Hủy
Thế giới

Quá trình tài chính hóa Myanmar đang diễn ra thế nào?

Đàm Hoa Thứ Năm | 02/11/2017 12:30

Getty Images

Trong tổng số dân 53 triệu người của Myanmar, cứ 10 người thì chưa tới 1 người có tài khoản ngân hàng.
 

Cuộc chuyển mình của Myanmar sang chế độ dân chủ có không ít điều thú vị. Trong khi ở phía Tây quân đội vẫn tiếp tục trấn áp người Hồi giáo Rohingya thì ở những nơi khác trên đất nước này, những động thái mở cửa thị trường của chính quyền Myanmar lại đang tăng tốc. Các dịch vụ tài chính và thương mại đang nở rộ.  

Lấy Khin Hlaing làm ví dụ. Khin Hlaing hiện là chủ sở hữu Global Mobile Shop, một cửa tiệm nhỏ được bao bọc xung quanh bởi các quầy phủ mái che lớn bán trái cây tươi ở Hlaing Tharyar, một khu công nghiệp ở bên ngoài thành phố Yangon. Ông là một trong xấp xỉ 12.000 đại lý cho Wave Money, nền tảng chuyển tiền di động lớn nhất Myanmar. Hầu hết các ngày, khoảng 20 người đến cửa tiệm của ông để chuyển tiền cho bạn bè hoặc gia đình ở những nơi khác trên khắp đất nước. Một khách hàng làm nghề may quần áo cho biết ban đầu cô rất hồi hộp về dịch vụ Wave Money. Nhưng hiện cô gửi thu nhập kiếm được qua Wave 2 lần mỗi tháng với chi phí 500 kyat (0,37USD) mỗi lần chuyển. Cô nói cô thích sử dụng Wave vì dịch vụ này rất tiện lợi.

Trên toàn cầu có đến 2 tỉ người không có tài khoản tiết kiệm và không tiếp cận được tín dụng. Việc lệ thuộc vào tiền mặt khiến cho họ dễ bị gặp rủi ro về lừa đảo, tội phạm. Chính phủ nhiều nước thì gặp khó khăn trong việc thu thuế, chi vào hoạt động phát triển và đưa tiền đến cho những đối tượng đang cần. Các nền kinh tế chịu trận khi các doanh nghiệp nhỏ khát vốn, nhưng lại không tiếp cận được khoản vay. Tuy nhiên, các sáng kiến kỹ thuật số có thể giúp 1,6 tỉ người tiếp cận các dịch vụ tài chính lần đầu tiên, theo McKinsey Global Institute. Và những ai cung cấp các dịch vụ tài chính này có thể làm phình to bảng cân đối kế toán của họ tới 4.200 tỉ USD.

Tại Myanmar, tiền mặt là vua. Trong tổng số dân 53 triệu người của Myanmar, cứ 10 người thì chưa tới 1 người có tài khoản ngân hàng. Nhưng sự bùng nổ về lượng người sử dụng điện thoại thông minh có nghĩa là các sản phẩm tài chính sơ khai đang xuất hiện ở những nơi mà thậm chí đường sá đi vào cũng rất khó khăn.

Qua trinh tai chinh hoa Myanmar dang dien ra the nao?

Sau khi tình trạng độc quyền điện thoại di động của Nhà nước chấm dứt cách đây 4 năm, mức độ sử dụng di động đã tăng từ 7% lên 89% hiện nay. Các tấm bảng quảng cáo ở Yangon khoe đặc tính chụp hình selfie của những chiếc điện thoại do hai nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Vivo và Oppo làm ra. Những thanh thiếu niên say mê thử nghiệm điện thoại ở những tiệm bán mì ở góc đường. Các hãng viễn thông nước ngoài, đáng chú ý là Telenor (Na Uy) và Ooredoo (Qatar), đã bước chân vào thị trường Myanmar, mang theo lượng tiền đầu tư khổng lồ: vào năm 2014 và 2015 lĩnh vực viễn thông đã ghi nhận con số 2,8 tỉ USD vốn FDI, chiếm gần 1/3 tổng vốn FDI. Tất cả những điều này cho thấy sự thay đổi đang ngày càng rõ nét ở Myanmar.

Wave Money là dịch vụ chuyển tiền di động của Telenor trong khi M-Pitesan là con cưng của Ooredoo, mới được ra mắt hồi tháng 9.2017. Các đối thủ khác cũng đang trỗi dậy, nhưng Wave vẫn đang là kẻ dẫn đầu thị trường. Wave có được sự hậu thuẫn của Yoma Bank, ngân hàng hàng lớn thứ 4 Myanmar, với bảng cân đối kế toán 1,3 tỉ USD. Wave tính phí chuyển tiền cao hơn các ngân hàng, theo ông chủ Brad Jones. Nhưng hồi tháng 9 vừa qua, Wave đã giảm giá để cạnh tranh với các đối thủ.

Đối với nhiều khách hàng, Wave có thể vẫn là một lựa chọn dễ dàng hơn. Giờ làm việc không linh hoạt ở các ngân hàng khiến cho họ thường phải bỏ việc để xếp hàng chờ đến lượt. Đây là một bất tiện. Trong khi đó, cứ 10 giao dịch của Wave thì có hơn 6 giao dịch là thực hiện vào buổi tối hoặc vào các ngày nghỉ cuối tuần, theo ước tính của Jones. Ngoài ra, các ngân hàng lại rất ít ở Myanmar. Hal Bosher, ông chủ người Canada của Yoma Bank, cho biết Ngân hàng có thể tốn 500.000USD để thành lập một chi nhánh mới và ông hiện có chỉ 80 chi nhánh. Wave, ngược lại, hiện có mặt ở 255 trong số 330 thành phố và thị trấn ở Myanmar.

Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Myanmar đã đưa ra các quy định ngặt nghèo đối với các dịch vụ tài chính di động, lấy cảm hứng từ những quốc gia như Kenya. Wave, chẳng hạn, là công ty đầu tiên đăng ký theo các quy định này vào tháng 10 và sử dụng các thông tin chi tiết gắn với thẻ SIM của khách hàng để thỏa mãn các yêu cầu về nhận dạng. Ông Jones chỉ ra rằng số tiền chuyển đi có giá trị nhỏ có nghĩa là dịch vụ Wave ít có khả năng “hấp dẫn” tội phạm và lừa đảo. Đây cũng là một thuận lợi.

Sharmin Sultana thuộc BRAC Myanmar, chi nhánh tại Myanmar của một tổ chức phi chính phủ Bangladesh, kỳ vọng nền tảng này có thể thúc đẩy việc hoàn trả các khoản cho vay vi mô và sau này sẽ được sử dụng để phát triển điểm tín dụng.

Wave đến nay vẫn chưa tạo ra lợi nhuận mặc dù mỗi tháng xử lý tới gần 100.000 giao dịch. Mối quan tâm hiện nay của Wave vẫn là làm sao phát triển tiếng tăm, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động của nó. Tất cả những nỗ lực này không hề rẻ chút nào. Nhưng Bosher tin rằng thay đổi sẽ diễn ra vì “ngành ngân hàng tại Myanmar đang quá tệ”.

Đàm Hoa

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới