Hủy
Bất động sản

“Nên đánh thuế cao thay vì thu hồi các dự án treo”

Thứ Sáu | 03/01/2014 18:36

"Luật Đất đai không nên đặt vấn đề thu hồi đất đối với các dự án treo, vì như thế sẽ thiệt hại cho cả nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dân".
 
 
"Luật Đất đai không nên đặt vấn đề thu hồi đất đối với các dự án treo, vì như thế sẽ thiệt hại cho cả nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dân".

GS. Đặng Hùng Võ: "Nhiều tổ chức quốc tế đã đầu tư khá nhiều tiền bạc để giúp chúng ta xây dựng, hoàn thiệt chính sách, luật pháp nhưng tỷ lệ tiếp thu thì rất hạn hữu”

Kiến nghị trên được GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đưa ra tại buổi tọa đàm về Luật Đất đai sửa đổi, do Liên minh Đất đai (Landa) tổ chức sáng 3/1.

Theo GS. Võ, Luật Đất đai sửa đổi mới được Quốc hội thông qua cũng như những cơ chế, chính sách trước đây vẫn khẳng định “nhà nước sẽ thu hồi đất của các doanh nghiệp, chủ đầu tư nếu sau 12 – 24 tháng không triển khai, tùy từng dự án cụ thể”. Quy định này được cho là thể hiện tính kỷ cương và quyết tâm cao của nhà nước trong việc khắc phục tình trạng dự án treo, vốn khá phổ biến tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cho dù thể hiện quyết tâm cao như vậy, song trong luật vẫn "cố" thêm một dòng rằng “trừ các trường hợp bất khả kháng” - đã vô tình tạo điều kiện cho một số cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng “điều khoản mở này”.

Thế nhưng, với ông, ngay cả khi nhà nước có quyết tâm thu hồi đất của các dự án treo thì cũng không phải là hợp lý.

Bởi lẽ, theo phản ánh của một số địa phương vừa qua, sau khi thu hồi đất của các dự án bất động sản không triển khai sau nhiều năm cấp đất, nhưng khi thu hồi xong chính quyền cũng không biết xử lý như thế nào, nhà đầu tư mới thì không có nhu cầu, nông dân cũng không thể trả lại đất cho họ, rốt cục vẫn là đất bỏ hoang.

Đề xuất được chuyên gia về đất đai này đưa ra, đó là, thay vì thu hồi đất của các dự án treo, nhà nước nên đánh thuế việc chậm đưa vào sử dụng với mức thuế suất rất cao. Làm như vậy, buộc các chủ đầu tư phải tính toán ngay từ đầu và có kế hoạch triển khai dự án.

Trong trường hợp dự án đã bị chậm, chủ đầu tư vẫn có thể cân nhắc, tính toán tiếp tục đóng thuế để duy trì quyền sử dụng đất hay chuyển nhượng dự án cho đối tác khác.

Theo ông Võ, nếu làm như vậy, nhà nước vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang mà cũng không phải bận tâm việc tìm nhà đầu tư khác để giao đất sau khi thu hồi của chủ cũ.

“Chỉ với những dự án vi phạm mới thu hồi. Còn các dự án chậm triển khai, nhà nước nên đánh thuế thật cao và cho họ tiếp tục làm chủ quyền sử dụng đất”, ông Võ kiến nghị.

Bàn thêm về một số nội dung của Luật Đất đai sửa đổi, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, có khá nhiều kiến nghị, góp ý cho dự thảo luật của cá nhân, tổ chức, hội nghề nghiệp trong và ngoài nước mà ông là thành viên, song phần lớn đều không được tiếp thu, đưa vào trong luật, đặc biệt là quy định về thu hồi, bồi thường tái định cư gần như không có nhiều thay đổi so với các quy định của Nghị định 69/CP.

Ngoài ra, theo ông Võ, với Luật Đất đai, cũ cũng như mới, có một số điều khoản mà hiển nhiên không cần thực thi hoặc vi phạm thì cũng không ai bị làm sao cả.

Ông dẫn một quy định của luật đất đai từ nhiều năm nay “bảng giá đất phải sát với giá thị trường”, nhưng thực tế, giá đất giao dịch thực tế cao gấp hàng chục lần so với bảng giá đất do nhà nước xây dựng. Ngay cả với khung giá đất của Chính phủ. Nhưng rốt cuộc là không ai bị khiển trách, kiểm điểm gì trước sự chênh lệch này.

“Chúng ta thiếu một số nghiên cứu trước khi xây dựng và điều chỉnh luật. Nhiều tổ chức quốc tế đã đầu tư khá nhiều tiền bạc để giúp chúng ta xây dựng, hoàn thiệt chính sách, luật pháp nhưng tỷ lệ tiếp thu thì rất hạn hữu”, ông Võ nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ, Việt Nam không được quốc tế đánh giá cao trong cơ chế quản trị đất đai vì tính độc lập của các cơ quan, đặc biệt là trong định giá đất, thu hồi, bồi thường và xét xử các vụ án hành chính liên quan đến đất đai.

Chẳng hạn, ở nhiều nước phát triển, khi một người dân kiện nhà nước về lĩnh vực đất đai thì họ sẽ gọi là “tranh chấp hành chính”, bởi hai chủ thể trong tranh chấp này là nhà nước – người dân ngang bằng nhau. Trong khi ở Việt Nam thì gọi “khiếu kiện”. Hay các nước phát triển hiểu khái niệm “của công” là “công cộng”, là của toàn dân, trong khi ở Việt Nam “công” thường được hiểu là của nhà nước.

Nguồn Vietstock


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới