Hủy

Cổng Sen, Cầu Nhật

Phương Quyên Thứ Năm | 02/01/2020 09:41

Ảnh: TL.

Lotus trở thành cánh tay nối dài của hàng loạt tập đoàn hàng đầu tại Nhật...
 

Doanh thu đạt hơn 70 triệu USD, hơn 2.000 nhân viên với hơn 10 công ty xuất nhập khẩu, phân phối sản phẩm từ Nhật, tham vọng của nữ tướng Lotus vẫn chưa dừng lại...

Chữ tín nền tảng 

“Nếu không có sự động viên, thậm chí là hỗ trợ tài chính từ đối tác, có lẽ, tôi cũng không đủ can đảm để thành lập doanh nghiệp chứ đừng nói ước mơ dựng cả tập đoàn“, bà Lê Vân Mây, Chủ tịch kiêm CEO, chia sẻ về giai đoạn khởi nghiệp Lotus Food Group. Những ngày cuối năm, bộn bề với công việc nhưng sự nhẹ nhàng, điềm đạm vẫn thường trực nơi bà. “Có lẽ, làm ăn với người Nhật, say mê văn hóa, ẩm thực Nhật đã khiến phong thái của tôi phần nào có chất Nhật”, bà nói vui. Nhưng cũng chính điều này giúp bà gần hơn với những đối tác của mình.

 

Ngày đó, khi quyết định rời vị trí trợ lý Giám đốc một công ty con của Tập đoàn Nisshoiwai, tiền thân của Sojitz bây giờ, cô gái Lê Vân Mây nghĩ, mình sẽ tập trung cho vai trò làm mẹ, sau mới tính đến sự nghiệp. Vậy mà, những đối tác từ đất nước mặt trời mọc, nay đã thành những người bạn thân thiết, không ngừng liên lạc cho những kết nối kinh doanh. Theo bà Mây, người Nhật trọng chữ tín. Trong kinh doanh, những ai đã gây dựng và gìn giữ uy tín sẽ được họ trân trọng mãi. Trước những cơ hội mà đối tác mang đến, suy xét cẩn thận khả năng của mình, bà quyết định dấn thân.

Năm 1997, mảng kinh doanh đầu tiên, tiền thân của Lotus ra đời và đã tự tin chinh phục người tiêu dùng Nhật. Hơn 20 năm sau, Lotus đã vươn vai, trở thành tập đoàn chuyên ngành chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống, xuất nhập khẩu, phân phối sản phẩm... Nhưng với bà Lê Vân Mây, đó không phải là kinh doanh giỏi. “Tôi kinh doanh bằng tấm lòng và tình yêu thương trên cả chiến lược hay thị trường”, bà chia sẻ.

Yêu thương, theo bà Mây, là xuất phát điểm vô cùng quan trọng trong kinh doanh. Như việc nhìn con mình không thoải mái với chiếc tã, tìm thấy sản phẩm phù hợp với con, mang lại cho con giấc ngủ ngon cả đêm, bà nghĩ ngay đến việc mang sản phẩm này đến với người dùng trong nước. Khó khăn không ít trong dự án này, bởi giá tã Nhật không rẻ mà ngân sách quảng bá sản phẩm thì rất thấp. Vậy mà bà vẫn kiên trì bởi tin rằng một sản phẩm phù hợp với con mình thì cũng sẽ cần thiết cho trẻ em khác.

 

Tương tự, khi được thưởng thức món mì của Marukame Udon, nhìn thấy dây chuyền chế biến tinh sạch của họ, bà lại ước mơ mang chuỗi cửa hàng này về Việt Nam. Liên doanh thành công với Toridoll, Marukame Udon trở thành thương hiệu đắt khách với số cửa hàng hiện nay đã là con số 11. Lotus đang dự kiến nhân bản mô hình này thông qua chuỗi nhà hàng cà ri với CocoIchibanya. Bà khẳng định: “Chỉ cần làm mọi việc từ việc biết điều đó tốt cho mọi người, rồi lợi nhuận sẽ đến. Có thể sẽ chậm nhưng tôi tin là sẽ tới”.

Làm bạn với "ông trùm" 

Bạn bè bảo Lê Vân Mây là người kinh doanh lãng mạn nhưng giới doanh nhân Nhật gọi Lotus Food Group là cổng kết nối thị trường Nhật - Việt. Những tập đoàn tiêu dùng lớn tại Nhật như Morinaga Milk, Daio Paper, Toridoll... đều chọn Lotus làm đại diện phân phối chính thức của mình tại thị trường Việt Nam. Mới đây nhất, Lotus Food Group hợp tác với Matsumoto Kiyoshi Holdings phát triển chuỗi cửa hàng dược mỹ phẩm chuẩn Nhật tại thị trường Việt Nam.

Dự kiến cửa hàng flagship Matsumoto Kiyoshi đầu tiên tại Việt Nam sẽ ra mắt vào cuối tháng 3.2020 và sẽ có 10-15 cửa hàng chuẩn Nhật tương tự xuất hiện trong 3-5 năm tới. Theo dữ liệu từ Mintel (Anh), thị trường mỹ phẩm của Việt Nam trị giá khoảng 2,3 tỉ USD tính đến cuối năm 2018 nhưng chủ yếu hoạt động theo mô hình bán lẻ truyền thống. Điều này tạo dư địa cho các mô hình kinh doanh hiện đại. Trong đó, các sản phẩm từ Nhật có nhiều cơ hội, khi chiếm 17% doanh số bán mỹ phẩm ngoại tại Việt Nam, đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và EU.

 

“Từ lâu, người Việt Nam đã rất thiện cảm với hàng hóa xuất xứ từ Nhật, đặc biệt là sản phẩm sức khỏe và làm đẹp. Nhiều khách Việt Nam đến du lịch tại đất nước mặt trời mọc đều mua về mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng, để sử dụng hoặc làm quà tặng”, bà Mây chia sẻ. Trong bối cảnh thu nhập đầu người Việt Nam còn thấp, khoảng 2.200USD nhưng sẽ tăng lên 3.000USD, mức mà nhu cầu mua sắm sẽ tăng lên cao, kết hợp cùng chuỗi bán lẻ dược - mỹ phẩm dẫn đầu thị trường Nhật là Matsumoto Kiyoshi, Lotus tin sẽ thành công bởi thị trường quá nhiều thuận lợi với người dân trẻ và năng động, hiện đại, sẵn sàng tiếp nhận cái mới.

Dùng hơn 20 năm tuổi trẻ của mình xây dựng Lotus Food Group từ một xưởng nhỏ lên một tập đoàn có hơn 2.000 nhân viên, bà Mây bảo, mình gần như không gặp khó khăn trong công tác quản trị bởi mọi quyết định, mọi hoạt động đều dựa trên triết lý mà bà gọi đó là Happy Lotus.

Trong đó, quan niệm công ty là của mọi người. Ngoài vấn đề kỷ luật, Công ty là một gia đình lớn, nếu nhân viên đi làm trong trạng thái vui thích, họ sẽ tạo ra sản phẩm tốt, kết quả tốt. Vì vậy, hạnh phúc của nhân viên là điều quan trọng nhất. “Tôi sẵn sàng lắng nghe chứ không áp đặt, nhân viên của tôi có quyền sửa đổi ý kiến lãnh đạo miễn sao công việc đạt kết quả tốt nhất”, bà khẳng định.

►Mạng xã hội Lotus có gì đặc biệt?

►Lời giải nào cho bài toán cạnh tranh của mạng xã hội "made in Vietnam"


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới