Hủy

ACB lãi từ nợ

Thứ Năm | 11/10/2018 06:30

Trong 6 tháng đầu năm 2018, thu nhập từ nợ xấu đã xóa của ACB tăng hơn 929,1% so với cùng kỳ, đạt 520 tỉ đồng.
 

Trong 6 tháng đầu năm 2018, thu nhập từ nợ xấu đã xóa của ACB tăng hơn 929,1% so với cùng kỳ, đạt 520 tỉ đồng.

Ngân hàng ACB: Lợi nhuận tăng, nợ xấu giảm

Standard Chartered Bank chốt lời ACB


Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) ghi nhận 510 tỉ đồng thu nhập ròng từ các khoản nợ xấu đã xóa, cao hơn nhiều so với mức 49,5 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017. Trong số này, có khoảng 360 tỉ đồng từ các khoản vay nợ nhóm 6 công ty của ông Nguyễn Đức Kiên. Trong quá khứ, ACB đã có các khoản vay, chứng khoán đầu tư với 6 công ty này, với tổng dư nợ lên đến 7.130 tỉ đồng.

ACB thu lợi đáng kể trong 6 tháng đầu năm, với tổng thu nhập tiệm cận 6.500 tỉ đồng, tăng trưởng 19,4% so với cùng kỳ. Động lực thúc đẩy lợi nhuận chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần tăng mạnh, đạt 4.860 tỉ đồng (tăng trưởng 23,8% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế đạt 3.150 tỉ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, ACB còn ghi nhận thu nhập ròng từ phí và hoa hồng tăng mạnh, đạt 38% (747 tỉ đồng) và thu nhập ròng khác tăng 72,8%, lên 706 tỉ đồng. Theo đó, những mảng đóng góp chính cho thu nhập của ACB gồm bancassurance và dịch vụ chứng khoán. Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán SSI, lý do cho việc tăng trưởng thu nhập lãi ròng mạnh mẽ đến từ việc mở rộng tín dụng (tối ưu hóa đối tượng cho vay) và hệ số NIM (tỉ lệ thu nhập lãi cận biên) cải thiện. Trong 6 tháng, tỉ lệ NIM của ACB là 3,49% so với 3,39% trong 6 tháng đầu năm 2017.

ACB lai tu no
 

SSI còn cho rằng, với hệ số LDR thuần (huy động/cho vay) 82%, thấp hơn so với bình quân ngành là 91,2%, sự gia tăng của LDR sẽ giúp ACB cải thiện tỉ lệ NIM (thu nhập lãi thuần), tăng tổng tài sản sinh lãi và từ đó đẩy mạnh tăng trưởng thu nhập lãi thuần. Ngoài ra, ACB có tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là khoảng 33%. Tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với trần quy định và nhờ vậy cho phép ACB tăng cho vay dài hạn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tăng trưởng huy động. Theo ý kiến của chuyên gia, hệ số LDR thấp hơn so với trung bình ngành giúp ACB cải thiện tính thanh khoản của Ngân hàng, từ đó chủ động hơn trong việc phân bổ tài sản sinh lãi cho các khoản vay chất lượng cao.

Hiện tại, các khoản nợ gốc của nhóm 6 công ty đã xóa và chưa thu hồi là trên 2.000 tỉ đồng, chủ yếu thế chấp bằng cổ phiếu và bất động sản. ACB dự kiến sẽ thu hồi thêm 500-600 tỉ đồng trong nửa cuối năm từ nợ nhóm 6 công ty. Nếu điều kiện tiếp tục thuận lợi, Ngân hàng đặt mục tiêu hoàn thành việc thu hồi số nợ còn lại của nhóm 6 công ty (ước còn 1.500 tỉ đồng) trong 2 năm 2019-2020. Bên cạnh đó, ACB có kế hoạch thu hồi thêm vài trăm tỉ đồng trong năm 2018 từ các tài sản đảm bảo liên quan đến trái phiếu VAMC đã xử lý. Dự kiến hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh trong các năm 2019-2020 và dự báo là nguồn đóng góp đáng kể vào thu nhập của Ngân hàng trong các năm sắp tới.

Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước cho phép ACB nâng mức tăng trưởng tín dụng lên 15%. Song mức tăng trưởng hiện tại dường như chưa vượt mức 12% theo biên độ cho phép. Thay vào đó, ACB tập trung vào việc cơ cấu lại danh mục cho vay theo hướng có chất lượng tài sản tốt hơn và tỉ lệ NIM cao hơn. ACB kỳ vọng tín dụng sẽ tăng thêm 1 điểm phần trăm trong quý III/2018 và tăng 2 điểm phần trăm vào quý IV/2018.

ACB có thế mạnh về cho vay tiêu dùng, nhưng các khoản vay này chủ yếu có thế chấp. Dư nợ cho vay tín chấp đạt khoảng 900 tỉ đồng, chỉ bằng 0,41% tổng dư nợ cho vay, chủ yếu là thông qua thẻ tín dụng cho các khách hàng phân khúc thu nhập khá (thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm) với tỉ lệ nợ xấu rất thấp. Ngân hàng sẽ lắp đặt máy giao dịch tiền mặt - CDM trong quý IV/2018, cho phép ACB mở rộng cho vay tín chấp tới khách hàng phổ thông với chi phí hoạt động thấp kể từ năm 2019, nhưng Ngân hàng lên kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín chấp ở mức vừa phải. Số lượng máy CDM lắp đặt trong vài năm tới dự kiến là 500 máy.

ACB lai tu no
 



Đối với doanh nghiệp, ACB đã áp dụng chính sách lãi suất cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp giao dịch với ACB như ngân hàng chính hoặc ngân hàng duy nhất, ví dụ 7,5% thay vì 8,5% với cho vay vốn lưu động. Bằng cách này, ACB đánh đổi hệ số NIM cho các mục tiêu dài hạn như giảm rủi ro tín dụng, tăng CASA (tiền gửi không kỳ hạn, nguồn vốn có lãi suất thấp nhất) và tăng thu nhập phí. Do đó, Ngân hàng kỳ vọng hệ số NIM ổn định trong tương lai. ACB kỳ vọng tăng trưởng thu nhập từ phí lên 28% vào năm 2018 và 28-30% vào năm 2019.

Về đối tượng SME, ACB đặt mục tiêu tăng doanh thu bằng hình thức bán thêm cho vay tín chấp thẻ tín dụng và các khoản vay tiêu dùng khác. Phân khúc này hiện có 1,8 triệu khách hàng trong 6 tháng đầu năm. ACB đặt mục tiêu sẽ có 5 triệu khách hàng vào năm 2019. Đối với phân khúc khách cá nhân siêu giàu, ACB đặt kế hoạch tăng huy động và tăng thu nhập từ bancassurance và thẻ tín dụng. Nhằm đưa ra mức định giá hợp lý với ACB, SSI lấy trung bình BVPS năm 2018 và 2019 là 21.000 đồng. Với tham số P/B là 2,3x (mức hợp lý so với P/B dự phóng trung bình ngành năm 2018 và 2019 là 1,9x và 1,56x) tương ứng với ROAE và chất lượng tài sản của ngân hàng, giá mục tiêu nhắm tới của ACB tiệm cận mức tăng 27% so với giá tại ngày 4.9.2018 là 38.000 đồng/cổ phiếu.

Nguồn Phân tích của SSI chỉ có giá trị tham khảo.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới