Hủy
Thế giới

Thái Lan muốn nâng cấp sân bay, quyết soán ngôi Singapore

Thứ Ba | 30/05/2017 13:26

Việc cạnh tranh với Singapore trong hoạt động bảo dưỡng và sửa chữa máy bay là một phần trong kế hoạch thúc đẩy kinh tế Thái Lan của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha.
 

Thái Lan đang tìm cách soán ngôi Singapore trong việc bảo dưỡng sửa chữa và đại tu máy bay (gọi tắt là hoạt động MRO), thông qua một kế hoạch nâng cấp trị giá 5,7 tỷ USD cho sân bay quốc tế U-Tapao.

Theo bà Ajarin Pattanapanchai, Phó Tổng thư ký Hội đồng Đầu tư Quốc gia Thái Lan (BOI), công ty Sikorsky Aircraft (thuộc tập đoàn Lockheed Martin) là công ty mới nhất tham gia nghiên cứu khả năng tăng chi tiêu cho hoạt động MRO tại Thái Lan, trước thềm kế hoạch nâng cấp U-Tapao. Hồi tháng 3, Airbus cũng đã ký một thỏa thuận với Thai Airways để đánh giá khả năng phát triển các cơ sở MRO tại sân bay này.

Trả lời Bloomberg tại Canada, bà Ajarin nói: "Sân bay ở Singapore hiện đã khá chật chội. Để bắt kịp nhu cầu của các hãng hàng không trong khu vực - đặc biệt là nhu cầu mới từ Myanmar, Việt Nam, Campuchia - cộng thêm việc chúng tôi có thế mạnh về ô tô và kỹ thuật, Thái Lan sẽ là lựa chọn thứ hai để trở thành trung tâm MRO."

Thai Lan muon nang cap san bay, quyet soan ngoi Singapore
Chi tiêu cho MRO tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là cao nhất so với các nơi khác trên thế giới. Ảnh Bloomberg

Dự án U-Tapao là một phần trong kế hoạch cải tổ kinh tế của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha. Tăng trưởng GDP của nước này đã bị tụt lại phía sau những nước láng giềng, kể từ khi quân đội Thái lên nắm quyền lực cách đây ba năm. Đây cũng là một phần quan trọng của kế hoạch đầu tư 1,5 nghìn tỉ baht (44 tỷ USD) trong khoảng thời gian 2017-2021 để phát triển vùng bờ biển phía Đông Thái Lan (còn gọi là Hành lang Kinh tế phía Đông - EEC).

Ngoài sân bay U-Tapao, kế hoạch này kêu gọi đầu tư 4,5 tỷ USD vào đường sắt cao tốc, 11,5 tỷ USD cho các thành phố mới và 14 tỷ USD cho sản xuất công nghiệp. Chính phủ sẽ kiểm soát và duy trì sân bay và cảng biển, còn các dự án khác sẽ được thực hiện theo hình thức hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) hoặc do tư nhân sở hữu.

Đề cập đến việc huy động vốn, bà Ajarin nói: "Tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được điều đó".  Bà cho biết rằng chính phủ Thái đã phân bổ ngân sách cho năm 2017, nhưng từ chối cung cấp một con số về kinh phí đầu tư vào EEC, hoặc mục tiêu doanh thu từ lĩnh vực MRO mà Thái Lan đang nhắm đến.

Cũng theo bà Ajarin cho biết, sau một thời gian sụt giảm vì cuộc đảo chính, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Thái Lan hiện đã tăng lên trở lại, đặc biệt là trong các lĩnh vực kỹ thuật số và công nghệ cao.

Bà đã lấy ví dụ về công ty pin mặt trời Toronto Solar của Canada, đã xin giấy phép đầu tư vào năm 2015 và mở nhà máy tại Thái Lan vào năm nay. Về mặt sản xuất xe điện, có "một công ty lớn - nhưng không phải Tesla - đang chờ đợi để vào đầu tư", theo bà Ajarin tiết lộ.

Vốn FDI vào Thái Lan đã tăng lên 8,6 tỷ USD vào năm 2016, từ mức 2,7 tỷ USD vào năm 2015, theo số liệu của BOI.

Mặc dù BOI đã đưa ra nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hiện vẫn chưa rõ là liệu chính phủ Thái có thể thực hiện được tầm nhìn đầy tham vọng cho dự án EEC. Những thách thức mà nước này đang phải đối mặt bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, cũng như lo ngại rằng Thái Lan dễ bị ảnh hưởng bởi biến động chính trị.

Bà Ajarin cũng thừa nhận rằng nguy cơ khủng hoảng chính trị là một mối lo ngại đối với các nhà đầu tư mới, nhưng bà lập luận rằng nhiều công ty tại Thái Lan đã vượt qua được những cơn bão như vậy.

Mạnh Đức

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới