Hủy

Hiệu ứng Obama và làn sóng FDI từ Mỹ

Thứ Hai | 30/05/2016 11:00

Từ con số xấp xỉ 1 tỉ USD khi Tổng thống Clinton thăm Việt Nam năm 1996, hiện doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư khoảng 11,7 tỉ USD tại Việt Nam.
 

Không được tháp tùng bởi đoàn doanh nghiệp hùng hậu nhưng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (từ ngày 22-25.5) là thông điệp củng cố niềm tin của giới đầu tư Mỹ trong chiến lược trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối năm 2015, nhà đầu tư đến từ Mỹ đã rót trên 11,3 tỉ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so với nhiều nước đứng đầu như Hàn Quốc, Singapore hay Nhật, số vốn đến từ Mỹ chỉ bằng 1/4 hoặc 1/3, đặc biệt còn có xu hướng giảm trong những năm gần đây so với thời gian trước, cũng như thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Thực tế, trong đoàn tháp tùng của ông Barack Obama đến thăm Việt Nam không thấy các doanh nghiệp lớn của Mỹ, hay các nhà đầu tư niêm yết trên sàn Dow Jones, S&P 500, NASDAQ. Trong khi đó, chuyến đi của Tổng thống Obama thăm Indonesia có đến 60 CEO, 4 đại gia niêm yết chứng khoán trên sàn Dow Jones tháp tùng... Tuy nhiên, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama được báo chí Mỹ đặt ra kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả hai nước, đặc biệt Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn nữa dòng vốn chất lượng cao từ Mỹ.

Sau 15 năm, thương mại giữa Việt Nam-Mỹ tăng trưởng vượt bậc từ mức 1,5 tỉ USD lên tới trên 41,3 tỉ USD vào cuối năm ngoái. Mỹ đã trở thành đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trên toàn thế giới và Việt Nam cũng vươn lên vị thế lên thứ 19 trong số các quốc gia hàng đầu có quan hệ thương mại với Mỹ. Mỹ là một thị trường rộng lớn, hằng năm nhập khẩu tới 2.000 tỉ USD, trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này.

Con số này cho thấy, hai nước vẫn còn cơ hội để đẩy mạnh hợp tác giao thương, nhất là khi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. The Wall Street Journal ước tính vào năm 2030, TPP có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng 10%, giúp Việt Nam trở thành quốc gia hưởng lợi nhất trong 12 quốc gia thành viên TPP.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP, chia sẻ trong Hội nghị Đầu tư do NCĐT tổ chức vào năm ngoái, dự kiến sau TPP được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng vọt và đạt 57 tỉ USD vào năm 2020.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama sẽ có tác động tâm lý tích cực lên thị trường chứng khoán cũng như làn sóng đầu tư tại Việt Nam. Điều này được củng cố bằng bản hợp đồng của Hãng hàng không VietJet trị giá 11,3 tỉ USD đặt mua 100 máy bay từ Boeing. Cùng thời điểm, Tập đoàn General Electric ký hợp đồng với Bộ Công Thương phát triển 1.000 MW điện từ các trang trại điện gió mới tới năm 2025. Tập đoàn Honeywell ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam...

Hieu ung Obama va lan song FDI tu My
Việt - Mỹ đã tiến lên một nấc thang quan hệ mới sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama - Ảnh: Tuấn Minh

Theo Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore, Việt Nam hiện là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ thứ hai trong ASEAN, sau Indonesia. Các nhà đầu tư Mỹ đang muốn gia tăng đầu tư và đặt mục tiêu trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam sau khi những nút thắt trong thương mại và đầu tư được hai bên tháo gỡ và cam kết trong TPP như sở hữu trí tuệ, thuận lợi hóa thương mại, công đoàn, đầu tư, tính minh bạch...

Một số nhà phân tích nhận định, các nhà đầu tư của Mỹ tại thị trường Việt Nam thường đầu tư thông qua các công ty con và chi nhánh có trụ sở tại các thị trường khác, chẳng hạn quần đảo Virgin thuộc Anh, Singapore, Hồng Kông. Vì vậy, thống kê đầu tư hiện nay không phản ánh đầy đủ các dòng  đầu tư từ Mỹ.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích của Công ty Maybank Kim Eng, dòng đầu tư của Mỹ cần xét trên nhiều yếu tố. Chẳng hạn, khác với các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc thường đầu tư theo làn sóng, trong khi quyết định của các công ty Mỹ là khá độc lập. Mặt khác, điều kiện phát triển chung của thị trường và từng ngành nghề cũng lý giải tại sao nhiều nhà đầu tư Mỹ đã quyết định đầu tư vào Thái Lan (ngành công nghiệp ôtô), Malaysia (ngành dịch vụ), Indonesia (công nghiệp thực phẩm, vận tải, truyền thông), Philippines (hạ tầng)... Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu mới mở cửa cho ngành công nghiệp chế tạo (chiếm hơn 2/3 tỉ  trọng FDI vào Việt Nam).

Tuy nhiên, giới phân tích đều nhìn nhận, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đã gửi một thông điệp rõ ràng để giúp các nhà đầu tư Mỹ xác định tốt hơn các cơ hội tại Việt Nam. Khi biết tin Tổng thống Obama có chuyến làm việc TP.HCM, ông Howard Lutnick, Chủ tịch một tập đoàn tài chính lớn của Mỹ, đã bay sang Việt Nam nhằm tái khẳng định thiện chí mong muốn đầu tư vào dự án 4 tỉ USD ở TP.HCM tại Khu Đô thị Thủ Thiêm trị giá 4 tỉ USD hồi đầu tháng 5.2016.

Tổng thống Obama mang đến tin vui cho cộng đồng startup tại Việt Nam với việc Quỹ Đầu tư 500 Startups, có trụ sở tại Thung lũng Silicon, lên kế hoạch cấp tổng số vốn trị giá 10 triệu USD cho khoảng 100-150 công ty khởi nghiệp Việt Nam. Tổng thống Obama nhận định: “Việt Nam nằm trong khu vực tràn đầy tinh thần kinh doanh” và cũng gửi thông điệp “muốn kết nối những doanh nghiệp trẻ Việt - Mỹ”.

Năm 1991, Tổng thống George H.W. Bush đặt ra lộ trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam bằng việc bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại. Từ năm 2006, bắt đầu chứng kiến những dự án lớn của Mỹ tại Việt Nam, trong đó phải kể dự án nhà máy chip 1 tỉ USD của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Năm 2014, nhà đầu tư Microsoft chuyển các nhà máy, dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc, Mexico, Hungary sang Bắc Ninh-Việt Nam và quyết định nâng cấp vốn đầu tư lên 1,5 tỉ USD...

Hieu ung Obama va lan song FDI tu My

Từ con số xấp xỉ 1 tỉ USD khi Tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam năm 1996, hiện doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư khoảng 11,7 tỉ USD tại Việt Nam. Có thể thấy, sau làn sóng đầu tư thứ nhất, Việt Nam đang đón đợi một làn sóng đầu tư thứ hai từ Mỹ. “Honeywell là một đối tác quan trọng của các công ty dầu khí tại Việt Nam trong 2 thập niên qua. Honeywell sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới trong các lĩnh vực để giúp Việt Nam phát triển thành một quốc gia an toàn hơn, an ninh hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn”, ông David Low, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc khu vực châu Á Nhóm Công nghệ và Vật liệu chuyên dụng của Honeywell, khẳng định.

Theo đánh giá của Maybank Kim Eng, Mỹ vẫn là cường quốc với vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào các thị trường lớn nhất trên thế giới. Dòng vốn đầu tư từ Mỹ nói riêng và của thế giới chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể nhất là khi Việt Nam lại là nước thành viên của một loạt các hiệp định thương mại, được chờ đợi nhất như TPP, FTA với EU... “Đặc biệt đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp, các đợt IPO và niêm yết trên thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp nhà nước lớn sẽ tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nâng giới hạn sở hữu nước ngoài sẽ giúp các nhà đầu tư có thể mua các cổ phiếu họ ưa thích. Các hiệp định tự do thương mại và đặc biệt TPP được ký kết trong thời gian gần đây giúp Việt Nam trở thành cầu nối hấp dẫn đến các thị trường lớn”,  ông Kim Thiên Quang, Tổng Giám đốc Công ty Maybank Kim Eng phân tích.

“Chuyến thăm của Tổng thống Obama sẽ càng giúp thúc đẩy làn sóng đầu tư, kinh doanh của các công ty Mỹ đến Việt Nam, đặc biệt với TPP”, tờ The Washington Post nhận định. Có thể xem xét các tác động của làn sóng này trên một số công ty Mỹ hiện đang kinh doanh tại Việt Nam để đánh giá tiềm năng “trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam” của giới đầu tư Mỹ.

Chẳng hạn, Deutsche Bank ước tính xấp xỉ 43% giày dép của Nike sản xuất ở Việt Nam. Như vậy, Nike sẽ hưởng lợi rõ rệt từ TPP cũng như các hoạt động gia tăng đầu tư từ Mỹ. Theo thỏa thuận TPP, các thuế suất ngành da dày của Mỹ (hiện cao tới 40%) sẽ được dỡ bỏ dần trong 7 năm cho Việt Nam. Điều đó sẽ giúp Việt Nam có thế lợi vượt trội so với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Philippines. Trong khi đó, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Phân phối và bán lẻ da giày Mỹ, ước tính các công ty Mỹ ở Việt Nam sẽ tiết kiệm được tới 500 triệu USD mỗi năm nhờ TPP. Nghiên cứu của UBS AG ước tính, một sự thay đổi tới thuế suất tại Việt Nam theo TPP có thể nâng lợi nhuận gộp của Nike  thêm 50 điểm cơ bản, tương đương 0,14 USD cho mỗi cổ phiếu.

Dù thuộc nhóm được dỡ bỏ thuế nhập khẩu muộn nhất nhưng các nhà sản xuất ôtô như Ford cho rằng, TPP sẽ giúp ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam thu hút đầu tư hấp dẫn như Mexico sau khi gia nhập NAFTA. Năm 1997, Ford trở thành nhà sản xuất ôtô ngoại đầu tiên có dây chuyền lắp ráp ôtô tại Việt Nam với vốn đầu tư 123 triệu USD. Trong 3 năm liên tiếp gần đây, Ford giữ mức tăng trưởng kỷ lục khoảng 70%/năm và nằm trong tốp 3 thương hiệu ôtô có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại thị trường Việt Nam.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Ford mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian sắp tới để duy trì vị trí dẫn đầu tại Việt Nam. Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, cho biết: “Về dài hạn, TPP rõ ràng mang đến nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp ôtô cũng như các lĩnh vực phụ trợ. TPP mở ra một thị trường lớn hơn cho Việt Nam và tăng khả năng thu hút thêm đầu tư vào nền kinh tế”.

Hồng Nguyệt Vân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới