Hủy

Chuyên gia và Ngân hàng Nhà nước nói gì về phá giá VND?

Thứ Tư | 06/02/2013 16:31

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng nên để tỷ giá tăng khoảng 4%, trong khi đại diện Ngân hàng Nhà nước lo ngại phá giá VND sẽ khiến “nhập khẩu lạm phát”.
 

Chính phủ nên chủ động tăng tỷ giá khoảng 4%

TS Lê Xuân Nghĩa
(Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia)

“Chúng tôi tính toán, năm 2013, kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối năm. Như thế, khả năng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng tăng trở lại. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng vượt trội nhu cầu xuất khẩu và đưa nền kinh tế chuyển dần từ thặng dư thương mại đến thâm hụt thương mại như từng xảy ra ở các năm trước. Bức tranh tỷ giá lúc đó sẽ theo chiều hướng tăng, nhất là khi các nhà nhập khẩu cần nhiều hơn ngoại tệ và tất nhiên, cán cân thanh toán có thể chuyển dịch theo hướng thâm hụt mạnh, dù năm nay đang là thặng dư.

Mặt khác, nếu so sánh tỷ giá song phương giữa VND và USD thì VND đang bị đánh giá cao khoảng 23%, bởi lạm phát của Việt Nam trong các năm vừa qua đã cao hơn rất nhiều so với lạm phát của Mỹ. Vì thế, nếu không điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn mà trước hết là tác động xấu đến xuất khẩu. Ở chỗ, sức cạnh tranh hàng xuất khẩu giảm sút do hàng Việt Nam bị tăng giá, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu kém thêm.

Từ thực tế này, Chính phủ nên chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá thêm ở mức khoảng 4% trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới. Điều này cũng giúp hạn chế nhu cầu nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.

Hãy nhớ, các quan hệ tiền tệ thế giới tự bản thân nó đều tạo ra sự cân bằng một cách tự nhiên, và nếu VND bị định giá quá cao mà không chủ động tạo nên sự cân bằng thì một ngày nào đó sẽ mất cân bằng tiền tệ, thậm chí, khủng hoảng tỷ giá hối đoái.

Sở dĩ như vậy là vì khi lạm phát Việt Nam cao hơn rất nhiều lần so với Mỹ nhưng VND lại được định giá quá cao và nếu không chịu thừa nhận sự thật về mức độ chênh lệch giá trị giữa hai đồng tiền quá lớn mà để chúng dồn nén từ năm này qua năm khác thì tất yếu đến lúc thị trường sẽ đòi hỏi một quy luật vận hành công bằng.

Cứ hình dung rằng, trong vòng 5 năm qua, bình quân lạm phát của Việt Nam là 12%/năm, trong khi chỉ số này của Mỹ là 2%/năm, như thế, tỷ giá thực đã bị tăng nhưng Chính phủ lại không cho mức biến động giá trị VND tương ứng như trên. Điều đó rất bất lợi cho xuất khẩu, nhất là khi Chính phủ vẫn xác định xuất khẩu là một trong những trụ cột lớn của tăng trưởng. Vì thế, thà chấp nhận sự thật, mỗi năm điều chỉnh tỷ giá khoảng 4% thì tỷ giá sẽ ổn định hơn. Cũng không nên phá giá ở mức độ cao hơn vì có thể gây sốc.

Cũng có một tính toán khác là nếu tính tỷ giá đa phương (bao gồm 19 đồng tiền trong rổ đồng tiền tính toán trong quan hệ xuất nhập khẩu với VND) thì VND chỉ tăng giá khoảng 4% do nhiều đồng tiền khác bị giảm giá. Nhưng đó không phải là niềm lạc quan đối với điều hành tỷ giá vì trong quan hệ thanh toán thương mại quốc tệ, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đều dùng USD là đồng tiền chủ yếu. Thế nên, tỷ giá song phương mới là chỉ số quan trọng”.

Phá giá, xuất khẩu mới có lợi

Nguyễn Đức Hưởng
(Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank)

“Đã đến lúc, phải nghĩ đến chuyện phá giá thêm VND, dù dùng từ “phá giá” có phần hơi nặng nề, thì xuất khẩu mới có lợi. Hiện tại, Mỹ đã nới lỏng tiền tệ bằng khá nhiều gói cứu trợ và chúng sẽ kích thích mạnh tiêu dùng, tác động tốt cho xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.

Có thể, Việt Nam vẫn còn e ngại giảm đầu tư nước ngoài nên mới duy trì tỷ giá dưới giá trị thật như vậy, nhưng hãy tận dụng tốt cơ hội để đẩy thêm hàng vào Mỹ. Ngược lại, trâu chậm thì uống nước đục!”

Phá giá, sẽ “nhập khẩu lạm phát”

Lê Minh Hưng
(Ông Lê Minh Hưng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
“Điều hành tỷ giá không phải cứ muốn tăng hay giảm tùy tiện mà được. Các tổ chức tài chính quốc tế, kể cả WB khi áp các công thức tính toán tỷ giá của Việt Nam đều ra các kết quả rất khác nhau. Hơn nữa, lấy năm nào làm năm gốc, số liệu xuất nhập khẩu từng năm cũng khác nhau cùng chuỗi số liệu lịch sử, sau đó áp vào các công thức tính toán đều cho một biên độ biến động rất lớn. Đến nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng phải thừa nhận là điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua là rất phù hợp.

Nhiều người nói nên “phá giá VND” thêm so với mức 2012 để hỗ trợ xuất khẩu nhưng phải thấy là doanh số hàng xuất khẩu là một chuyện nhưng còn một vấn đề quan trọng khác là cơ cấu hàng xuất khẩu. Nói cách cách, độ co giãn cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi thu nhập thay đổi và/hoặc giá thay đổi là không lớn.

Ví dụ, khi thu nhập của người dân nước nhập khẩu dù có tăng bao nhiêu chăng nữa thì cũng không vì thế mà họ mua gạo, cá basa, tôm, nông sản, quần áo, dày dép… của Việt Nam nhiều hơn, trong khi đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì thế, không thể điều hành tỷ giá một cách chung chung, đơn giản theo cách nghĩ cứ phá giá VND là hỗ trợ xuất khẩu được. Mà thực tế, phải căn cứ vào cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu; đồng thời, phải cân đối với rất nhiều yếu tố khác đi kèm, từ vĩ mô đến vi mô.

Khi phá giá VND thì tác động không mong muốn đầu tiên là Việt Nam đã “nhập khẩu lạm phát”. Chưa kể, còn khuấy đảo và làm trầm trọng thêm tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng - một yếu tố được coi rất nguy hiểm trong điều hành bình ổn tỷ giá. Ngoài ra, khi phá giá VND, còn kích hoạt nhập khẩu trở lại. Một vấn đề khác không thể không lưu ý khi tăng tỷ giá là áp lực trả nợ vay của Chính phủ và doanh nghiệp vì cơ cấu đồng tiền nợ vay, chủ yếu là USD. Cả chục năm nay, nền kinh tế phải trả một giá rất đắt mỗi khi điều chỉnh giảm giá trị VND.

Ví dụ, nói riêng mặt hàng xăng dầu, những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, họ không có nguồn thu ngoại tệ, tất cả đều phải mua, vì thế, khi điều chỉnh tỷ giá, lập tức giá xăng dầu tăng và tác động dây chuyền đến mọi hàng hóa khác. Mỗi tháng, ước tính, Petrolimex cần tới 500 triệu USD, chỉ cần nhích tỷ giá lên một chút là họ tăng giá ngay và nếu nhà nước không cho tăng là họ lỗ.

Năm tài chính 2011, Petrolimex vẫn chưa thể cân đối được lỗ lãi và quyết toán thuế là vì cú điều chỉnh tỷ giá năm đó. EVN cũng trong tình trạng tương tự khi họ vay nợ và nhập khẩu điện, máy móc thiết bị và đành phải phân bổ khoản lỗ đó dần vào các năm sau.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi cung cầu ngoại tệ trên thị trường và thấy diễn biến vẫn đang rất ổn định. Trong bối cảnh nền kinh tế thường xuyên nhập siêu triền miên, việc giữ được tỷ giá như hiện nay là một thành công lớn. Trong đó, quan trọng nhất là ổn định được tâm lý kỳ vọng thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người nắm giữ VND, từ đó khơi thông dòng chảy ngoại tệ vốn bị găm giữ từ rất lâu.

Năm 2012, đã cho thấy, những ai nắm giữ ngoại tệ đều thiệt so với nắm giữ VND. Vì thế, tổ chức kinh tế, người dân đã bán ra rất nhiều ngoại tệ cho tổ chức tín dụng. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm một lượng ngoại tệ tương đương 15 tỷ USD. Thậm chí, chỉ trong 22 ngày đầu của tháng 1/2013, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào dự trữ ngoại hối vài tỷ USD”.

Nguồn Vneconomy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới