiền lương không hợp lý. Các công ty Trung Quốc còn bị cáo buộc đã đối xử bất công với công nhân địa phương.

Được biết, trong nhiều năm qua, hàng hóa Trung Quốc như đồ điện tử, linh kiện thay thế, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… với nhiều ưu điểm như rẻ và mẫu mã đẹp, đa dạng đã tràn ngập các thị trường châu Phi.

Không chỉ có vậy, tại các dự án của mình Trung Quốc đã đưa công nhân sang châu Phi làm việc, Trung Quốc đã phần nào giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp trong nước, tăng thêm nguồn thu cho nước này.

Hiện có khoảng gần 1 triệu người Trung Quốc sinh sống, làm việc ở châu Phi và gần 1.000 công ty Trung Quốc đang làm ăn ở châu lục này.

Nguồn Báo Đất Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới