Hủy

Làn sóng 'ông lớn' thoái vốn khỏi ngân hàng

Thứ Ba | 16/07/2013 15:30

"Sóng” thoái vốn ngân hàng mới bắt đầu, nhưng xem ra sẽ kéo dài rất lâu mới hoàn tất.
 

Động thái thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Hàng không và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác khỏi lĩnh vực ngân hàng đã được khởi động tuần qua. Dù thị trường đang biến động thất thường, quy mô rất lớn của các lệnh chào bán trong lĩnh vực tài chính vẫn tạo ra “sức nóng” và mối quan tâm lớn của giới đầu tư.

Ai bán, ai mua?

Ngày 9/8, Sở GDCK Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức đấu giá 25,2 triệu cổ phần của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). ABBank hiện có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng, trong đó room ngoại (30%) đã kín với 2 cổ đông là Maybank và IFC, bởi vậy NĐT nước ngoài sẽ không được tham gia đấu giá đợt này. Tính đến thời điểm hiện nay, EVN sở hữu xấp xỉ 22% cổ phần, bởi vậy đợt chào bán này chỉ chiếm khoảng 25% số cổ phần Tập đoàn đang nắm giữ tại ABBank.

Theo kế hoạch, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) sẽ bán toàn bộ 24 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,7% tại Techcombank bằng hình thức đấu giá. Hay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang đứng trước sức ép thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là khoản đầu tư vào OceanBank. PVN hiện sở hữu 80 triệu cổ phần, chiếm 20% cổ phần tại ngân hàng có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng này.

Với các lệnh chào bán rất lớn như trên, nhà đầu tư tham gia mua cổ phần có cơ hội trở thành cổ đông lớn của các ngân hàng và có thể tạo ra ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của những đơn vị này, bởi vậy, quyết định thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty được các ông chủ ngân hàng quan tâm đặc biệt.

Đề cập đến sức cầu của các đợt thoái vốn này, lãnh đạo một quỹ đầu tư trước đây từng bỏ vốn vào một số ngân hàng lớn cho biết, nếu chỉ đầu tư tài chính đơn thuần, cơ hội không mấy hấp dẫn và bản thân Quỹ cũng không còn quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng nữa. Quả thực, nếu nhìn lại tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, rõ ràng là không cạnh tranh với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Đơn cử, năm 2012, OceanBank có lợi nhuận sau thuế 243 tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2011; Techcombank, một trong những ngân hàng tư nhân được đánh giá có hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam có lợi nhuận sau thuế 765 tỷ đồng, giảm mạnh so với 3.153 tỷ đồng năm 2011.

Bên cạnh đó, với đặc thù hoạt động có cơ cấu cổ đông cô đặc và diễn biến về sức cầu trên thị trường vốn hiện nay, tính đại chúng của các đợt đấu giá thoái vốn ngân hàng được nhìn nhận ở mức thấp. Đơn cử, tại Techcombank, cổ đông cá nhân chiếm tỷ lệ 33,9%, trong đó cổ đông cá nhân sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên chiếm tới 30,4%; trong số tổ chức chiếm tỷ lệ 66,1%, có HSBC chiếm 19,5%, Masan 19,6%. Tại OceanBank, 4 cổ đông tổ chức chiếm tới 66,65% cổ phần gồm CTCP Đầu tư và Xây dựng Sông Đà hiện sở hữu 26,6 triệu cổ phần, tương ứng 6,65%; CTCP Tập đoàn Đại Dương sở hữu 80 triệu cổ phần, chiếm 20%; Công ty TNHH VNT chiếm 20%; PVN chiếm 20%.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội dài hạn hoặc mong muốn tham gia đầu tư, kinh doanh ngân hàng, bên cạnh những ngành nghề khác, đây lại là cơ hội có thể xem xét. Maybank từng mua cổ phiếu ABBank với giá 5 chấm, IFC chuyển đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu ABBank với giá cao hơn mệnh giá, bởi vậy, giá khởi điểm EVN đưa ra trong đợt chào bán tới đây là 10.000 đồng/CP không hẳn quá cao. Đành rằng trên thị trường, thị giá cổ phiếu ABBank chỉ 7.000-8.000 đồng/CP, song không dễ mua được CP số lượng lớn.

“Chúng tôi cũng muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng, nhưng bị giới hạn”, một cổ đông thuộc nhóm Geleximco (hiện sở hữu 20%, mức tối đa theo quy định) cho biết.

Hậu thoái vốn

Với vai trò là cổ đông lớn, các tập đoàn, tổng công ty từng được coi là chỗ dựa về tài chính, khách hàng và thương hiệu của các ngân hàng.

Dù lượng cổ phần tại Techcombank không còn lớn, ở thời điểm cuối năm 2012, tiền gửi của Vietnam Airlines và các công ty ngành hàng không ở ngân hàng này đạt gần 300 tỷ đồng; các cổ đông khác như Masan gửi xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, HSBC là 502 tỷ đồng.

Với lợi thế có vốn góp của PVN, OceanBank có thể triển khai các thỏa thuận hợp tác toàn diện với các đơn vị trong ngành dầu khí, cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho khối DN được coi là rất giàu tiềm năng như các đại lý/tổng đại lý của Đạm Phú Mỹ, Petec, các ban quản lý các dự án trọng điểm ngành dầu khí…

Tương tự, ABBank có cơ hội phát triển các sản phẩm đặc thù, nhằm đáp ứng nhu cầu từ EVN, các đơn vị thành viên, đơn vị liên kết cũng như các nhà thầu thi công các dự án điện như nguồn vốn tín dụng dịch vụ thu chi hộ đầu tư tài chính, phát triển thương hiệu thẻ thanh toán tiền điện...

Bởi vậy, nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn, sẽ chẳng có ngân hàng nào muốn cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty rút vốn. Ở chiều ngược lại, với mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, các doanh nghiệp nhà nước cũng không muốn rút chân khỏi lĩnh vực ngân hàng. “Sóng” thoái vốn ngân hàng mới bắt đầu, nhưng xem ra sẽ kéo dài rất lâu mới hoàn tất.

(Theo ĐTCK)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới