Hủy

Dự thảo luật mới: Lương hưu sẽ giảm mạnh

Thứ Ba | 17/06/2014 08:37

Với quy định như dự thảo thì tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động sau khi điều chỉnh sẽ giảm khoảng 10% đối với nam và 15% đối với nữ.
 

Thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội chiều 16/6, đa số các đại biểu cho rằng quy định về cách tính lương hưu là không hợp lý.

Đại biểu Y Khút Niê - Đắc Lắk cho biết, Điều 55, Điều 73, Khoản 2, Điều 55, Điều 73 của Dự thảo Luật quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động từ năm 2016 được điều chỉnh là số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu của người nghỉ hưu từ năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm, thứ tự tăng lên cho đến từ năm 2020 trở lên là 20 năm.

“Tôi cho rằng quy định như vậy người lao động bị cắt giảm lương hưu một cách vô lý, đi ngược lại tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, làm mất đi sự công bằng giữa người nghỉ hưu trước và sau năm 2015, mất tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội.” – đại biểu tỉnh Đắc Lắk phân tích.

Để làm rõ hơn về sư vô lý này, đại biểu đưa ra ví dụ: Một người lao động có mức lương bình quân tiền lương để tính lương hưu hàng tháng như nhau là 3 triệu 500 ngàn đồng, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm, đủ tuổi nghỉ hưu, nếu tính Luật bảo hiểm xã hội hiện hành thì người lao động sẽ được hưởng tiền lương hưu hàng tháng là 2,625 triệu đồng.

Nếu tính theo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì người lao động nghỉ hưu từ năm 2016 cho đến 2020 trở đi, nếu nghỉ vào năm 2016 thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của người lao động chỉ còn 73%, thay vì 75% như luật hiện hành; tiền lương của người lao động được nhận chỉ còn 2 triệu 550 ngàn đồng, mất đi 2%, tương đương 70 ngàn đồng/tháng. Nếu nghỉ vào năm 2020 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa chỉ còn 65%, thay vì 75% theo luật hiện hành, tiền lương của họ được nhận chỉ còn 2.275.000 đồng, mất đi 10% và tương ứng với 350.000 đồng trên tháng so với luật hiện hành.

Mặt khác, nếu người lao động nói trên có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội còn phải mất thêm 8.750.000 đồng tiền trợ cấp một lần, do phải kéo dài thêm 5 năm thời gian đóng bảo hiểm xã hội nữa để có đủ tỷ lệ 75%.

"Nếu vì cho rằng do sẽ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai nên phải cắt giảm tiền lương hưu của người lao động, tôi cho là không thuyết phục. Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2013, chỉ có 150/300 doanh nghiệp hoạt động tham gia bảo hiểm xã hội, bằng 50%. Với 11/16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ chiếm 68,5%, số còn lại trên 5 triệu người không tham gia bảo hiểm xã hội, tương ứng với khoảng 56 nghìn tỷ đồng trên 1 năm bị thất thu." - đại biểu tỉnh Đắc Lắk dẫn chứng.

Theo đại biểu Y Khút Niê, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp chưa được thu hồi; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa được mở rộng; Chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa thực sự hấp dẫn; các biện pháp chế tài đối với tập thể, cá nhân vi phạm Luật bảo hiểm xã hội chưa đủ mạnh, v v... chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội chứ không phải do người lao động mà cắt giảm lương hưu của họ.

“Tôi đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành của Luật bảo hiểm xã hội. Tôi xin lưu ý rằng, số người lao động bị cắt giảm lương hưu nói trên là loại trừ số 498 đại biểu Quốc hội chúng ta ngồi đây.” – đại biểu Y Khút Niê nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Quang Cường (TP Hải Phòng) cũng cho rằng, tính lương hưu bình quân cả quá trình tham gia bảo hiểm xã hội tại Điểm d, Khoản 1, Điều 61 là chưa phù hợp. Với quy định cách tính lương hưu như vậy sẽ làm giảm tiền lương hưu, ảnh hưởng tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu. Theo đại biểu thành phố Hải Phòng, việc quy định lương hưu hàng tháng giảm nhưng trợ cấp một lần tăng sẽ khuyến khích người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, đi ngược lại với mục tiêu sửa Luật bảo hiểm xã hội là hướng tới bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho mọi người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu hàng tháng.

Trong khi đó, đai biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói rằng, với quy định như dự thảo thì tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động sau khi điều chỉnh sẽ giảm hơn so với hiện hành khoảng 10% đối với nam và 15% đối với nữ. Mặt khác, nếu chưa thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo thì với quy định này nữ sẽ rất khó đạt được mức lương hưu tối đa 75%, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc tính toán lại sao cho phù hợp hơn.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho rằng, cách tính lương hưu như trong dự thảo luật chưa có căn cứ thực tiễn.

Nguồn VnMedia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới