Hủy
Bất động sản

Mô hình đô thị sinh thái cho Việt Nam

Thứ Hai | 22/06/2009 16:32

Việc xác định được quỹ đất và quy hoạch đặc biệt ở các địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn cần phải được cân nhắc kỹ khi phát triển mô hình đô thị sinh thái.
 

Trong phần thuyết trình về “Nguy cơ sinh thái - biến đổi khí hậu và các giải pháp” tại Hội thảo “Tầm nhìn đô thị sinh thái” tổ chức tại Tây Ninh ngày 11.6, ông Philip Conn, kiến trúc sư về quy hoạch thuộc Foundation of The Future - FOF (tổ chức chuyên về ý tưởng đa lĩnh vực như quy hoạch bền vững và mở rộng công suất, nguồn lực xây dựng, hiện đang tư vấn cho dự án Vườn công nghiệp Xuyên Á Bourbon An Hòa), cho rằng, để xây dựng một đô thị sinh thái đúng chuẩn, chủ đầu tư cần phải đảm bảo 3 yếu tố. Đó là tính di động (mạng lưới giao thông đa dạng, dễ di chuyển), tính bền vững (yếu tố môi trường) và có bản sắc riêng (kết hợp được những điều kiện tự nhiên sẵn có).

Lợi ích: nhìn về dài hạn

Đối với Việt Nam đô thị sinh thái còn khá mới mẻ, nhưng tại nhiều quốc gia trong khu vực mô hình này đã được triển khai khá lâu. Ông Kitajima Atsumu, Chánh Văn phòng Tòa thị chính Thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) cho biết, vào thập niên 1960, Kitakyushu là một đô thị bị lấn át bởi rác thải của các khu công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, sau đó, Chính quyền Thành phố, doanh nghiệp và đại diện người dân đã cùng ngồi lại để tìm cách tái thiết Thành phố. Việc đầu tiên là đưa ra một bảng quy hoạch tổng thể, với trọng tâm là các vấn đề phân bổ quỹ đất (khu dân cư, khu công nghiệp, khu bảo tồn, quỹ đất giao thông, khu tái chế…) và chính sách bảo vệ môi trường.

Ông Atsumu cho biết, ngay từ những ngày đầu, Chính quyền Thành phố đã vận dụng chương trình 3R (hạn chế chất thải - tái chế - tái sử dụng), sau đó đưa ra những tiêu chuẩn về môi trường làm căn cứ thu hút đầu tư.

Tại các thành phố sinh thái như Kitakyushu, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường từ các ngành công nghiệp nặng (luyện thép, sản xuất xi măng…) cho đến công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, nhà đầu tư buộc phải qua khâu kiểm tra mức độ ảnh hưởng đến môi trường trước khi được phép làm ăn tại đây. Doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về xử lý chất thải sẽ không được cấp phép đầu tư; ngược lại, Thành phố sẽ có chế độ ưu đãi dành cho các lĩnh vực thân thiện với môi trường.

Theo ông Atsumu, kinh phí để tái thiết Kitakyushu không dưới 6 tỉ USD, trong đó có đóng góp của doanh nghiệp, Nhà nước và Tòa thị chính Thành phố theo tỉ lệ 7:2:1. Vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng lợi ích do Thành phố sinh thái mang lại không nhỏ. Ngoài việc tạo ra việc làm cho người dân, trong 10 năm trở lại đây, Kitakyushu thu hút khoảng 73.000 khách tham quan. Đây là đòn bẩy kích thích dịch vụ phát triển. Nhưng quan trọng hơn hết là Thành phố đã cắt giảm được 2.000 tấn CO2/năm.

Ông Atsumu nhấn mạnh, trong nội dung hoạt động, những người đứng đầu Thành phố không chỉ đơn thuần nghĩ đến kinh tế mà còn nghĩ đến việc bảo toàn môi trường cho thế hệ sau. Đó là lý do trước khi tiến hành một dự án, Chính quyền luôn tổ chức đánh giá, dự báo, điều tra về những tác động xấu đến môi trường và lắng nghe ý kiến của người dân địa phương.

Việt Nam chưa có một khu đô thị sinh thái đúng chuẩn

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có trên 300 khu đô thị, nhưng mô hình đô thị sinh thái thì vẫn còn tương đối mới. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây Dựng, cho biết, Bộ đang xem xét những tiêu chuẩn cho mô hình này. “Trong tương lai Việt Nam nên xây dựng mô hình này. Theo báo cáo mới nhất của Liên Hiệp quốc, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu chủ yếu xuất phát từ con người và Việt Nam đứng hàng thứ 5 trên thế giới về mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, bà nói.

Tuy không thiếu những dự án đã đăng ký là “khu đô thị sinh thái”, nhưng đa số chuyên gia tham dự Hội thảo đều cho rằng, Việt Nam chưa có một khu đô thị sinh thái nào đúng chuẩn. Bởi lẽ, nếu xét về quy mô thì một khu đô thị sinh thái phải có diện tích tối thiểu 1.000 ha và đáp ứng được yêu cầu về sử dụng năng lượng tự nhiên. Mặt khác, các chuyên gia lo ngại, việc quy hoạch khu đô thị sinh thái sẽ lặp lại câu chuyện sân golf, tức chủ yếu xây biệt thự để bán hơn là tạo ra một môi trường sống thực sự cho cư dân.

Theo kiến trúc sư Lê Văn Nin, Viện Kiến trúc TP.HCM, quan trọng là xác định được quỹ đất và việc quy hoạch, đặc biệt ở các địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn phải được cân nhắc kỹ. Còn kiến trúc sư Monty Tejam thuộc FOF, người tham gia thiết kế thành phố sinh thái Tuy Hòa (Phú Yên), thì cho rằng, một khu đô thị sinh thái không chỉ đáp ứng được vấn đề môi trường mà quan trọng là phải cân bằng được yếu tố kinh tế.

Hiện nay, ngoài Thành phố Tuy Hòa đang tiến hành xây dựng khu đô thị mở rộng phía Nam Tuy Hòa theo mô hình thành phố sinh thái thì Tây Ninh là địa phương tiếp theo có những động thái tích cực. Sau khi chấp thuận cho Công ty Cổ phần Bourbon An Hòa thí điểm dự án Vườn công nghiệp sinh thái Xuyên Á Bourbon An Hòa (huyện Trảng Bàng) hồi cuối tháng 5 (vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng), Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng đang xem xét áp dụng mô hình này cho thị xã Tây Ninh.

Ông Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh, cho biết, vốn ban đầu cho khâu quy hoạch dự kiến 1 triệu USD. Trước mắt, Tỉnh đang phát động cuộc thi thiết kế đô thị sinh thái thị xã Tây Ninh và sau đó, tiến tới phát triển cụm đô thị - dịch vụ - công nghiệp dọc theo đường Xuyên Á với 2 khu đô thị sinh thái Trảng Bàng và thị xã Tây Ninh.

Việt Nam thiếu công nghệ cao phục vụ cho việc phát triển đô thị sinh thái

Thưa ông, đây có phải là thời điểm để Việt Nam phát triển mô hình này không?

KTS. Nguyễn Hữu Thái: Đô thị sinh thái là xu hướng của thế kỷ XXI. Những nước đang phát triển như Việt Nam có thể áp dụng mô hình này để đi thẳng lên nền văn minh hậu công nghiệp mà không cần phải đi qua thời kỳ công nghiệp. Việt Nam, với cơ cấu kinh tế 70% dựa vào nông nghiệp, đã có đủ những điều kiện tự nhiên để phát triển những đô thị sinh thái.

Tuy nhiên, cái Việt Nam đang thiếu là công nghệ cao áp dụng vào mô hình này. Một khu đô thị sinh thái hoàn chỉnh đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn để có thể xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng chung và trang bị các thiết bị hiện đại nhằm tận dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên. Song, quan trọng hơn hết là chúng ta phải đào tạo được nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình này và vận động sự ủng hộ của người dân.

Có mô hình đô thị sinh thái nào “vừa túi tiền” với Việt Nam?

KTS. Nguyễn Hữu Thái: Ở hầu hết các quốc gia phát triển, khi đầu tư khu đô thị sinh thái, họ sử dụng công nghệ cao như hệ thống cách nhiệt, hệ thống tạo năng lượng từ gió, mặt trời và hệ thống tái chế chất thải… Việt Nam, do nguồn lực còn hạn hẹp, phải “liệu cơm gắp mắm”. Đa phần các tỉnh miền Trung đều nằm dọc theo bờ biển nên có thể tận dụng được năng lượng gió. Ở nông thôn thì nên tận dụng bể sinh khí, thủy triều để tạo ra điện… Những công nghệ này có thể không đem lại hiệu quả như ý muốn nhưng được đa số các nước đang phát triển áp dụng vì chi phí không quá cao.

Ông nhận định gì về các dự án đô thị sinh thái ở Việt Nam hiện nay?

KTS. Nguyễn Hữu Thái: Thực tế, Việt Nam chưa có khu đô thị sinh thái nào đúng như ý nghĩa của thuật ngữ này. Một khu đô thị sinh thái không chỉ đơn thuần là có mật độ cây xanh nhiều hơn các khu bình thường mà tất cả hạng mục trong khu đô thị sinh thái đều phải đảm bảo các yếu tố: mặt nước - cây xanh - năng lượng.

Ở Orlando (Mỹ), người ta xây sân bay giữa vùng đầm lầy, còn các công trình khi xây dựng đều phải đảm bảo được khoảng xanh và diện tích mặt nước do bản chất của Orlando là một vùng trũng. Hơn nữa, không nên nghĩ khu đô thị sinh thái chỉ là nơi nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống mà chính bản thân khu đô thị sinh thái cũng phải độc lập về mặt kinh tế. Có nghĩa là mỗi nơi phải xây dựng cho mình những ngành nghề chủ lực, người dân sống trong khu đô thị đó phải được tạo công ăn việc làm.

Chẳng hạn, khi quyết định phát triển khu đô thị sinh thái vệ tinh ở Bình Dương, Vũng Tàu…thì phải xem đây là đối trọng với TP.HCM, nhất là về kinh tế để hạn chế được tình trạng người dân đến TP.HCM kiếm sống.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới