Hủy

Người Thái mở tiệm cầm đồ ở Việt Nam

Thiên Phong Thứ Tư | 27/02/2019 14:00

Cuộc chơi cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã có sự nhập cuộc của một doanh nghiệp đến từ Thái Lan.
 

Cuộc chơi cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã có sự nhập cuộc của một doanh nghiệp đến từ Thái Lan, thay vì những quốc gia có nền tài chính phát triển thường thấy trước kia như Nhật hay Hàn Quốc.
 
Thêm người chơi mới
Mới đây, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Srisawad Corporation cho biết sẵn sàng chi hơn 523 tỉ đồng mua lại Công ty cho thuê tài chính Nông nghiệp I (ALC I) của Ngân hàng Agribank. Số tiền này bao gồm cả 200 tỉ đồng vốn điều lệ và phần nợ gốc đã vay. Tuy nhiên, giá trị thương vụ có thể thay đổi khi ký hợp đồng chính thức. Công ty Thái cũng sẽ kế thừa toàn bộ công nợ tại thời điểm ký biên bản ghi nhớ.

Trên thực tế, Srisawad Corporation (SAWAD) đã thành lập công ty con ở Việt Nam từ năm 2015, với số vốn điều lệ đăng ký là 200 triệu baht. Điều đáng chú ý hơn là trụ sở chính “tiệm cầm đồ” của người Thái lại đặt tại thành phố Vinh. Đến nay, SAWAD mở thêm 6 chi nhánh khác, gồm 2 ở Cần Thơ, 3 ở TP.HCM và 1 ở Bình Dương.

Thương vụ SAWAD bắt đầu được tìm hiểu từ giữa năm 2016. Sau khi hai bên thuê đơn vị thẩm định tài sản và ký biên bản ghi nhớ, Agribank trình Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9.2018. Tuy nhiên, đề án này vẫn chưa được phê duyệt. Nguyên nhân là Công ty Thái chưa đáp ứng điều kiện tổng tài sản của năm liền kề trước đó là 10 tỉ USD, để được cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. 

Bên cạnh việc đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tham gia tái cơ cấu ALC I, SAWAD cũng đề xuất chuyển mô hình hoạt động từ công ty cho thuê tài chính sang công ty tài chính tổng hợp để “doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn”. Rõ ràng, người Thái đã nhắm đến người đi vay Việt Nam từ lâu, nhưng mãi đến nay vẫn chưa có được “công cụ” để tham gia thị trường. 

Nhìn lại, trong 2 năm trở lại đây, các thương vụ mua bán, sáp nhập công ty tài chính diễn ra rất sôi động. Có thể kể đến các thương vụ ngân hàng mua lại công ty tài chính quốc doanh như VPBank mua lại Công ty Tài chính Than - Khoáng sản, Techcombank chọn Công ty Tài chính Hóa chất hay MSB mua lại Công ty Tài chính Dệt May.

Nguoi Thai mo tiem cam do o Viet Nam
 

Nếu như ngân hàng mua lại công ty tài chính để mở rộng cho vay tiêu dùng thì các nhà đầu tư ngoại cũng không chậm chân. Nhật có Saison kết hợp cùng HDBank (HD Saison), hay Shinsei bắt tay cùng Ngân hàng Quân Đội (MCredit). Hàn Quốc thì có Tập đoàn Shinhan mua lại mảng tài chính tiêu dùng của Prudential tại Việt Nam.

Trước đó, Lotte Group mua lại Techcom Finance. Ngoài ra, có rất nhiều thương hiệu mới ra mắt, như Công ty Tài chính Điện Lực (EVN Finance) với thương hiệu Easy Credit, hay Công ty Tài chính Xi Măng cũng đã đổi tên, ra mắt thương hiệu VietCredit.

Xu hướng này khiến thị trường trở nên sôi động hơn, tạo ra thách thức cho những người chơi lâu năm như FE Credit, Home Credit hoặc HD Saison. Trong báo cáo thường niên năm 2017, Tập đoàn SAWAD cũng nhắc đến thị trường Việt Nam với đặc điểm là mức độ cạnh tranh rất cao và thậm chí còn xác định đây sẽ là cuộc chiến về giá. 

Thực lực người Thái
Tại Thái Lan, bộ ba tập đoàn SAWAD, Muangthai Capital và Group Lease là địa chỉ được phần lớn người tiêu dùng nước này lựa chọn khi bị ngân hàng từ chối cho vay. Ông chủ của SAWAD lẫn Muangthai tuy niêm yết nhưng đều có mô hình gia tộc nắm giữ phần lớn cổ phần. Một thống kê cho thấy gia tộc Kaewbootta được cho là nắm giữ gần 47% cổ phần của SAWAD. Tổng Giám đốc Chatchai Kaewbootta sở hữu khối tài sản với giá trị ròng lên đến hơn 1,1 tỉ USD, theo thống kê của Forbes.

Nguoi Thai mo tiem cam do o Viet Nam
 

Sở hữu tài sản khổng lồ, các đại gia người Thái cũng dễ dàng cấp vốn cho các công ty tài chính ở thị trường nước ngoài. Chi phí vốn được xem là đặc biệt quan trọng đối với các công ty tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất cho vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, vốn của các tài phiệt người Hàn hay Nhật cũng không hề thua kém, nếu không nói là có phần hơn. Sản phẩm mới là thứ để người Thái (được đánh giá có nhiều đặc điểm tiêu dùng tương tự người Việt) dùng để cạnh tranh.

Theo SAWAD, nền kinh tế Việt Nam đang mở rộng, kéo theo nhu cầu sử dụng xe ô tô, xe máy và các loại xe cho hoạt động nông nghiệp. Cùng với việc người Việt ngày càng vay tiền nhiều hơn, tập đoàn cho vay Thái Lan tin rằng có cơ hội trong phân khúc cho vay mua xe. Thực tế, SAWAD đang nhắm tới thị trường các nước CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Tại Việt Nam, trên website và mạng xã hội, SAWAD được quảng cáo theo mô hình tiệm cầm đồ, cho vay tiêu dùng, trả góp và tập trung nhiều vào xe máy, ô tô, cả mới lẫn cũ (cầm giấy tờ xe). Tập đoàn Thái Lan cũng cho biết đã bắt đầu cho vay thế chấp từ cuối năm 2017. 

Ở thị trường Thái Lan, đây cũng là những sản phẩm làm nên tên tuổi của SAWAD. Sản phẩm là cho vay tiêu dùng cá nhân, bao gồm các khoản vay thế chấp (tài sản là nhà đất, xe cộ), các khoản vay tín chấp và các hoạt động quản lý nợ khác. SAWAD là một trong những tổ chức cho vay lớn nhất về xe máy và ô tô (khoảng 40% danh mục cho vay mua ô tô) với gần 2.500 chi nhánh và hiện đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng có giá trị nhỏ.

Tại Việt Nam, báo cáo của StoxPlus cũng nhận định, kênh cho vay tại điểm bán đã bão hòa. Theo đó, các khoản vay bằng tiền mặt và thẻ tín dụng sẽ là nhân tố thúc đẩy thị trường tín dụng tiêu dùng tăng trưởng trong những năm tới. Một chuyên gia trong ngành nhận định, sản phẩm cho vay tiền mặt là sản phẩm đơn giản, dễ thực hiện nên sẽ được nhiều công ty sau này ra mắt đầu tiên.

Nguoi Thai mo tiem cam do o Viet Nam
 

Quy mô vay tiêu dùng ở Việt Nam đang tăng nhanh. Các khoản vay mua nhà, mua xe, đồ gia dụng và vay tiền mặt, vay qua thẻ tín dụng đang bùng nổ. Theo ước tính của StoxPlus, quy mô thị trường trong nửa đầu năm 2018 đạt 51 tỉ USD, cao hơn con số cho vay cả năm 2017. Chiếm phần lớn trong số này vẫn là các khoản vay bất động sản, mua ô tô có giá trị lớn, được cung cấp từ phía các ngân hàng. 

Có thể thấy Việt Nam hiện sở hữu dân số trẻ với nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng, trong khi lại có thói quen chi tiêu nhiều nên có tiềm năng vay tiêu dùng đáng kể. Theo StoxPlus, có khoảng 48% dân số thu nhập thấp (dưới 300 USD/tháng, tức dưới 7 triệu đồng/tháng) là khách hàng tiềm năng của các công ty cho vay tiêu dùng.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới