Hủy
Thế giới

Thị trường quốc tế bước vào tuần bận rộn

Thứ Hai | 30/03/2015 08:00

Tuần này, báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ sẽ "đốt nóng" cuộc tranh luận lãi suất của Fed trong khi châu Á có thể phải nới lỏng chính sách hơn.
 

Tâm điểm lớn nhất trong tuần là báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ. Theo kết quả khảo sát của Reuters, khối doanh nghiệp Mỹ có thể đã tuyển dụng thêm 244.000 nhân viên trong tháng 3 và ghi nhận 13 tháng liên tiếp tuyển dụng trên 200.000 nhân sự.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế, số liệu về mức lương trung bình hàng tháng vẫn là yếu tố đáng quan tâm nhất. Tăng trưởng lương yếu ớt là một dấu hiệu cho thấy, kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Khi đó, USD tăng giá mạnh rõ ràng là một mối đe dọa lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế phải hạ triển vọng tăng trưởng và lãi suất tại Mỹ trong năm nay sau khi phân tích một số báo cáo kinh tế đáng thất vọng của Mỹ, từ doanh số bán lẻ đến chi tiêu doanh nghiệp.

Báo cáo việc làm hàng tháng là một trong 2 yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kế hoạch nâng lãi suất của Fed. Ngày 27/3, Chủ tịch Fed Janet Yellen tái khẳng định rằng, Fed có thể bắt đầu nâng lãi suất từ năm nay nếu thị trường lao động tiếp tục cải thiện bền vững.

Ngoài báo cáo việc làm của Mỹ, thị trường châu Âu và châu Á cũng khá bận rộn với loạt số liệu kinh tế trong tuần này.

Tại châu Âu, Hy Lạp sẽ trình danh sách cải cách lên các bộ trưởng tài chính Eurozone trong ngày 30/3 nhằm kêu gọi sự hỗ trợ mới từ phía chủ nợ. Ngày 27/3, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch vừa hạ bậc tín nhiệm trái phiếu dài hạn định giá bằng ngoại tệ và nội tệ của Hy Lạp xuống mức CCC từ B.

Giới đầu Eurozone cũng có cơ hội đánh giá tình hình lạm phát tại khu vực với báo cáo lạm phát sơ bộ tháng 3, dự kiến công bố ngày 31/3. Giới chuyên gia dự đoán, Eurozone rất có thể quay về thời kỳ giảm phát với tỷ lệ lạm phát tháng 3 giảm xuống -0,1% do giá dầu rẻ.

Quay lại châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là 2 tâm điểm lớn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tiếp tục cho thấy những dấu hiệu đáng thất vọng, 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương rất có thể phải tăng cường nới lỏng hơn nữa.

Tuần này, Nhật Bản sẽ công bố báo cáo về sản lượng công nghiệp tháng 2 trong ngày 30/3 và kết quả khảo sát niềm tin kinh doanh Tankan trong ngày 1/4.

Cùng ngày 1/4, chính phủ Trung Quốc và HSBC sẽ công bố báo cáo chính thức về chỉ số PMI sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuần trước theo số liệu sơ bộ, PMI sản xuất tháng 3 của Trung Quốc xuống thấp nhất 11 tháng do số đơn hàng mới giảm mạnh.

Nguồn DVO/ Reuters, CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới