Hủy

CEO tỉ đô của Xiaomi

Huy Vũ Thứ Bảy | 14/07/2018 09:49

Xiaomi đã lập kỷ lục thế giới về mức tiền thưởng một công ty trong ngành công nghệ dành cho nhân sự cấp cao của họ kể từ năm 2011 đến nay.
 

Cuối tháng 6 vừa qua, ngay khi thông tin cổ phiếu Xiaomi trên sàn Hồng Kông chưa kịp nguội, công ty sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới đã công bố mức tiền thưởng bằng cổ phiếu trị giá 1,5 tỉ USD cho Lei Jun (Lôi Quân), người giữ vai trò sáng lập kiêm Tổng Giám đốc (CEO).

Đáng chú ý, mức thưởng trên không liên quan đến việc đáp ứng bất kỳ mục tiêu kinh doanh nào trong tương lai của Lei Jun, mà chỉ thưởng cho những đóng góp của ông trong thời gian qua, chủ yếu từ việc đưa Công ty được định giá hơn 50 tỉ USD trong vòng chưa tới 1 thập niên. 

Để biết Lei Jun được ưu ái thế nào, hãy so với tỉ phú Elon Musk của Tesla. Dù được treo thưởng đến 2,6 tỉ USD bằng cổ phiếu trong thập niên tới nhưng Musk phải cam kết đạt được các mục tiêu nhất định. 

Chưa biết đây có phải là hình thức truyền thông cổ phiếu của Xiaomi hay không nhưng Lei Jun thực sự là một cái tên có ảnh hưởng trong giới kinh doanh. Truyền thông Trung Quốc cho biết Lei Jun đã đầu tư vào hơn 18 công ty. Hầu hết trong số này là các công ty công nghệ internet và họ là những nhà cung cấp trong hệ sinh thái Xiaomi.

Cụ thể, Quỹ Venus Thiên Tân, được thành lập bởi Xiaomi và Quỹ Shunwei, đã đầu tư vào Dongli, Yeahmobi, Careland, HaiRun, Egret và Pcase. Thông qua Kingsoft, Cheetah Mobile và Thunder Network, Lei Jun cũng gián tiếp đầu tư vào một số công ty như Zhongtian Kosen, ixinyou, Moxiu, DNS.com, Anqu và Yuechuan Game.

Về phương diện cá nhân, Lei Jun cũng đã đầu tư vào Stead Technology và  Hechuang Technology. Theo Bloomberg, tính đến nay tổng tài sản của Lei Jun là hơn 4 tỉ USD.
Từ bản sao của Apple...

“Tôi không muốn được gọi là Steve Jobs của Trung Quốc”, Lei Jun nói với NCĐT trong chuyến viếng thăm Việt Nam gần đây. Dáng người cao ráo, thư sinh, Lei Jun không khác bao nhiêu so với cách đây 10 năm, khi ông vừa rời Kingsoft và lập nên Xiaomi. Sở dĩ có so sánh giữa Lei Jun và Steve Jobs là do cả hai có nhiều nét tương đồng trong sự nghiệp kinh doanh.

Tương tự  huyền thoại của Apple, Lei Jun từng rời khỏi Kingsoft, công ty này tuột dốc không lâu sau đó và bùng nổ khi ông quay lại. Thời điểm Lei Jun quay trở lại Kingsoft là năm 1997, đây cũng là năm Jobs quay trở lại Apple.Tuy nhiên, Lei Jun chỉ được xem là bản sao hoàn chỉnh của Steve Jobs khi Xiaomi được thành lập vào năm 2010. Trong giai đoạn từ năm 2010-2015, Lei Jun luôn ăn vận giống phong cách của CEO Apple tại các buổi ra mắt sản phẩm mới của Công ty. Chưa hết, các sản phẩm Xiaomi lúc đó có thiết kế rất giống Apple với mức giá chỉ bằng phân nửa. 

Khi những chiếc điện thoại Xiaomi đầu tiên được bán vào năm 2011, Công ty đã nhận được hơn 300.000 đơn đặt hàng trước chỉ trong 34 giờ. Chưa đầy 1 năm sau khi ra mắt, Công ty đã bán được hơn 3 triệu chiếc MI-Ones.

Để có được mức giá cạnh tranh ở Trung Quốc, Lei Jun đã chọn cách bán hàng qua thương mại điện tử. Bằng cách này, Công ty cắt được ít nhất 30% chi phí dành cho các kênh bán lẻ truyền thống từ đó có cơ sở giảm giá thành điện thoại. Bên cạnh đó, do ở thị trường Trung Quốc, Google bị cấm nên các hãng smartphone kiếm được khá tiền từ mảng phần mềm và dịch vụ. Lei Jun hiểu rõ điều này nên áp mức giá sản phẩm cạnh tranh để thu hút khách hàng nhằm tạo lợi thế về quy mô.

CEO ti do cua Xiaomi
 

Quý I/2014, tức 4 năm sau khi thành lập, theo Công ty Nghiên cứu thị trường IDC, Xiaomi đã vượt qua Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone có thị phần lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên mọi chuyện không suôn sẻ với Xiaomi, chỉ một năm sau, công ty này đã gặp trở ngại và phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. 

Từ doanh số mục tiêu 100 triệu smartphone ở Trung Quốc, Xiaomi buộc phải điều chỉnh lại xuống mức 80 triệu đến 100 triệu smartphone. Đồng thời, Công ty cũng để vuột vị trí dẫn đầu thị trường Trung Quốc về tay doanh nghiệp khác. Nguyên nhân, theo IDC, năm 2015 là năm thị trường smartphone Trung Quốc bắt đầu sụt giảm, chỉ tăng trưởng ở mức 1,2%/năm. Đồng thời, áp lực đến từ sự cạnh tranh trực tiếp từ Huawei. 

Thời điểm đó, Huawei tổ chức bán hàng trực tuyến như mô hình Xiaomi để có mức giá cạnh tranh tương tự. Bên cạnh đó, Huawei còn có đóng góp khá lớn từ các dòng sản phẩm cao cấp của hãng, vốn khá được ưa chuộng ở châu Âu. Lợi thế giá rẻ ngày nào của Xiaomi đã trở thành điểm yếu trong cuộc đua với Huawei ở Trung Quốc. Xiaomi không thể tăng doanh số bằng cách bán nhiều điện thoại giá rẻ hơn trong một thị trường mà nhu cầu đã chững lại.

Bên cạnh đó, kế hoạch mở rộng sang các thị trường trọng điểm như Ấn Độ hay Brazil gặp khá nhiều quan ngại khi thương mại điện tử các nước này chưa đạt như Trung Quốc. 

Xiaomi bị cho là phát triển thiếu bền vững và không thể tạo ra dòng tiền ngoài cách gọi vốn của các nhà đầu tư. Chỉ mới hơn12 tháng trước, Công ty được các nhà đầu tư định giá lên đến 45 tỉ USD đã rớt không phanh xuống còn khoảng 3,6 tỉ USD, theo chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Richard Windsor.


... Đến ngôi sao đang lên
Lei Jun sinh năm 1969 tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học máy tính Đại học Vũ Hán năm 1991. Một năm sau ông gia nhập Kingsoft với vai trò kỹ sư và giữ chức CEO năm 1998. Ông là người đã đưa công ty lên sàn chứng khoán vào những năm cuối thập niên 90.

Kingsoft trước khi Lei Jun trở về điều hành chỉ là cái bóng của quá khứ và đang đứng ở bờ vực phá sản. Ông nhanh chóng chuyển tất cả các hoạt động đem lại doanh thu chính cho Công ty sang hướng di động từ trò chơi trực tuyến, phần mềm diệt virus cho đến phần mềm văn phòng. “Con heo cũng có thể biết bay nếu ở trong tâm bão”, Lei Jun viết trên trang Weibo của mình vào tháng 9.2011.

Với Xiaomi, Lei Jun đặt cược vào làn sóng Internet Vạn vật (IoT), một thuật ngữ chỉ thế giới mà tất cả các đồ vật đều kết nối vào internet. BI Intelligence dự đoán năm 2020 sẽ có 34 tỉ thiết bị có khả năng kết nối internet, 10 tỉ trong số đó là các thiết bị gia đình như smartphone, máy tính bảng, đồng hồ thông minh…

Chính vì thế, Công ty mở rộng sang nhiều thiết bị thông minh khác như nồi cơm điện, đồng hồ đeo tay, đồ chơi thông minh… nhưng trung tâm của các thiết bị vẫn là smartphone. Song song đó, Lei Jun đẩy mạnh việc phát triển các hệ thống bán lẻ kết hợp trực tuyến và truyền thống. Tính riêng thị trường Việt Nam, Xiaomi đã mở 8 cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội.

CEO ti do cua Xiaomi
 

Cũng phải nói thêm, sau hơn 1 năm gia nhập thị trường Việt Nam, IDC cho biết Xiaomi đang giữ vị trí thứ 3 về thị phần hồi quý I/2018. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, việc hợp tác với Xiaomi có thể giúp lãi năm 2018 của Digiworld, đơn vị phân phối sản phẩm Xiaomi ở Việt Nam, tăng 15%.

Tính đến tháng 3.2018, Xiaomi đã có khoảng 190 triệu người dùng mỗi tháng trên MIUI, hệ điều hành của Hãng được phát triển dựa trên nền Android.

Tuy nhiên, tham vọng của Lei Jun chưa dừng lại ở đó. Ông vẫn tiếp tục cuộc chiến smartphone giá cạnh tranh bằng cách cam kết lợi nhuận mảng phần cứng (bao gồm smartphone, thiết bị IoT) sẽ có tổng lợi nhuận sau thuế không quá 5%. “Chúng ta khác biệt với tất cả những công ty sản xuất phần cứng khác. Xiaomi còn là một công ty phần mềm và điện thoại thông minh mà tất cả được kết nối vào chung một hệ sinh thái thông minh”, Lei Jun nhấn mạnh trong thư gửi nhân viên.

Công ty Nghiên cứu thị trường Strategy Analytics đã đưa ra dự báo rằng với tốc độ tăng trưởng hiện nay, Xiaomi có thể vượt qua Oppo, Huawei và Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới trong năm nay. 
Có lẽ đây là lý do các cổ đông Xiaomi không tiếc số tiền thưởng khổng lồ cho vị CEO 49 tuổi của họ,


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới