Hủy

Cho thuê đồ chơi, lợi cả đôi đường

Thứ Ba | 07/05/2013 14:56

Nếu bạn bỏ ra 5 triệu đồng để mua cho con một món đồ chơi hàng hiệu nhưng chỉ chơi được vài bữa con bạn đã chán và muốn quăng món đồ đó đi, bạn có thấy tiếc tiền không? Dịch vụ cho thuê đồ chơi khi đó sẽ là giải pháp hữu ích giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi tiêu.
 

“Hôm trước đưa con đi mua cái xe đạp, con bé nhìn thấy bộ đồ nghề nấu bếp liền mê mẩn đòi bóc ra xem. Thấy con bé khóc lóc ỉ ôi khi bị mẹ kéo đi về, không cầm lòng, mình móc 2 triệu trong túi mua cho con. Thế mà về nhà chơi được khoảng 1 tuần bé đã chán và chẳng thèm màng tới món đồ chơi đắt tiền đó nữa”, chị Phượng, Q.7 tâm sự.

Trẻ con thì thường “cả thèm chóng chán”, ăn có thể không muốn nhưng chơi thì chẳng muốn bỏ sót trò nào. Đồ chơi cho bé cũng muôn màu muôn vẻ. Đồ rẻ tiền thì thường là đồ chơi Trung Quốc, vừa chóng hỏng lại không an toàn. Những đồ chơi bền đẹp, an toàn, sáng tạo thì giá lại cao, không phải người nào cũng có sẵn mua cho con.

Nắm bắt tâm lí này, nhiều người đã mở cửa hàng bán và cho thuê đồ chơi. Dịch vụ này vừa mang lại khoản thu nhập không nhỏ cho chủ cửa hàng vừa giúp các bậc phụ huynh tiết kiệm được một khoản chi tiêu. Tất nhiên vốn đầu tư cho cửa hàng loại này không hề rẻ, bởi đồ chơi xịn thường là đồ chơi ngoại nhập, giá luôn lên tới tiền triệu. Muốn hấp dẫn khách nhí thì cửa hàng phải nhập nhiều loại, mẫu mã đa dạng. Tính ra một cửa hàng cho thuê đồ chơi cũng có giá cả mấy trăm triệu đồng, tùy quy mô.

Trong khi đó, tiền thuê 1 món đồ chơi thường dao động trong khoảng 10-30% tổng giá trị món đồ. Chẳng hạn, một chiếc ghế tập đi của Jumperoo Fisher Price giá 3,4 triệu đồng, nhưng bé tập đi chỉ khoảng vài ba tháng, nếu các bậc phụ huynh thuê trong khoảng thời gian này chỉ mất khoảng 1,2 triệu đồng. Khi bé đã đi vững, cha mẹ lại hoàn trả về “kho đồ chơi” để người khác sử dụng, cửa hàng sẽ hoàn lại số tiền còn dư.

Điểm bất cập của dịch vụ này có lẽ là khoản tiền đặt cọc bởi các cửa hàng cho thuê đồ chơi đều yêu cầu khách thuê phải đặt cọc 100% giá trị món hàng. Sau mỗi tháng, hoặc mỗi tuần, cửa hàng sẽ trừ đi tiền thuê. Khi cha mẹ đem trả món hàng, cửa hàng sẽ hoàn lại số tiền còn dư sau khi đã trừ tiền thuê. Như vậy, nếu bé nhà bạn mê mẩn 1 lúc vài món hàng đắt tiền thì số tiền bạn bỏ ra đặt cọc chắc chắn cũng không dưới 10 triệu đồng.

Nếu đồ chơi bị hư hỏng, tùy mức độ nhẹ hay nặng, cửa hàng sẽ yêu cầu phụ huynh phải đền bù. Tuy nhiên, tỉ lệ này rất ít, bởi thông thường đồ chơi ngoại nhập chất lượng cao rất bền và phải hư hỏng tính năng hay bộ phận quan trọng thì cửa hàng mới bắt đền. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần phải hướng dẫn bé kĩ lưỡng và giám sát bé chơi, tránh tình trạng các bé quá hiếu động, thích đập phá đồ. Khi đó, số tiền đặt cọc đắt đỏ chắc chắn sẽ không cánh mà bay luôn.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng cho thuê đồ chơi Tin Tin trên đường Bùi Thị Xuân, Q. Tân Bình cho biết, từ khi mở cửa hàng đến nay, số lượng khách đến cửa hàng chị không ngừng gia tăng. Không ít trường hợp các bé sau thời gian chơi thử thì ghiền luôn món đồ chơi và nhất định không chịu trả nên cha mẹ đành móc hầu bao mua luôn cho con.

Cũng có trường hợp, cha mẹ đi mua đồ chơi nhưng không dẫn con đi cùng nên không biết “gu” của con như thế nào nên mua phải món đồ con không thích. Khi đó vừa mất công đi đổi món khác vừa mất tiền thuê.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới