Hủy

Pháp tìm cơ hội phát triển tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc tại Việt Nam

Vân Nguyễn Thứ Tư | 24/10/2018 08:54

Tầm nhìn quốc gia và kinh nghiệm quốc tế, hai yếu tố quan trọng có thể giúp Việt Nam gỡ nút thắt về giao thông?
 

Giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty Tractebel, thuộc Tập đoàn Engie của Cộng hòa Pháp, tại Hội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường cao tốc - Đô thị thông minh, những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam”, hôm 23.10, đã nói rằng ‘muốn tìm kiếm những đối tác phù hợp để trao đổi kinh nghiệp, hợp tác phát triển hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc tại Việt Nam”.

Việc ùn tắc giao thông trong khung giờ cao điểm, tình trạng môi trường không khí bị ô nhiễm do khí thải của số lượng lớn phương tiện giao thông bị ùn tắc ở nội đô tại các trục, các nút giao thông, đang ngày một nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM.

Vấn đề này, không chỉ làm thiệt hại về kinh tế và xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân, trở thành bài toán khó giải của các nhà quản lý đô thị Hà Nội và TP.HCM trong nhiều năm qua. 

heo ông Ismali Himdi, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển đường sắt cao tốc, phát triển tàu điện ngầm. Trong khi đó, Tractebel, một trong những công ty lớn của Pháp trong lĩnh vực xây dựng công trình năng lượng, công trình cơ sở hạ tầng, đang thực hiện một số dự án trọng điểm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị trên thế giới như Dự án Tàu điện ngầm tự động Grand Paris Express với 200km đường ngầm, Dự án Đường sắt cao tốc TGV và một số dự án phát triển đô thị thông minh.

Gợi mở những giải pháp cho giao thông đô thị của Việt Nam, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty Tractebel, ông Ismali Himdi, đã chia sẻ kinh nghiệm trong áp dụng các phương thức về quy hoạch những chốt giao thông và các trục di chuyển; thiết kế các địa điểm di chuyển tại ga đường sắt, sân bay, điểm trung chuyển đa phương thức, bãi đậu xe, địa điểm công cộng; thiết kế trục đô thị và nút giao cho ô tô, 2 bánh xe và người đi bộ…

Cạnh đó, Tractebel cũng giới thiệu công cụ 360° city scan để phân tích và đánh giá “nội tại” của một thành phố dựa trên 3 nguồn dữ liệu: Chính phủ, người dân và cơ sở dữ liệu có sẵn, từ đó tìm ra các giải pháp tối ưu để xây dựng đô thị thông minh bền vững. Theo Tractebel, công cụ đã được áp dụng thành công tại 40 quốc gia trên thế giới.

Chia sẻ tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia và kinh nghiệm quốc tế với Việt Nam, hai nội dung chính được bàn thảo tại Hội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường cao tốc - Đô thị thông minh, những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam”, hôm 23.10.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Ngọc Đông, cho biết, giao thông vận tải là một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo ông Đông, chất lượng và hiệu quả của những công trình, sản phẩm của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải luôn đi đôi với hàm lượng ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng, sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc trao đổi các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về các dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải, phát triển tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc và đô thị thông minh, là rất hữu ích đối với Việt Nam.

Hội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường cao tốc - Đô thị thông minh, những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam” do Công ty Tractebel phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Đại học Giao thông vận tải, Đại học Công nghệ giao thông vận tải tổ chức.

Ngày 31.10.2018, thời hạn Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018-2021.

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực, ông Trương Hòa Bình, hồi tháng 9.2018, đã giao các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này theo hướng tập trung những định hướng lớn của Chính phủ về hoạch định chính sách, pháp luật, để đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh làm rõ lộ trình, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện Nghị quyết, nhằm khắc phục căn bản tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn và khu vực lân cận.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới