Hủy

Doanh nghiệp vốn mỏng: Thách thức thị trường tài chính

Hải Vân Thứ Sáu | 24/08/2018 08:15

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào thị trường ngân hàng với các khoản vay ngắn hạn. Ảnh: Quý Hòa

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất khó, khi tái cơ cấu tài chính chưa đủ mạnh, thị trường vốn chưa phát triển bền vững.
 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tại Diễn đàn về giải pháp vốn-tài chính cho doanh nghiệp, hôm 21.8, cho biết, thị trường vốn - tài chính, một trong những nội dung Chính phủ thực hiện để phát triển doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, tình trạng “doanh nghiệp có vốn mỏng” đang là một thách thức, Phó Thủ tướng nhận định, nhất là khi chỉ 47% số doanh nghiệp đang hoạt động có lợi nhuận và 53% không có lợi nhuận. 

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức 4%, tăng trưởng kinh tế khoảng 7% trong khi nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt…, Giám đốc Điều hành châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse, ông Lê Hoài Anh, nói với NCĐT: “Đây là điều kiện tốt để Việt Nam phát triển thị trường vốn”. 

Vẫn dựa vào ngân hàng

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu cần phát triền thành những kênh dẫn vốn chính, giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn lớn, trung và dài hạn. 

Việt Nam từ nhiều năm qua đã chủ trương phát triển thị trường vốn. Thế nhưng, theo nhiều nghiên cứu, đến nay thị trường trái phiếu về cơ bản là thuộc Chính phủ nên phát triển khá tốt, thị trường chứng khoán phát triển tương đối nhanh nhưng chưa bền vững, thậm chí thị trường trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa có điểm nào nổi bật.

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào thị trường ngân hàng với các khoản vay ngắn hạn. Tỷ lệ các khoản vay trung và dài hạn chưa chiếm tỷ trọng tương xứng để các doanh nghiệp có nguồn vốn ổn định đầu tư phát triển bền vững.

Thị trường chứng khoán thời gian qua cũng dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, có quy mô khoảng 70% GDP vào cuối năm 2017. 

Tuy nhiên, mức độ đa dạng hóa của hàng hóa, nhà đầu tư chưa cao, dù thị trường chứng khoán đang phát triển theo chiều sâu hơn. Đến nay, trên sàn phái sinh mới chỉ có hợp đồng tương lai dựa vào chỉ số VN30.

Thị trường trái phiếu vẫn nghiêng về trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ. Nhìn quanh, mới chỉ có trái phiếu của Vingroup, Massan, Novaland,… phát hành ở mức vài nghìn tỷ đồng, còn lại chỉ quanh mức vài trăm tỷ. 

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn đa dạng hóa nguồn vốn, nhưng chưa nắm rõ quy trình phát hành huy động trái phiếu, cũng như các bước chuẩn bị và thuyết phục được các nhà đầu tư.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán lại chưa “mặn mà” tìm kiếm phát hiện những doanh nghiệp tốt, đủ năng lực phát hành trái phiếu, cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư chịu đổ vốn vào thị trường này. 

Đến nay, Việt Nam chưa có hệ thống đánh giá hệ số tín nhiệm để doanh nghiệp có thể biết khả năng phát hành trái phiếu hoặc nhà đầu tư có thể căn cứ vào đó để phân tích, định giá khi quyết định đầu tư và giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Ngoài ra, việc đồng tiền Việt Nam chưa chuyển đổi, tài khoản vốn đóng, thiếu các công cụ tài chính để nhà đầu tư quản lý rủi ro… cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam. 

Trong thời gian trước giai đoạn kinh tế khó khăn hơn, từ năm 2008 đến năm 2012, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu trong nước với sự tham gia đáng kể của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, như EVN, PetroVietnam, Lilama,… 

Thế nhưng, đến giai đoạn khó khăn kinh tế và sau này, sự quan tâm của nhà đầu tư trái phiếu giảm mạnh, một mặt do lượng cung trên thị trường không đủ lớn, mặt khác các doanh nghiệp nhà nước thôi không phát hành, hoặc không phát hành thường xuyên. 

Các doanh nghiệp tư nhân chỉ một số đủ điều kiện phát hành và cũng không có nhiều doanh nghiệp phát hành thường xuyên nên hàng hoá trên thị trường trái phiếu không có nhiều để các nhà đầu tư mua và giao dịch

Phương án phù hợp

Đang có một số doanh nghiệp lớn nghiên cứu và thực hiện phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trái phiếu quốc tế có thể giúp doanh nghiệp huy động vốn lớn vài trăm triệu đô la, với thời hạn 3 đến 7 năm, thậm chí 10 năm.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu quốc tế không dễ, lâu nay vẫn chủ yếu do Chính phủ thực hiện. Khu vực doanh nghiệp mới chỉ có rất ít như Vingroup, Vietinbank, … thực hiện được.

Trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ gần 2% GDP, một mức thấp so với khu vực 7-10% thậm chí một số nước cao hơn, số liệu từ ADB

Vị giám đốc của Credit Suisse châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ với NCĐT về: “Phát hành trái phiếu quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu rất cao”.

Theo ông, phải có hệ số tín nhiệm từ các tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế, có kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế, công khai minh bạch thông tin, thường xuyên tiếp xúc đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài. 

Một phương án phát triển vốn phù hợp hơn, theo ông Hoài Anh, bên cạnh tiếp tục phát triển mạnh thị trường cổ phiếu quốc tế, Việt Nam cần “tập trung hơn” vào phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thế nhưng, điều này, ông Hoài Anh nói “rất cần sự tích cực hơn nữa của các bên tham gia thị trường”. Đầu tiên, các doanh nghiệp nghiên cứu và cân đối sử dụng phát hành trái phiếu bên cạnh các kênh huy động khác.

Kế đến, các công ty chứng khoán, một mặt cần tìm ra những doanh nghiệp tiềm năng có khả năng phát hành trái phiếu và chủ động kết nối doanh nghiệp phát hành trái phiếu với  các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhưng mặt khác, thường xuyên có các nghiên cứu, đánh giá chung về thị trường trái phiếu, cũng như trái phiếu của các doanh nghiệp, giúp giao dịch tạo thanh khoản trên thị trường.

Cuối cùng, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, cần nghiên cứu và dành một phần vốn thích đáng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một thực tế là thị trường trái phiếu không thể lập tức trở nên sôi động, hấp dẫn. Cạnh đó, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện ngay để phát hành trái phiếu.

Song, từ kinh nghiệm và nghiên cứu phát triển thị trường tài chính của các nước, ông Hoài Anh tin rằng các giải pháp trên nếu được thiện hiện đồng bộ, sẽ thúc đẩy thị trường vốn của Việt Nam phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới