Hủy
Thế giới

Thị trường Triều Tiên: Nhiều cơ hội, lắm rủi ro

Bảo Ngọc Thứ Tư | 27/09/2017 12:30

taiwannews.com.tw

Tại Triều Tiên, sản phẩm Việt Nam được trưng bày như mặt hàng ngoại nhập cao cấp với giá bán khá cao.
 

Cách đây vài năm, có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm tiêu dùng Việt Nam được bày bán tại nơi ít ai nghĩ đến nhất như Bình Nhưỡng của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tại một trong những cửa hàng bách hóa lớn, Kwangbok Area Market, có thể tìm thấy các sản phẩm như mì ăn liền Hảo Hảo, Ngon Ngon, bánh snack Oishi, O’Star, bia Sài Gòn, cà phê Trung Nguyên, bánh quy Kinh Đô... Sản phẩm Việt Nam được trưng bày như mặt hàng ngoại nhập cao cấp với giá bán khá cao.

Nhu cầu đang tăng

Là một trong những nền kinh tế tập trung hiếm hoi còn tồn tại, kinh tế Triều Tiên vận hành hoàn toàn dựa trên khối quốc doanh. Hệ quả của mô hình kinh tế độc quyền trong thời gian dài là sự tụt hậu của nhà cung cấp so với nhu cầu thị trường.

Lãnh đạo Kim Jong Un ban hành kế hoạch cải cách kinh tế từ năm 2011, một phần quan trọng trong kế hoạch là ưu tiên cải thiện các sản phẩm tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là động thái nhằm giữ lời hứa cải thiện mức sống của người dân. Theo Felix Abt, người đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Triều Tiên và thành lập trường Pyongyang Business School, một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch cải cách là giảm sự phụ thuộc của các công ty thương mại lớn của Triều Tiên vào đối tác Trung Quốc bằng cách tăng cường sản xuất sản phẩm nội địa và đa dạng hóa các nguồn cung cấp từ các nước như Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư Singapore đã tỏ ra hứng thú với thị trường Triều Tiên từ rất sớm. Cửa hàng thức ăn nhanh đầu tiên ở Bình Nhưỡng, Samtaeseong Diner, là do một liên doanh Singapore - Triều Tiên mở vào năm 2009. Theo Jaka Parker, một người Indonesia đã sống nhiều năm ở Bình Nhưỡng, hai siêu thị Bugsae và Rakwon do người Singapore đầu tư là nơi để mua hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Singapore. Nơi này được người dân Bình Nhưỡng gọi là siêu thị Singapore, nơi mua sắm dành cho tầng lớp trung lưu mới nổi và người nước ngoài sống tại đây.

Thi truong Trieu Tien: Nhieu co hoi, lam rui ro

Theo AP, bất chấp những lệnh trừng phạt ngặt nghèo, sản phẩm tiêu dùng vẫn có sức tiêu thụ rất tốt tại quốc gia này. Người Triều Tiên có thể bỏ 0,8USD để mua một lon cà phê Pokka của Nhật. Họ cũng có thể mua một chiếc Mercedes-Benz Viano, tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng, với giá 63.000USD.

Sự hình thành giai cấp trung lưu nhanh chóng tạo ra nhu cầu lớn cho thị trường tiêu dùng được vận hành bởi một nền kinh tế bao cấp, vốn dĩ không thể cung cấp cho nhu cầu này. Nếu vẫn tiếp tục hứng chịu các lệnh cấm vận, nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục vượt xa rất nhiều lần khả năng cung cấp của các công ty quốc doanh trong nền kinh tế đóng cửa này.

Giai cấp trung lưu phát triển nhanh vì được hưởng lợi từ quá trình tư hữu hóa nền kinh tế khi Nhà nước bắt đầu dần chấp nhận thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào nhiều ngành nghề khác nhau. Theo ông Felix, các ông chủ và quản lý được trực tiếp định đoạt lương thưởng cho nhân viên trong những năm gần đây, thay vì Chính phủ quyết định việc này.

Thu nhập của người Triều Tiên đã tăng lên đáng kể trong 15 năm qua. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc thống kê thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên là khoảng 1.000USD vào năm 2014, xấp xỉ mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào năm 2008. Còn theo Bloomberg, thu nhập bình quân đầu người là 1.300USD năm 2016, bằng Việt Nam năm 2010. Mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên xấp xỉ Việt Nam trong giai đoạn năm 2008-2010. Dù nước này còn nghèo, GDP vẫn tăng 3,9% trong năm 2016 lên khoảng 28,5 tỉ USD và đây là mức tăng GDP nhanh nhất trong 17 năm.

Triển vọng phát triển của thu nhập bình quân đầu người tại Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như hiệu quả cải cách kinh tế và mức độ cấm vận quốc tế trước các cuộc thử tên lửa và chương trình phát triển hạt nhân của nước này.

Đường vòng của hàng hóa

Theo Rowan Beard của Young Pioneer Tour, các mặt hàng ngoại nhập tại Triều Tiên được nhập khẩu bởi những công ty liên doanh của Triều Tiên với các đối tác trung gian của Trung Quốc, Malaysia, Singapore. Các công ty trung gian này thu mua sản phẩm tại nước sở tại và bán lại cho các công ty thương mại quốc doanh Triều Tiên. Lệnh trừng phạt của Liên hiệp Quốc ảnh hưởng rất nhiều đến những công ty này. Rất nhiều công ty liên doanh đã phải ngừng hoạt động vì vi phạm lệnh trừng phạt do nhập khẩu các mặt hàng cao cấp vào Triều Tiên như rượu, túi xách và trang sức. Ông Felix Abt cho biết, vì chính sách giảm sự ảnh hưởng từ Trung Quốc, các công ty thương mại lớn của Triều Tiên đang tăng cường nhập khẩu hàng từ các nước khác.

Giá bán của sản phẩm luôn đội lên nhiều lần do hàng hóa qua nhiều trung gian trước khi đến được các công ty thương mại Triều Tiên. Cụ thể, các công ty trung gian Trung Quốc cũng bán sản phẩm của Trung Quốc cùng Singapore và Malaysia vì làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc của tầng lớp trung lưu Bình Nhưỡng trong những năm gần đây. Cũng vì qua một hoặc nhiều trung gian, các nhà sản xuất hầu hết sẽ không biết hàng hóa của mình đã được bán và thương hiệu đã được nhận biết ở Triều Tiên.

Thi truong Trieu Tien: Nhieu co hoi, lam rui ro

Ông Felix chia sẻ, công ty thương mại quốc doanh lớn của Triều Tiên quan tâm và tìm nguồn cung cho các sản phẩm mì gói, bánh kẹo và giày dép.

Qua đó, nếu các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế được nới lỏng, giúp nền kinh tế Triều Tiên khởi sắc hơn và nếu bỏ qua được các công ty trung gian để giảm giá thành, sản phẩm của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh như xuất xứ và chất lượng tốt hơn sản phẩm Trung Quốc tại Triều Tiên.

Những sản phẩm nhập từ Việt Nam từng là các sản phẩm xa xỉ tại đây, được trưng bày tại các siêu thị lớn và khách sạn như Paradise Department Store, Yanggakdo International Hotel, Kwangbok Area Supermarket, Pyongyang Department Store No.1, Potonggang Department Store... Một ly mì ăn liền Việt Nam có giá gấp vài lần một bữa ăn thông thường của người Triều Tiên.

Lệnh cấm vận quốc tế áp đặt lên Triều Tiên là rào cản lớn nhất tại thị trường này. Phương thức xuất khẩu hàng hóa sang nước này từ trước đến nay là thông qua các công ty liên doanh, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Rủi ro lớn nhất hiện nay là các lệnh cấm vận kinh tế ngày càng thắt chặt đối với Triều Tiên trước các thách thức về tên lửa xuyên lục địa và vũ khí hạt nhân, thậm chí là bom nhiệt hạch mà quốc gia này đang theo đuổi. Nhưng khi tình hình được cải thiện, các lệnh cấm vận phần lớn sẽ ưu tiên mở ra cho mặt hàng nhu yếu phẩm và thực phẩm ngay sau khi căng thẳng hạt nhân giảm xuống vì lý do nhân đạo.

Xây dựng thương hiệu và ổn định giá thành sản phẩm tại một thị trường không có cạnh tranh của các nhãn hiệu phương Tây có thể mang lại lợi ích lớn trong đầu tư dài hạn, tương tự như các nhãn hiệu phương Tây vào các thị trường mới nổi để giành thị phần tại các nền kinh tế mới nổi. Người Singapore đã bắt đầu làm việc này từ nhiều năm trước khi chính quyền Bình Nhưỡng bắt đầu khuyến khích đầu tư từ nước này.

Bảo Ngọc


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới