Hủy

TP.HCM thu hút vốn FDI hơn 5,8 tỷ USD

Quý Hòa Thứ Năm | 07/12/2017 08:49

Trong năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM ước đạt 5,81 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2016.
 

Trong đó, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 800 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 2,01 tỷ USD; 220 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 1,05 tỷ USD; chấp thuận cho 2.100 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với số vốn góp đăng ký 2,75 tỷ USD.

Có được kết quả trên là nhờ các cơ quan liên quan trên địa bàn Thành phố đã tích cực cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã triển khai phục vụ đăng ký đầu tư trực tuyến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp. Đồng thời, TP.HCM đã chính thức đưa vào vận hành chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến giai đoạn 2 áp dụng cho thủ tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Để thu hút vốn FDI những tháng cuối năm, hiện TP.HCM xác định phải tìm ra phương pháp để 4 ngành công nghiệp trọng yếu phát triển (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến lương thực thực phẩm). Cụ thể như ngành cơ khí chế tạo tiếp tục tập trung để tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đã chuyển mạnh mẽ với việc đầu tư nhiều trang thiết bị mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc điều khiển tự động đã được DN sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao do chất lượng ổn định và giá thành khoảng 50-70% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Ngành điện tử-công nghệ thông tin ngày càng phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao từ các dự án của các tập đoàn kinh tế thế giới đầu tư sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử…

Ngoài ra, để thu hút vốn đầu tư  FDI vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp T.HCM có giải pháp thúc đẩy nhanh các dự án tại các khu công nghiệp Vĩnh Lộc 3, Vĩnh Lộc mở rộng, Phong Phú, Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Hiệp Phước giai đoạn 2, Đông Nam, Cơ khí Ô tô và An Hạ.

Về nguồn nhân lực phục vụ khu chế xuất - khu công nghiệp, UBND TP.HCM giao các cơ quan chức năng kiến nghị Trung ương đổi mới chương trình đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp; phối hợp với các trường đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của TP.HCM


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới