Hủy
Bất động sản

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Tiền giấy nằm trên giấy

Thứ Tư | 31/07/2013 10:22

Mới đây, Bộ Xây dựng công bố các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giải ngân được khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng vay ưu đãi theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và cho rằng đây là thành công bước đầu. Nhưng đối với những người trong cuộc, con số này là quá ít, nếu không nói là việc giải ngân khá ì ạch.
 

Ì ạch giải ngân

Lấy số liệu từ Bộ Xây dựng, trong 5 ngân hàng (NH) tham gia gói hỗ trợ nhà ở gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MHB, hiện nay mới chỉ có 2 NH có số liệu hồ sơ xin vay. Cụ thể, Vietinbank nhận được 160 hồ sơ, BIDV nhận được khoảng 100 hồ sơ.

Còn theo số liệu của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, tính đến ngày 15/7 đã có 19 hợp đồng tín dụng được ký kết trong khuôn khổ gói 30.000 tỷ đồng.

Trong số này có 18 khách hàng cá nhân và một khách hàng doanh nghiệp, tổng hạn mức được ký kết là 12,2 tỷ đồng (bình quân một khách hàng cá nhân được vay 660 triệu đồng). Cũng theo ông Minh, đến nay có 6 hồ sơ được giải ngân, các hồ sơ tín dụng còn lại đang trong quá trình giải ngân.

Với số liệu báo cáo, rõ ràng quá trình triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho người nghèo vay mua nhà diễn ra khá chậm. Nguyên nhân chủ yếu tính đến thời điểm này là do quy định đưa ra chênh với thực tế, bản thân các NH không giải quyết được.

Nói về gói 30.000 tỷ đồng, PGS - TS. Đặng Hùng Võ đã không khỏi băn khoăn và cho rằng chính sách "đang không thực sự ủng hộ người nghèo". Mục tiêu của Nghị quyết 02 của Chính phủ là gói giải pháp giúp cho doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn về tài chính, điều chỉnh lại cung - cầu trên thị trường, giúp cho người có thu nhập thấp sớm có nhà ở và giải quyết hàng tồn đọng trong bất động sản (BĐS).

Như vậy có hai việc phải làm cho thị trường BĐS hiện nay là giải quyết tồn kho để giải phóng khối lượng nợ xấu và tăng cung cho khu vực nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết nhà ở cho người có nhu cầu.

Cả hai giải pháp này đã được đề cập trong Nghị quyết 02 nhưng chưa được triển khai cụ thể. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương cũng như địa phương mới chỉ tập trung vào một nửa nhiệm vụ mà Nghị quyết 02 đề ra.

Về lý thuyết, trong gói 30.000 tỷ đồng có đến 70% số tiền để hỗ trợ người thu nhập thấp tăng khả năng thanh toán, hỗ trợ cho người nghèo. Nhưng có các câu hỏi đặt ra: Ai là người xác nhận thu nhập cho những người nghèo?

Ai sẽ là người xác nhận tình trạng nhà ở? Ai là người chứng minh khả năng trả nợ của người nghèo? Nói đến chuyện xác nhận khả năng trả nợ, thử hỏi ai đứng ra xác nhận thì NH sẽ tin?

Có hết cách?

Thực ra, việc cho người nghèo vay tiền mua nhà không phải là sáng kiến gì mới, mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai thành công. Nổi bật nhất là mô hình tín dụng phục vụ cho người nghèo của NH Grameen (Bangladesh).

Ngoài các khoản tín dụng nhỏ, NH còn cho vay mua nhà, cấp tiền vay cho các dự án đánh bắt thủy hải sản, tưới tiêu, dệt may và nhiều hoạt động khác bên cạnh các dịch vụ NH như tiết kiệm.

Sự thành công của mô hình NH Grameen đã khuyến khích các mô hình tương tự tại các nước đang phát triển và các quốc gia công nghiệp gồm cả Mỹ. Mô hình tín dụng nhỏ của Grameen đã phát triển ra 23 quốc gia.

Hay đất nước Thụy Điển đã làm việc này rất tốt khi họ đưa ra chính sách phù hợp để người nghèo có thể đáp ứng được. Cụ thể, tổ chức Cộng đồng Người nghèo được thành lập để chứng minh người nghèo có khả năng trả nợ. Cộng đồng này sẽ đứng ra chịu trách nhiệm xác minh, ký tên đóng dấu bảo lãnh thực tế đối với mỗi người nghèo.

Trong khi đó, ở Việt Nam, bắt người nghèo phải tự chứng minh lại trở thành chính sách gây khó khăn. Điều đó lý giải vì sao sau gần 2 tháng triển khai mới có vài người được vay. Nói như một vài nhà nghiên cứu, chắc hẳn những người được vay đều có công việc ổn định, thu nhập trung bình khá chứ không phải người thực sự nghèo.

Thông tư 07 của Bộ Xây dựng quy định khách hàng cá nhân vay tiền từ gói 30.000 tỷ phải được cơ quan nơi công tác hoặc UBND phường - xã nơi cư trú xác nhận về thực trạng nhà ở.

Lãnh đạo một NH giải thích rằng, không phải bản thân các NH không muốn cho người nghèo vay vì cho rằng đó là nợ khó đòi hay nợ xấu tăng cao... Vì thực tế, ngay khi Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đi vào hoạt động, các NH đã giải tỏa được vấn đề nợ xấu. Như vậy, vấn đề còn lại chỉ là các NH cũng đang chịu quá nhiều quy định chồng chéo.

Chẳng hạn, UBND các phường đều từ chối xác nhận tình trạng chưa có nhà ở cho các đối tượng tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng nêu trên, bởi chỉ quản lý nhân khẩu, chứ không thể quản lý hết sở hữu nhà của cá nhân (vì cá nhân đăng ký hộ khẩu ở phường này nhưng vẫn có thể sở hữu nhà ở tại phường khác).

Bản thân NH, dù Thông tư 11 của NHNN là các NHTM chịu trách nhiệm thẩm định và quyết định cho vay nhưng hiện tại, điều này chưa được phép. Từ đó mới có hiện tượng DN chỉ được vay 30% trong gói hỗ trợ nhưng tiến độ giải ngân nhanh hơn rất nhiều lần so với cá nhân.

Nói như GS. Đặng Hùng Võ "nếu chúng ta làm không khéo, chồng chéo trong đơn vị thực hiện chính sách hoặc sự vô lý trong chính sách thì đây mãi là chuyện trên giấy mà thôi".

(Theo doanhnhansaigon.vn)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới