Hủy

Chỉ tốt nghiệp tiểu học, trở thành tỷ phú nhờ gia công giày cho Nike

Thứ Tư | 13/09/2017 18:00

Bloomberg

Tập đoàn Taekwang của Park Yen-cha hiện đang gia công 12% tổng số giày Nike được bán ra trên toàn cầu.
 

Năm nay 71 tuổi, doanh nhân người Hàn Quốc Park Yen-cha đã xây dựng nên một đế chế với hơn 70.000 nhân viên chuyên gia công giày cho Nike. Tập đoàn Taekwang Industrial của ông đã gia công cho Nike từ cuối những năm 1980. Năm ngoái, 12% tổng số giày Nike được bán ra trên toàn cầu là được gia công tại các nhà máy của Taekwang ở Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.

Chi tot nghiep tieu hoc, tro thanh ty phu nho gia cong giay cho Nike
Park Yen-cha vào năm 2014. Ảnh: Yonhap

Theo đánh giá của Bloomberg Billionaires Index, gia tài của Park hiện là 1,3 tỷ USD, chủ yếu dựa vào định giá của Taekwang. Park và các con của ông sở hữu 98,4% cổ phần của Taekwang. Ngoài ra, gia đình Park còn nắm cổ phần lớn trong công ty sản xuất ống nhựa Jeongsan Aikang và công ty hóa chất Huchems Fine Chemical.

Hiện Park đang chuyển hướng kinh doanh sang mô hình tập đoàn đa ngành, đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất điện và phân bón, và có thể là cả một công ty chuyên khai thác cảng.

Con đường trở thành tỷ phú của Park cũng có không ít gian truân. Một thập kỷ trước, ông đã là trung tâm của một vụ scandal tham nhũng lên đến hàng triệu USD. Việc này đã liên quan đến hàng chục chính trị gia Hàn Quốc, trong đó có cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, người tự sát hồi năm 2009 sau khi bị cáo buộc rằng các thành viên trong gia đình ông đã nhận hối lộ hàng triệu USD từ Park. Tới năm 2011, Park Yen-cha đã bị kết án 30 tháng tù vì tội trốn thuế và hối lộ.

Nhiều tỷ phú Hàn Quốc khác cũng từng dính vào vòng tù tội: Chung Mong-koo của Hyundai Motor, Chey Tae-won của SK và Lee Kun-hee của Samsung đều bị kết án tù vì tội hối lộ, trốn thuế hoặc biển thủ, trong đó bản án của Chung và Lee đã bị đình chỉ. Cả 3 người này đều được các vị tổng thống Hàn Quốc ân xá. Tháng 8 vừa qua, lại tới lượt Jay Y. Lee, phó chủ tịch của Samsung Electronics, bị phạt tù vì tội hối lộ.

Hành trình trở thành tỷ phú

Sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo, sự nghiệp học vấn của Park chỉ có duy nhất tấm bằng tốt nghiệp tiểu học. Trong một xã hội như Hàn Quốc, nơi mà nền tảng gia đình và các mạng lưới cựu học sinh là yếu tố rất quan trọng để đạt được thành công, Park đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng mối quan hệ với những người có quyền lực.

Được thành lập vào năm 1971, Taekwang là một trong số hàng trăm công ty gia công giày dép đã góp phần biến thành phố Busan ở phía Nam Hàn Quốc trở thành thủ đô giày thể thao của thế giới trong các thập niên 1970 và 1980. Khi đó, các thương hiệu lớn như Nike, Adidas và Reebok đã đổ xô tới các nhà máy tại Hàn Quốc bởi nguồn lao động dồi dào giá rẻ và năng suất cao.

Michael Ku, cựu phó chủ tịch của Taekwang, cho biết: "Taekwang không phải là một cái tên lớn ngay từ đầu. Nhưng công ty đã nhanh chóng áp dụng mô hình sản xuất có hỗ trợ của máy tính (CAM), và chuyển chiến lược từ lấy lao động làm trung tâm sang lấy công nghệ làm trung tâm. Ví dụ, khuôn giày được sản xuất bằng tay không thể đủ độ chi tiết, do đó công nghệ sản xuất có hỗ trợ của máy tính đã giúp tạo ra các đường cong 3D".

Mối quan hệ vững chắc của Taekwang với Nike là chìa khóa dẫn đến sự tồn tại của công ty, khi ngành gia công giày của Hàn Quốc thoái trào vào cuối những năm 1980. Khi đó, các thương hiệu lớn lại tìm sang các nước có mức lương thấp hơn, buộc nhiều công ty gia công phải đóng cửa. Taekwang đã thành lập công ty con Taekwang Vina tại Việt Nam, và tới năm 1995 thì công ty này trở thành một trong năm nhà thầu của Nike tại Việt Nam. 

Vào cuối những năm 1990, Taekwang đã bị điều tra sau khi xuất hiện các cáo buộc về không bảo đảm an toàn lao động ở Việt Nam. Một cuộc kiểm tra của Ernst & Young cho thấy các công nhân tại nhà máy Taekwang gần TPHCM phải tiếp xúc với nhiều chất độc hại nguy hiểm. Các cuộc biểu tình và vận động tẩy chay sau đó đã khiến Nike thông báo việc phải loại bỏ các chất độc như vậy tại những cơ sở của các nhà thầu phụ.

Theo một phát ngôn viên của Nike cho biết, hiện tại tất cả các nhà máy Taekwang đều tuân thủ các quy định của Nike. Phía Taekwang thì từ chối bình luận về vấn đề này.

Ngày nay, 2 nhà máy của Taekwang tại Việt Nam đóng góp gần 71% sản lượng của cả công ty. Taekwang hiện đang xây dựng một nhà máy thứ ba ở Cần Thơ để tăng nguồn cung cho Nike thêm đến 15%.

Trong giai đoạn Park phải ngồi tù, Taekwang đã thuê các nhà quản lý chuyên nghiệp để điều hành công ty, nhưng Park vẫn đưa ra các quyết định kinh doanh quan trọng khi các lãnh đạo Taekwang thăm ông ở nhà tù. Và doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng hơn 20% mỗi năm trong thời gian Park ngồi sau song sắt.

Sau khi được ra tù năm 2014, Park đã trở lại vị trí lãnh đạo của Taekwang. Trong số 4 người con của ông, chỉ có một người con trai duy nhất năm nay ngoài 30 tuổi hiện đang giữ vai trò quản lý tại công ty. Người này cũng được xem là "thái tử" sẽ kế nghiệp Park.

Doanh thu của Taekwang trong năm 2016 đã tăng 14,5% so với 2015, và gần gấp đôi so với năm 2011.

Ngoài hoạt động gia công giày, Taekwang cũng đang chuyển hướng sang các mảng kinh doanh mới. Vào tháng 7, công ty đã được cấp phép xây dựng một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW tại Nam Định, với trị giá 2,3 tỷ USD. Mang tên Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, nhà máy này sẽ hoàn tất vào năm 2022, và cho phép Taekwang bán điện cho nhà nước Việt Nam trong vòng 25 năm.

Ngoài ra, hồi tháng 7 năm ngoái Taekwang cũng đã cho khởi công một nhà máy phân bón NPK tại khu công nghiệp Hiệp Phước (TPHCM), với trị giá 60 triệu USD và công suất thiết kế 360.000 tấn/năm. 

Lê Trang

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới