Hủy
Thế giới

Ông Trump đang đẩy Trung Quốc - Nhật Bản lại gần nhau

Mạnh Đức Thứ Tư | 24/10/2018 08:53

Mối quan hệ giữa các nước láng giềng kình địch đã ấm lên sau khi cả hai thấy mình bị ông Trump tấn công thương mại.
 

Quan hệ ấm lên nhờ làm ăn kinh tế

Khi ông Shinzo Abe nhậm chức 6 năm trước, sẽ không thể tưởng tượng được cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc tung ra thảm đỏ chào đón. Thủ tướng Nhật có thể cảm ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump về sự thay đổi này.

Trong tuần nay, ông Abe đến Bắc Kinh để kỷ niệm 40 năm một hiệp ước hòa bình và hữu nghị giữa hai cường quốc châu Á, vốn có lịch sử đối địch lâu đời do quá khứ đế quốc của nước Nhật trong Thế chiến II. Ông sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 26.10 như một phần của chuyến thăm song phương đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản trong 7 năm.

→Ông Abe và kế hoạch làm nước Nhật vĩ đại trở lại

Mối quan hệ giữa các nước láng giềng kình địch đã ấm lên đáng kể sau khi cả hai thấy mình bị ông Trump tấn công thương mại. Mặc dù liên minh của Nhật với Mỹ vẫn khiến Tokyo đứng về phía Washington trong hầu hết các vấn đề địa chính trị, ông Abe đã chuyển sang củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của mình. Về phần mình, ông Tập xem Nhật như một cách để giảm thiểu rủi ro của một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

"Hợp tác kinh tế và thương mại là động lực cho mối quan hệ Trung Quốc - Nhật, đặt nền tảng cho sự tin tưởng chính trị giữa 2 nước", phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết tuần trước.

Ông Abe đang chuẩn bị mang theo một phái đoàn 500 doanh nhân đi cùng với mình để thảo luận về hợp tác ở các nước thứ ba, theo như cam kết trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Nhật vào tháng 5. Hai bên sẽ xem xét để làm sống lại một khuôn khổ hoán đổi tiền tệ không hoạt động kể từ năm 2013 và có thể tiến tới một thỏa thuận về các “khoản vay gấu trúc”, theo báo cáo phương tiện truyền thông.

Hai nước cũng đang đẩy mạnh việc chốt lại Hiệp định Kinh tế Toàn diện Khu vực, một thỏa thuận thương mại liên quan đến 16 quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương. Tờ South China Morning Post đưa tin hồi đầu tháng này rằng Bắc Kinh cũng đang muôn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

"Chúng tôi vẫn chưa giải quyết được vấn đề của chúng tôi với Nhật", Gui Yongtao, một giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Bắc Kinh, chuyên về quan hệ Trung Quốc - Nhật cho biết. “Nhưng chúng không quan trọng bằng rủi ro từ Mỹ. Chúng tôi vẫn không biết điều gì sẽ xảy ra với chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc”.

Những căng thẳng vẫn còn đó

Tuy nhiên, bất chấp những thiện chí này, những gì diễn ra trong quá khứ thực sự là một rào cản để cải thiện quan hệ, vấn đề bao trùm vẫn là tranh chấp lãnh thổ.

Căng thẳng bùng nổ trong năm 2012, năm mà ông Abe lên nắm quyền, khi Nhật mua một phần của một chuỗi đảo ở biển Hoa Đông, không có người ở và nằm trong vùng tranh chấp với Bắc Kinh, gây ra biểu tình lớn ở Trung Quốc và khiến mối quan hệ của hai nước trở nên thù địch nhất kể từ sau Thế chiến II. Các đảo được gọi là Senkaku theo cách gọi của phía Nhật và Điếu Ngư theo cách gọi của phía Trung Quốc.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Nhật đã nhất trí về các trao đổi quân sự và đường dây nóng để tránh các cuộc đụng độ ngoài ý muốn trong cuộc họp đầu tiên trong 3 năm.  

Vấn đề lãnh thổ là một lý do chính tại sao công chúng Nhật có một trong những quan điểm tiêu cực nhất của thế giới về Trung Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Ngay cả khi ấn tượng của Trung Quốc về Nhật đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2012, một phần nhờ vào du lịch, người Nhật vẫn cảnh giác.

Và trong khi Nhật Bản đã chỉ trích chính sách của Trump về việc áp thuế quan vào Trung Quốc, Chính phủ của ông Abe cũng đồng tình với một số mối quan ngại của Mỹ về thương mại và đầu tư. Bộ trưởng Thương mại Nhật Hiroshige Seko, người sẽ tham gia chuyến đi, đang làm việc với Mỹ và châu Âu về các đề xuất giải quyết các vấn đề gây ra bởi các doanh nghiệp nhà nước và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

"Không ai nghĩ rằng mối quan hệ với Trung Quốc đã hoàn toàn hồi phục, và họ không nên nghĩ như vậy", Kunihiko Miyake, cựu nhà ngoại giao Nhật và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Ritsumeikan cho biết. Chúng tôi đang ở trong một thời đại mà cả hai bên nỗ lực để tránh những tranh chấp tối đa có thể".

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới