Hủy

3 điểm Nhật Bản sẽ tập trung trong các dự án vốn ODA mới

Vân Nguyễn Thứ Tư | 08/05/2019 06:29

Ảnh: JICA

Ảnh hưởng của chính sách quản lý nợ công và chậm trễ về thủ tục hành chính, trong tài khóa 2018, không có dự án vốn vay ODA mới được cam kết
 

Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam, ông Konaka Tetsuo, hôm 7.5 cho biết, trong tài khóa 2019, nhiệm vụ cấp bách là triển khai một cách vững chắc các dự án vốn vay ODA mới và sẽ tập trung vào ba điểm.

Thứ nhất, để giải quyết những vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt, sẽ tích cực sử dụng nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của JICA và thực hiện các cuộc khảo sát do doanh nghiệp tư nhân đề xuất; thực hiện hợp tác kỹ thuật hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử; hợp tác với Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Thứ hai, JICA dự định hợp tác với các cơ quan nghiên cứu và phân tích chiến lược để thí điểm cách tiếp cận theo đặc tính của từng tỉnh thông qua hỗ trợ về mặt tri thức trong xây dựng kế hoạch phát triển cho những tỉnh điển hình trong bối cảnh các cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam đang tiến hành xem xét xây dựng kế hoạch trung và dài hạn cho giai đoạn sau năm 2020.

Thứ ba, khái niệm “Thượng tôn pháp luật” và “Tính liên kết” trong sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” do Chính phủ Nhật Bản đề xướng.

Liên quan đến “Thượng tôn pháp luật”, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện, bao gồm việc tiếp tục thực hiện một cách bền vững Dự án hỗ trợ xây dựng luật đang tiến hành.

Liên quan đến “Tính liên kết”, phía Nhật Bản dự kiến sẽ huy động mọi nguồn lực mà JICA có để xem xét hỗ trợ những công trình giao thông trọng điểm của Chính phủ Việt Nam, như đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, cảng biển, cầu… trên quan điểm xem xét tính liên kết trong toàn Khu vực sông Mekong.

Thế nhưng, để thực hiện hợp tác trên một diện rất rộng và nhiều vấn đề phức tạp như trên, ông Konaka Tetsuo nói rằng, chỉ một mình JICA khó có thể thực hiện một cách đầy đủ.

Theo ông, JICA cần hợp sức với không chỉ các cơ quan nhà nước và các đơn vị tư nhân của Nhật Bản, sự hợp tác với cả các nhà tài trợ quốc tế song phương và đa phương, có cùng quan điểm hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

NaTài khóa 2018 cũng ghi nhận những bước tiến lớn trong xây dựng các công trình hạ tầng, như Cảng biển quốc tế Lạch Huyện, Nhà máy xử lý nước thải cho khu vực Chùa Cầu của Hội An. Cạnh đó, những hỗ trợ mang tính kỹ thuật, cải cách thể chế cũng được tiến hành một cách bền vững.

Theo Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam, do ảnh hưởng của chính sách hạn chế và quản lý nợ công và do chậm trễ về thủ tục hành chính… nên trong năm tài khóa vừa qua đã không có dự án vốn vay ODA mới nào được cam kết, đây là những dự án trọng điểm phía Nhật Bản đã chấp thuận hỗ trợ dựa trên các đề xuất của Việt Nam.

“Tôi mong muốn sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ Việt Nam để có thể nhanh chóng đi đến ký kết hiệp định vay vốn đối với các dự án quan trọng này”, ông Konaka Tetsuo nói.

Chưa hết, trong năm 2019 đã phát sinh vấn đề chậm chi trả đối với một số dự án đang thực hiện, mà tiêu biểu là Dự án xây dựng đường sắt đô thị ở TP.HCM. Ông Konaka Tetsuo cho rằng những bất cập liên quan đến giải ngân vốn, trường hợp TP.HCM, có thể sẽ gây những quan ngại về môi trường đầu tư ở Việt Nam.

“JICA sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan trung ương và địa phương của Việt Nam để giải quyết các vấn đề này, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam cho hay.

Kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình và đang từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn tài chính ưu đãi từ các cơ quan tài trợ quốc tế. Cạnh đó, Việt Nam đang tiến hành cải cách cơ chế, bao gồm việc sửa đổi Luật đối tác công tư – PPP, để huy động một cách tích cực nguồn vốn tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Konaka Tetsuo cho rằng việc xây dựng cơ chế chính sách chi tiết sẽ mất khá nhiều thời gian. Đồng thời các công trình phục vụ phát triển, nhất là công trình cơ sở hạ tầng, cũng luôn cần thời gian dài “thai nghén” cho đến khi phát huy được hiệu quả kinh tế xã hội.

Theo ông nguồn vốn tài trợ có tính ưu đãi từ JICA, kết hợp với chất lượng kỹ thuật công nghệ cao của Nhật Bản, vẫn tiếp tục là một công cụ không thể thiếu được cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới