Hủy

3 điểm nổi bật của Luật đầu tư 2014

Thứ Tư | 01/07/2015 09:11

Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, quy định cụ thể về các ngành được kinh doanh... là các điểm nổi bật của Luật Đầu tư mới.
 

Từ ngày 01/07/2015, Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực thay thế Luật Đầu tư năm 2005 với nhiều điểm thay đổi đáng chú ý.

1. Cụ thể hơn về các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Khác với những quy định chung chung về ngành nghề bị cấm đầu tư của Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư mới (tại điều 06) quy định rõ ràng hơn về những ngành nghề và lĩnh vực bị cấm đầu tư kinh doanh như: kinh doanh ma túy; kinh doanh hóa chất, khoáng vật cấm; kinh doanh động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người và các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Đây là một bước tiến mới góp phần thay đổi nguyên tắc áp dụng luật, phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Luật Đầu tư 2014 cũng dành riêng một phụ lục liệt kê 267 ngành nghề đầu tư có điều kiện. Quy định này giúp nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam thay vì phải tham khảo nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau như trước. Ngoài ra, thay đổi này còn góp phần khắc phục được các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư.

Khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, những văn bản quy định về điều kiện kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không phù hợp sẽ không còn hiệu lực.

2. Tách nội dung đăng ký kinh doanh ra khỏi giấy chứng nhận đầu tư

Một điểm mới nữa của Luật Đầu tư 2014 là chỉ quản lý và điều chỉnh các dự án đầu tư, còn việc thành lập doanh nghiệp là do Luật Doanh nghiệp quy định.

Thay đổi này sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư như hiện nay. Bởi, theo Luật Đầu tư năm 2005, đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam thì giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Cải thiện các thủ tục hành chính, nới room cho nhà đầu tư nước ngoài

Luật mới đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư 2014 chỉ yêu cầu nhà đầu tư xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án mà trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% hoặc có nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI nắm giữ từ 51% vốn điều lệ. Các dự án có vốn FDI còn lại (có nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp FDI nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ) thì sẽ được đối xử như dự án đầu tư trong nước và không cần phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được rút ngắn còn thời hạn tối đa 15 ngày thay cho 45 ngày như trước đây (Điều 37).

Bên cạnh những điểm mới tích cực, Luật Đầu tư 2014 vẫn còn những bất cập

Việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án lón được quy định tại điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư 2014 có thể phát sinh nhiều hệ lụy. 

Trong giai đoạn Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới được ban hành, các cơ quan chấp pháp lo ngại bỏ sót dự án theo quy định làm tràn lan việc áp dụng thủ tục xin chủ trương đầu tư. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư có thể tạo cơ hội cho những nhà đầu tư không đủ năng lực nhờ vào việc "chạy" chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thùy Loan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới