Hủy

Đằng sau việc SHB sáp nhập công ty tài chính Vinaconex-Viettel

Thứ Bảy | 01/11/2014 20:56

Việc các ngân hàng mua lại công ty tài chính có thể xem như đón đầu xu thế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bế tắc.
 

Xu hướng các Ngân hàng TMCP mua lại các Công ty tài chính đã được kích hoạt trong năm 2014 khi Nghị đinh 39/2014 của Chính phủ cho phép công ty tài chính được thực hiện các hoạt động ngân hàng về phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn của các tổ chức, bảo lãnh, bao thanh toán. Theo đó, các ngân hàng có thể tận dụng kênh này để cung cấp các sản phẩm bán lẻ và tiện ích thanh toán.

Thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội SHB xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu sáp nhập với Công ty Tài chính Vinaconex- Viettel (VVF) nằm trong xu hướng các Ngân hàng TMCP mua lại công ty tài chính.

Trong dòng xu hướng đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã mua lại 100% Công ty TNHH Một thành viên tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF). Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) mua lại Công ty Tài chính cổ phần Dệt may và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) mua lại Công ty Tài chính Hóa chất. HDBank mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF).

Danh sách các công ty tài chính
Danh sách các công ty tài chính

Thời điểm thích hợp cho Ngân hàng TMCP thâu tóm, mua lại.

Thực tế hoạt động tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng thương mại và công ty tài chính hiện nay đan xen lẫn nhau. Hai tổ chức này đều cung cấp một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng như cho vay trả góp để mua phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình, cho vay tiền mặt phục vụ đời sống... đối với đối tượng khách hàng dưới chuẩn.

Tín dụng tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng

Dự thảo thông tư cho vay tiêu dùng cuối tháng 9/2014 trưng cầu ý kiến các Ngân hàng thương mại nêu rõ phải thành lập công ty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng theo 3 hình thức nói trên (cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng). Ngân hàng nếu đã ký các hợp đồng tín dụng tiêu dùng trước ngày thông tư có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng, và không được ký thêm hợp đồng mới.

Nếu thông tư cho vay tiêu dùng có hiệu lực thì các ngân hàng thương mại buộc phải tìm kiếm sở hữu các công ty tài chính qua việc thâu tóm các công ty tài chính. Đây cũng là thời điểm thích hợp cho các ngân hàng mua lại các công ty tài chính khi phía "cung" đang ở giai đoạn tăng còn các tập đoàn nhà nước được chính phủ yêu cầu gấp rút thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ nhờ công ty tài chính

Đối tượng cho vay của các công ty tài chính khá riêng biệt, phục vụ chủ yếu các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ với các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Đây là phân khúc mà các Ngân hàng thương mại đang muốn đẩy mạnh và điều này có thể thực hiện được thông qua mua lại công ty tài chính. Mảng dịch vụ ngân hàng phục vụ tiêu dùng, một trong những dịch vụ có xu hướng phát triển mạnh trong giai đoạn hiện nay, đem lại nhiều nguồn thu giá trị gia tăng.

Trước đây, lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu nhờ nghiệp vụ chính là huy động-cho vay, mà tăng trưởng cho vay hiện nay bị ngưng trệ do mảng tín dụng doanh nghiệp bị bế tắc. Do đó, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng sang khách hàng cá nhân.

Việc phát triển tài chính cá nhân ở những công ty tài chính có 2 lợi thế lớn đó là  lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cao hơn nhiều so với các món vay mà ngân hàng cho vay , hạn mức tăng trưởng rộng hơn. Do đó, việc các ngân hàng mua lại công ty tài chính có thể xem như đón đầu xu thế trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bế tắc.

Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới