Hủy
Thế giới

Liệu mâu thuẫn Trung Quốc - Ấn Độ có dẫn tới xung đột?

Thứ Sáu | 18/08/2017 10:51

cloudfront.net

Trong khi thế giới tập trung vào CHDCND Triều Tiên, mâu thuẫn biên giới 2 quốc gia đông dân nhất thế giới đang ngày càng leo thang.
 

Nặc dù là nơi hoang vu và hầu như không có người ở, nhưng vùng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang trở thành điểm nóng trong những tháng gần đây. Hai gã khổng lồ này đang tích cực tranh giành ảnh hưởng và vị thế lãnh đạo ở châu Á, và do cả hai đều có vũ khí hạt nhân nên tình hình có thể leo thang.

Các nhà phân tích chuyên về châu Á của hãng tư vấn Eurasia Group là Shailesh Kumar và Kelsey Broderick đã viết: "Cả hai bên đều có thể bị thiệt hại lớn về kinh tế nếu mâu thuẫn trở thành chiến tranh thực sự".

Gareth Price, nhà nghiên cứu cấp cao về Châu Á tại Chatham House, cho rằng cuộc tranh chấp biên giới phản ánh cách  mà Trung Quốc và Ấn Độ muốn định vị mình trong trật tự mới tại châu Á. Price nói: "Trung Quốc (muốn) trở thành bá chủ chính", trong khi Ấn Độ lại thách thức điều này và "muốn được đối xử ngang hàng".

Reuters đưa tin hôm thứ Ba rằng quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã có đụng độ ở phía Tây dãy Himalaya. Các nguồn tin ở New Delhi nói với Reuters rằng binh lính Trung Quốc đã cố gắng thâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ ở vùng Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir.

Quân đội hai nước đã trong tình trạng sẵn sàng kể từ tháng 6 năm nay, đối mặt nhau trên vùng cao nguyên được mang tên Donglang ở Trung Quốc và Doklam ở Ấn Độ. Cả hai bên đã gia tăng quân lực tại khu vực này sau khi có bất đồng về việc Trung Quốc xây dựng một con đường ở vùng lãnh thổ tranh chấp giữa nước này và đồng minh của Ấn Độ là Bhutan

Mâu thuẫn này đã xảy ra ngay trước ngày kỷ niệm 70 năm Ấn Độ giành được độc lập từ người Anh. Trong một bài phát biểu tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng Ấn Độ "đủ mạnh để đối phó với những ai cố gắng hành động chống lại đất nước chúng ta".

Ấn Độ từ lâu đã không thoải mái với việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở châu Á. Price nhắc lại "sự phản đối mạnh mẽ của Ấn Độ đối với sáng kiến 'Một vành đai, một con đường'" của Trung Quốc.

Trong một bài báo có tựa đề "Ấn Độ không nên đùa giỡn với tai họa" vào ngày 8/8, Tân Hoa Xã cho biết việc Ấn Độ can dự vào khu vực Doklam là "một hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".

Theo Broderick và Kumar, hiện tại rủi ro lớn nhất chủ yếu là đến từ sự chú ý của truyền thông, chứ không phải rủi ro xảy ra xung đột thật sự.

Khả năng xảy ra xung đột sẽ làm ảnh hướng đến đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ, vốn rất quan trọng với nước này. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã "củng cố đủ quyền lực trong nước để không cần phải phô diễn sức mạnh ở bên ngoài".

Alyssa Ayres, chuyên viên nghiên cứu về Ấn Độ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nói rằng cuộc tranh chấp biên giới đang diễn ra là một "cuộc xung đột mà Trung Quốc đã tạo ra". Bà nói thêm rằng về mặt chiến lược, "quân đội Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn" và nếu cuộc xung đột diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho nước này thì sẽ khiến Trung Quốc "rất mất mặt."

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang phải vật lộn với các vấn đề đối ngoại khác. Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, cũng như là người khởi xướng các mâu thuẫn trên Biển Đông. Trong khi đó, Ấn Độ đã vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Pakistan tại Kashmir trong nhiều năm qua. Lần cuối cùng Trung Quốc và Ấn Độ có xung đột quân sự trực tiếp là vào năm 1962, và khi đó Ấn Độ đã chấp nhận nhượng bộ một số lãnh thổ.

Bất kể tiềm năng xung đột, Price cho rằng: "mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc về chính sách đối ngoại là thực hiện thành công sáng kến ‘Một vành đai, một con đường’". Broderick và Kumar nói rằng mối quan tâm tới Triều Tiên và Biển Đông vẫn được Trung Quốc đặt lên hàng đầu vì có ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Trung Quốc và nhiều nước khác.

Broderick và Kumar cũng chỉ ra rằng các cử tri Ấn Độ đang quan tâm nhiều hơn đến các mối đe dọa hiện hữu từ Pakistan hơn là Trung Quốc.

Bàn về khả năng xảy ra xung đột toàn diện giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Price cho rằng: "Tất cả logic nói rằng nó sẽ không xảy ra".

Bá Ước

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới