Hủy

Thương mại quốc tế: Trước làn sóng bảo hộ

Liên Quang Thứ Bảy | 21/04/2018 08:30

Doanh nghiệp Việt có góc nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh doanh, gần 90% doanh nghiệp khảo sát tin rằng khối lượng thương mại sẽ tăng trong vòng 12 năm tới.
 

Vì sao Samsung là công ty lớn nhất Việt Nam?

Financial Times: Người tiêu dùng Việt Nam đang rất lạc quan


Theo một báo cáo mới nhất từ Ngân hàng HSBC “Navigator: Hiện tại, tương lai và ý nghĩa đối với doanh nghiệp”, các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của chính sách bảo hộ ngày càng tăng nhưng vẫn lạc quan về triển vọng giao thương.

Báo cáo khảo sát trên 6.033 công ty trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam chiếm 200 mẫu. Điều kiện bắt buộc khi tiến hành khảo sát là doanh nghiệp phải có doanh thu trên 3 triệu USD hoặc hơn. Nghiên cứu này chỉ ra khá nhiều điểm thú vị, qua đó gợi ý rằng, đây là thời khắc quan trọng để thay đổi những định kiến trói buộc và hòa nhập hơn với các đối tác thương mại.

Doanh nghiệp Việt có góc nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh doanh, gần 90% doanh nghiệp khảo sát tin rằng khối lượng thương mại sẽ tăng trong vòng 12 năm tới. Theo báo cáo trên, 74% doanh nghiệp trong nước cho rằng xuất khẩu sẽ tăng trưởng, xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng, vị trí số 1 thuộc về Bangladesh (96%), kế đó là Ấn Độ (94%) và Thái Lan (92%). Niềm tin đó được xây dựng dựa trên các yếu tố như nhu cầu của người tiêu dùng tăng (40%), điều kiện kinh tế thuận lợi (42%) và yếu tố chi phí kho bãi đang có xu hướng giảm. Châu Á được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong 3-5 năm tới, kế đến là châu Âu.

Lý do đằng sau sự tự tin này đến từ việc các doanh nghiệp tin vào nhu cầu từ người tiêu dùng đối với hàng hóa của họ ngày càng tăng (33%), điều kiện kinh tế thuận lợi (31%) và khả năng tận dụng công nghệ tốt hơn (22%). Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng tăng (40%) và điều kiện kinh tế thuận lợi (42%) là 2 yếu tố chính giúp tăng trưởng trong khi yếu tố thứ 3 là việc giảm chi phí vận chuyển, hậu cần và kho bãi.

Đâu là sân khấu chính của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập? 39% doanh nghiệp Việt tiết lộ Trung Quốc là đối tác thương mại chính, 29% với Nhật và 24% với Hàn Quốc. Khi được hỏi thị trường nào được kỳ vọng sẽ phát triển nhất, 26% doanh nghiệp Việt kỳ vọng đó là Nhật, kế đó là Hàn Quốc (22%) và sau cùng là Trung Quốc (19%). Ba quốc gia này hiện có kim ngạch xuất khẩu gần 67,127 tỉ USD (năm 2017) với Việt Nam.

Làm sao để tăng cường thâm nhập vào thị trường các nước? Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC, đó là phải thay đổi cách suy nghĩ rằng sản phẩm rẻ sẽ luôn được ưu ái, mà hãy bứt phá định kiến, khẳng định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt, không chỉ về công nghệ mà còn bảo đảm các yếu tố phi định tính như thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất...

Mặt khác, doanh nghiệp Việt nên tăng độ kết dính với khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, vì đây là những nhà xuất khẩu có quy mô toàn cầu. Hiện nay, tổng sản lượng xuất khẩu đóng góp bởi khối doanh nghiệp FDI ước đạt 155,2 tỉ USD (72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017). Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là 213,77 tỉ USD, trong đó nhóm hàng điện thoại và linh kiện đóng góp gần 45,1 tỉ USD.

Toàn nền kinh tế Việt Nam chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi ở Thái Lan tỉ lệ này 30%, ở Malaysia là 46%. Đã gần 30 năm từ khi đón vốn FDI, với hơn 23.000 dự án với vốn đăng ký trên 300 tỉ USD, khái toán vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỉ USD, doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu tự tin tương tác với khối doanh nghiệp FDI, vị trí của Việt Nam trên chuỗi giá trị vẫn còn rất thấp.

Những con số này cho thấy, để gián tiếp chiếm lĩnh một thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt có thể tăng cường doanh số bán hàng với Samsung Việt Nam, nhờ chính khối doanh nghiệp FDI để chiếm lĩnh thị trường nước họ. Nhưng phải nói rõ, nếu tiếp tục sử dụng công nghệ lạc hậu, dây chuyền sản xuất thiếu đầu tư, không thể khép kín tự động hóa, thì để họ mua hàng Việt Nam cũng rất khiên cưỡng.

Đa số các công ty thuộc khối FDI đều nhìn nhận doanh nghiệp Việt thiếu chủ động, ít chịu cải tiến công nghệ sản xuất, nên họ bắt buộc phải nhập khẩu gần 83% linh kiện từ nước ngoài. Trong một hội thảo về doanh nghiệp FDI (năm 2017), ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng Giám đốc Samsung Vietnam, từng chia sẻ: “Samsung không phải lớn mà là rất lớn, đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi giá trị của Samsung”.

61% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng các chính phủ đang ngày càng bảo hộ nền kinh tế trong nước. Tại Việt Nam, gần 67% doanh nghiệp đồng ý với nhận định này. Để vượt qua các rào cản bảo hộ, phần lớn doanh nghiệp đang tìm kiếm các đối tác thương mại trong khu vực để phát triển cơ hội kinh doanh, với gần 74% hoạt động giao thương tại châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương sẽ được thực hiện trong nội vùng. Xu hướng này sẽ được tiếp tục khi hoạt động giao thương trong khu vực được ưu tiên trong kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp 3-5 năm tới. Việt Nam sẽ tập trung vào các đối tác thương mại chính tại châu Á và Mỹ là đối tác lớn ngoài châu Á.

Theo vị đứng đầu HSBC Việt Nam, đứng trước thách thức chính sách bảo hộ hàng nội địa của các quốc gia ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là giữa các quốc gia không thuộc khối thương mại chung, doanh nghiệp trong nước cần có cái nhìn khách quan, công tâm về lợi ích mà những sáng kiến thương mại như ASEAN 2025, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc ý tưởng “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Nên chấp nhận những sáng kiến có ích, mang lại khung pháp lý minh bạch, ưu đãi, cũng như tăng cường tính kết nối giữa các khu vực địa lý với nhau nhờ sự đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Khoảng 3/4 (74%) doanh nghiệp Việt được khảo sát cho rằng Tầm nhìn ASEAN 2025 sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu của họ, trong khi 63% tin rằng CPTPP sẽ có tác dụng tích cực đối với hoạt động thương mại của họ trong tương lai.

Đối với sáng kiến “Vành đai và con đường”, hầu hết doanh nghiệp trong khu vực đều có cái nhìn lạc quan. 65% doanh nghiệp Thái được khảo sát tin rằng ý tưởng đó sẽ tác động tích cực đối với nền kinh tế châu Á. Con số này với Malaysia và Singapore, lần lượt là 61% và 59%. Trong đó, 40% doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và 33% doanh nghiệp đến từ Việt Nam cho rằng sáng kiến trên sẽ có ảnh hưởng tiêu cực, có xu hướng đi ngược lại với các quốc gia khác được khảo sát.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới