Hủy

Phát triển bền vững tạo ra thị trường 12.000 tỷ USD mỗi năm

Vân Nguyễn Thứ Sáu | 06/07/2018 11:00

Hội nghị Phát triển bền vững năm 2018, cơ hội cộng đồng doanh nghiệp đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành.
 

Hội nghị Toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018, hôm 5.7.2018, đã tái khẳng định vai trò tối quan trọng của của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì Sự Phát triển bền vững và những Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (UN SDGs).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nói rằng, Hội nghị lần là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành, nhằm tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Thủ tướng tin rằng, với những nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của xã hội và sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững cùng Chương trình Nghị sự 2030 với những kết quả tốt nhất.

Lãnh đạo 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, năm 2015, đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17  mục tiêu phát triển bền vững, nhằm giải quyết những thách thức của sự phát triển kinh tế, xã hội toàn diện, đảm bảo tính bền vững của môi trường và quản trị tốt.

Thế nhưng, Báo cáo kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững, chỉ ra những khuyết điểm trong mô hình kinh doanh hiện tại khi xem nhẹ sự ổn định và tăng trưởng lâu dài mà thế giới cần.

Các Mục tiêu Phát triển bền vững được xem như một cơ sở mới, đủ tính thuyết phục để đảo ngược xu thế đó. Đồng thời, đến năm 2030, có thể tạo ra một thị trường trị giá ít nhất là 12.000 tỷ USD mỗi năm và 380 triệu việc làm mới.

Công ty Nhà máy bia HeinekenViệt Nam là doanh nghiệp Sản xuất bền vững nhất Việt Nam năm 2017, đến từ việc gắn chặt phát triển bền vững vào chiến lược hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời mang lại lợi ích chung lâu dài cho con người, môi trường và xã hội. 

Ví dụ của Heineken cho thấy cam kết phát triển bền vững không phải là gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp, mà đó chính là con đường mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp và cộng đồng

Dù vậy, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Heineken Việt Nam, cũng xác định “con đường hiện thực hóa những Mục tiêu này còn dài và nhiều chông gai”. Ông hy vọng, “ngày càng nhiều doanh nghiệp và cá nhân chọn sống xanh, chọn phát triển bền vững và cùng đồng hành với chúng tôi trên con đường này”.

Trên thực tế, một tương lai bền vững cho thế giới nói chung và mỗi quốc gia nói riêng đòi hỏi sự chung tay của cả hai khu vực: Nhà Nước và tư nhân. 

Tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay, vấn đề phát triển bền vững luôn được xác định là một yêu cầu quan trọng và là mục tiêu cốt lõi của sự phát triển nền kinh tế. 

Mục tiêu phát triển bền vững được xem là “kim chỉ nam” để cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu cuộc hành trình của mình ở cấp độ quốc gia. Trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam. 

Với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0", Hội nghị có sự tham gia của hơn 600 đại biểu đại diện các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp. 

Những kiến nghị từ Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai các chương trình hành động của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới