Hủy

88% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam có lãi

Thứ Tư | 21/02/2018 17:29

Đây là kết quả khảo sát tình hình đầu tư doanh nghiệp Nhật Bản 2017 và xu hướng đầu tư 2018 tại Việt Nam của Jetro.
 

Cụ thể, khảo sát của Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy: 88% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam có lãi và hơn 70%  khẳng định sẽ mở rộng quy mô đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.

Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM, ông Takimoto Koji  cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản nhận định Việt Nam vẫn là môi trường hấp dẫn đầu tư do có lợi thế về quy mô thị trường lớn với dân số trên 100 triệu người. Lý do mở rộng đầu tư tại Việt Nam được 87,7% số doanh nghiệp  được hỏi cho rằng mở rộng do doanh thu tăng. Những thuận lợi chính trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, đó là quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng, tình hình chính trị, xã hội ổn định và giá nhân công rẻ.

Kết quả trên dựa vào thực tế khảo sát tình hình hoạt động, kinh doanh của 652/2.540 doanh nghiệp  Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số đó, có 2/3 là doanh nghiệp  sản xuất và 1/3 doanh nghiệp  dịch vụ. Doanh nghiệp đầu tư ngành công nghiệp chế tạo giảm từ 59% năm 2016 xuống còn 40% năm 2017. Ngược lại, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh từ 7% lên 23%. Ngoài ra, đầu tư ở một số ngành khác cũng có xu hướng tăng nhẹ như kho bãi, vận chuyển, khách sạn, ăn uống, xây dựng

Sự gia tăng nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản chủ yếu nhờ các dự án lớn về cơ sở hạ tầng như xây dựng nhà máy phát điện. Cụ thể là dự án nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 Thanh Hóa với số vốn cấp phép 2.793 triệu USD, dự án nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1, Khánh Hòa có vốn cấp phép là 2.581 triệu USD, dự án khí  Ô Môn “lô B”, Kiên Giang 1.278 triệu USD. Ngoài các dự án lớn thì các dự án đầu tư mới tiếp tục, chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ.

Theo đánh giá của Jetro, tỷ lệ cung ứng nội địa ở các nền sản xuất phát triển phải tăng mạnh như Trung Quốc 67,2%, Thái Lan 56,8% trong khi ở Việt Nam thì tỷ lệ này quá thấp chỉ khoảng 33%. Tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao năng lực cung ứng cho DN Nhật Bản sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam. Việt Nam cần cải thiện tỷ lệ cung ứng nội địa để được hưởng lợi từ sản phẩm giá trị gia tăng.

Ông Takimoto Koji cũng cho biết, hơn 60% doanh nghiệp  Nhật Bản trong khảo sát cho rằng “chi phí nhân công tăng cao” là một trong những trở ngại, cùng với đó là những trở ngại về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, cơ chế, thủ tục thuế phức tạp. Một trở ngại nữa mà các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra là khó tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam, khó quản lý được chất lượng.

Ngoài ra, môi trường đầu tư tại Việt Nam còn có nhiều rủi ro, tập trung chủ yếu vào nguy cơ tăng tiền lương và việc vận hành chính sách, quy định nhà nước tại các địa phương vẫn chưa được nhất quán, minh bạch. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới