Hủy

Săn cổ phiếu trước mùa cổ tức

Thứ Hai | 17/03/2014 06:35

Nhiều nhà đầu tư trong nước đang tìm cơ hội bắt đáy nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt, ổn định với hy vọng giá tăng và cổ tức cao.
 

Đến hẹn lại lên, năm nào anh Ngọc Hồ cũng dồn vốn gom hàng từ tháng 2 để chờ cơ hội kiếm lãi trước và trong mùa cổ tức. Từ đầu năm 2014 đến nay, anh đã rót hơn 200 triệu đồng vào REE, HAG và sắp tới có thể mua thêm một vài midcap nữa. Anh chuộng các mã có chỉ số cơ bản tốt, khả năng bứt phá trong hai quý đầu năm nhờ hưởng lợi từ các thông tin hỗ trợ như lợi nhuận tăng, cổ tức cao, nguồn tài chính phân bổ hợp lý.

Anh kỳ vọng giá trị suất đầu tư tăng trung bình 10% cho mùa vụ này, nhưng nếu bắt đáy đúng thời điểm thị giá thấp, lãi có thể cao hơn. Chiến thuật của Hồ chia thành 2 hướng. Một là chờ tin tốt, cổ phiếu tăng giá rồi bán. Hai là gom hàng sớm, "ăn" cổ tức xong nhồi thêm đợt pha loãng rồi tùy cơ ứng biến chốt lại trong quý II. "Vẫn có rủi ro nhưng vì tôi chỉ chọn hàng hiệu, kinh doanh ổn định, thanh khoản cao nên nếu lỡ nhịp sóng cổ tức vẫn còn cơ hội ở đợt báo cáo tài chính giữa năm", anh nói.

Thị trường chứng khoán tăng điểm và cơ hội cổ tức là những yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư tranh thủ mua cổ phiếu trước thềm đại hội cổ đông. Anh Nguyễn Linh, nhà đầu tư thuộc thế hệ 9x tại Hà Nội đã chi hơn 40 triệu đồng mua cổ phiếu VNM từ cách đây vài tháng, khi mã này có giá 135.000 đồng.

Theo kế hoạch, anh Linh sẽ giữ số chứng khoán này cho đến khi Vinamilk chính thức công bố thông tin trả cổ tức và hưởng trọn vẹn, sau đó bán để thu lời. Đóng cửa ngày 14/3, VNM có giá 150.000 đồng. Anh Linh cho biết sẽ gắng chờ đến khi VNM lên 170.000 đồng mới chốt lời.

a-tb-nha-dau-tu-san-co-phieu-t-5894-8220

Nhiều nhà đầu tư vẫn rình rập bắt đáy săn cổ phiếu trước mùa cổ tức và đại hội cổ đông. Ảnh: H.H

Với kinh nghiệm 7 năm gia nhập thị trường, nhà đầu tư Thành Trung chia sẻ: "Không ít đội lái đã xem mùa cổ tức và đại hội cổ đông là cần câu cơm. Tôi cũng dành 30% vốn để chạy theo con sóng này". Anh Trung cho hay đang giữ ABT, HGM, BMC, TLH, DPM và chỉ chờ tin tốt hỗ trợ để chốt lời. Ngược lại, nhà đầu tư này bật mí anh vẫn nuôi FPT để ăn cổ tức.

Theo khảo sát của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, đến giữa tháng 3, tổng cộng 142 doanh nghiệp niêm yết tại hai sàn đã công bố tỷ lệ cổ tức và tạm ứng một phần trong năm 2013. Đa phần những cổ phiếu có tỷ lệ chi trả từ 20% trở lên thuộc nhóm blue-chip, trong đó nhiều mã mới chỉ tạm ứng bằng tiền.

Mới đây, Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT) cũng vừa công bố mức cổ tức dự kiến cho cả năm 2013 với 55%, tăng mạnh so với mức 20% đơn vị này đặt mục tiêu đầu năm ngoái. Một phần trong số này được chia bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%. Ngay tại thời điểm công bố thông tin này, giá FPT trên sàn chứng khoán lập tức tăng thêm 3.500 đồng.

Một đơn vị khác trước đó cũng quyết định chia thêm cổ tức là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã CK: VNM). Sau khi tăng lãi hơn 12% và trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất nhóm công ty thực phẩm niêm yết, Vinamilk đã nâng tỷ lệ cổ tức năm qua từ 34% lên 40% và chỉ còn chờ đại hội cổ đông phê duyệt.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc bộ phận Chiến lược thị trường tại Công ty Chứng khoán MB đánh giá, đối với những mã có tỷ lệ hoặc có tỷ suất cổ tức cao (tỷ lệ chi trả cổ tức/giá) thường thu hút không chỉ nhà đầu tư trong nước mà còn có cả khối ngoại. Nhất là khi họ đầu tư vào các doanh nghiệp theo hướng giá trị, lâu dài.

Những mã có tỷ lệ cổ tức cao trong năm 2013 như ABT, HGM, PSG, BMC, VNM, DPM, REE, GAS... thường nằm trong các danh mục đầu tư của khối ngoại, tổ chức hoặc các quỹ đầu tư lớn. “Thông thường, những nhà đầu tư ngắn hạn có xu hướng mua đón đầu thông tin chia cổ tức để hưởng chênh lệch giá hơn là chờ hưởng cổ tức. Nguyên nhân là sau khi chia cổ tức, giá cổ phiếu bị điều chỉnh tương ứng”, ông Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, một doanh nghiệp có thể trả cổ tức bằng tiền mặt trước phải là đơn vị có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Bởi lẽ, trong những năm gần đây, nhiều công ty kinh doanh khó khăn, lợi nhuận phải đủ mới dám tính chuyện chia cổ tức bằng tiền, nhất là khi việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn. Những mã như vậy hầu như thích hợp để nắm trong dài hạn. “Cũng có trường hợp những đơn vị kết quả kinh doanh kém nhưng lại xuất hiện thông tin dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, cần phải thận trọng", ông Sơn khuyến nghị.

Trưởng phòng tư vấn tài chính doanh nghiệp TVSI Nguyễn Minh Hưng đánh giá, cổ tức hấp dẫn là một trong những thông tin tich cực có thể hỗ trợ cổ phiếu tăng giá tốt, tuy nhiên đây chỉ là tác động ngắn hạn. "Nhà đầu tư nên thận trọng khi tham gia những đợt sóng này vì không phải tất cả các doanh nghiệp niêm yết đều có kết quả kinh doanh tốt để chia cổ tức cao. Đôi khi thông tin chia cổ tức bị nhiễu, nhà đầu tư cũng bị thiệt hại không nhỏ", ông Hưng đánh giá.

Chuyên gia này nhìn nhận, thị trường chứng khoán luôn tồn tại rất nhiều trường phái đầu tư, trong đó có khái niệm đầu tư theo mùa vụ: mùa cổ tức, đại hội cổ đông, báo cáo tài chính bán niên và cuối năm...

Theo ông Hưng, giai đoạn năm 2006-2007 khi thị trường nóng sốt, làn sóng gom hàng để đón đầu mùa cổ tức mạnh hơn hiện nay. Nguyên nhân là do trải qua nhiều thăng trầm, khủng hoảng và lao dốc, nhà đầu tư chứng khoán đã có nhiều kinh nghiệm, khôn ngoan hơn, có chiến thuật tốt hơn nên đã cẩn trọng với xu hướng kỳ vọng thái quá vào cổ tức. "Nếu tỉnh táo, nhà đầu tư sẽ nhận ra thị trường không có nhiều VNM, FPT, HAG, REE để trông đợi vào cú hích từ cổ tức. Họ buộc phải có những chiến lược khác dự phòng để săn lợi nhuận", ông nhấn mạnh.

Hà Thanh - Tường Vi

Nguồn Vnexpress.net


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới