Hủy
Bất động sản

Hà Nội dành 11.000 tỷ đồng xây các khu xử lý chất thải rắn

Thứ Năm | 21/08/2014 09:19

Trong đó, chi phí xây dựng đến năm 2020 khoảng 3.500 tỷ đồng.
 

Sáng 20/8, tại Hà Nội, Sở Xây dựng (UBND thành phố Hà Nội) đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch xử lý chất thải rắn thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo tại lễ công bố, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng quản lý Hạ tầng môi trường và công trình ngầm (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Theo quyết định của Thủ tướng, quy hoạch xử lý chất thải rắn Hà Nội nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải rắn tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp; đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của thành phố theo từng giai đoạn. Chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn.

Việc thu gom, xử lý phải được ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp. Hạn chế việc chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được thu gom vận chuyển xử lý theo quy định đảm bảo không phát tán ra môi trường.

Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt, năm 2020, tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 85% - 100%, nông thôn khoảng 70% - 80%. Năm 2030: tỷ lệ thu gom khu vực đô thị khoảng 90% - 100%; nông thôn đạt khoảng 80- 95%.

Chất thải rắn xây dựng: Năm 2020 tỷ lệ thu gom khu vực đô thị là 80% - 100%; nông thôn 60% - 90%.

Riêng chất thải rắn y tế tỷ lệ thu gom là 100% (tương đương 8.075 tấn/năm), trong đó chất thải rắn nguy hại khoảng 20% (1.275 tấn/năm), chất thải rắn thông thường khoảng 80% (6.800). Hiện cả nước có 704 bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế với khoảng 17.285 giường bệnh.

Quy hoạch phân vùng xử lý chất thải rắn được chia làm 3 vùng. Vùng I gồm các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên và một phần huyện Thanh Trì và các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, diện tích khoảng 1.150 km2.

Vùng II – khu vực phía Nam: Bao gồm một phần huyện Thanh Trì, một phần quận Hà Đông, các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức diện tích khoảng 990,0 km2 và vùng III là khu vực phía Tây gồm: một phần quận Hà Đông, nội và ngoại thành thị xã Sơn Tây, diện tích khoảng 1.204,6 km2.

Tổng nhu cầu vốn cho toàn bộ Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng đến năm 2020 khoảng 3.500 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đế năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 24/5/2014 góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu có hệ thống kế cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Quy hoạch được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường đúng theo quy hoạch; hạn chế các hành vi vi phạm quy hoạch; quản lý và khai thác có hiệu quả các công trình xử lý chất thải rắn trên địa bàn Thành phố Hà Nội./.

Nguồn Theo DVO/Bộ Xây Dựng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới