Hủy
Bất động sản

Doanh nghiệp BĐS không nên kỳ vọng sự giải cứu từ Nhà nước

Thứ Năm | 07/03/2013 14:13

Ủy ban kinh tế nhận định với quy mô nợ xấu bất động sản hiện tại, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu.
 

Theo báo cáo mới cập nhật của Ủy ban Kinh tế, vấn đề nợ xấu và giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản hiện nay đang được sự quan tâm đặc biệt, do dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, như vay kinh doanh bất động sản, vay đầu tư sản xuất kinh doanh và thế chấp bằng bất động sản... chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ dư nợ (số liệu do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết vào tháng 10/2012 chiếm khoảng 57%, tương đương 1 triệu tỷ đồng).

Hơn nữa, nợ xấu bất động sản kéo theo sự trì trệ của 2 ngành là xây dựng (tạo việc làm cho khoảng 3,3 triệu lao động, hay 6,4% tổng lao động của nền kinh tế; lao động trong ngành xây dựng có mức thu nhập thấp hơn so với mức trung bình của nền kinh tế và 88,9% lao động trong ngành này không có bảo hiểm xã hội) và vật liệu xây dựng (khoảng trên 500.000 lao động, tức trên 1% tổng số lao động của nền kinh tế và 62,3% lao động trong ngành này không có bảo hiểm xã hội).

Cơ cấu nợ xấu
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước/Ủy ban kinh tế

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang có nợ chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng tài sản. Các chuyên gia của Ủy ban kinh tế cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản được dự báo còn tiếp tục điều chỉnh từ trạng thái giá bong bóng để trở về mức cân bằng dài hạn, giá trị tài sản (bất động sản) sẽ phải co lại đáng kể, trong khi giá trị của các khoản nợ sẽ tiếp tục nở ra (do doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục trả lãi đối với các khoản vay trong bối cảnh lãi suất vẫn còn duy trì ở mức cao).

Sự kéo dài của tình trạng “nợ nở ra, tài sản co lại” sẽ làm không ít các doanh nghiệp phải bị cụt vốn và phá sản, ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản của các ngân hàng có liên quan và qua đó đe dọa đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng, báo cáo của Ủy ban kinh tế cho biết.

Tuy nhiên, theo cơ quan này, có nhiều thách thức liên quan đến việc thực hiện các giải pháp giải quyết nợ xấu của lĩnh vực bất động sản.

Thứ nhất, do sai lệch lớn trong quan hệ cung cầu bất động sản về nhà ở, khi mà nguồn cung các sản phẩm nhà ở trung cấp và cao cấp với giá trị cao chiếm tỷ trọng lớn, hoàn toàn sai lệch với cơ cấu của cầu, hiện chủ yếu là sản phẩm nhà ở bình dân với giá trị khiêm tốn.

Thứ hai, do sai lệch lớn trong kỳ vọng của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo báo cáo, tình trạng đầu cơ diễn ra trên diện rộng và kéo dài đã làm sai lệch hoàn toàn các tín hiệu thị trường, tạo ra kỳ vọng sai lệch “giá đất và bất động sản chỉ có tăng chứ không thể giảm”. Không ít các doanh nghiệp bất động sản vẫn găm giá để chờ một sự “giải cứu” từ phía Nhà nước. Tuy nhiên đây là một kỳ vọng hoàn toàn sai lệch, vì với quy mô hiện nay của nợ xấu trên thị trường bất động sản, Nhà nước không đủ khả năng giải cứu.

Hơn nữa, Nhà nước cũng không thể chấp nhận giải cứu vì điều này càng khuyến khích rủi ro đạo đức, làm cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh liều mạng, tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai .

Từ đó, Ủy ban kinh tế đưa ra một số khuyến khị để giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, Chính phủ cần đưa ra một thông điệp rõ ràng là sẽ không có một sự giải cứu nào đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trung cấp và cao cấp mà hoàn toàn để thị trường quyết định và đào thải. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp có liên quan phải tính toán sớm hạ giá, giúp phá băng và tạo thanh khoản cho thị trường.

Chính phủ cũng nên sử dụng nguồn lực hạn hẹp cũng như những ưu đãi chính sách để ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội và nhà ở thương mại giá thấp, giúp tạo ra hiệu ứng lan tỏa giải quyết tồn kho và giảm nợ xấu ở các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, cần minh bạch hóa và giám sát chặt chẽ việc thực thi, kể cả từ phía các cơ quan của Quốc hội, để các hỗ trợ này được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng.

Về lâu dài, Chính phủ cần đánh thuế tài sản như nhiều nước trên thế giới nhằm ngăn ngừa trình trạng đầu cơ để tránh khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới