Hủy

Làm sao để chinh phục niềm tin của đối tác lẫn đối thủ?

Thứ Sáu | 05/06/2015 15:00

Cựu Thượng Nghị sĩ Mỹ George Mitchell chia sẻ kinh nghiệm về đàm phán giải quyết mâu thuẫn và xử lý xung đột.
 

Ở tuổi 82, George Mitchell là một trong những chính trị gia kỳ cựu và được nể trọng nhất nước Mỹ, với thành tích nổi bật nhất là được tổng thống Bill Clinton chỉ định làm đặc phái viên đàm phán hòa bình cho vùng Bắc Ireland. Dựa theo bản quy tắc Mitchell đặt theo tên ông, vùng Bắc Ireland đã đạt được hòa bình vào năm 1998, sau nhiều thập kỷ dài đầy hỗn loạn. Gần đây, ông cũng từng được tổng thống Barack Obama chỉ định làm đặc phái viên đàm phán hòa bình cho khu vực Trung Đông, với mục tiêu là làm trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine.

Không chỉ thành công trên chính trường, ông Mitchell cũng là một nhân vật quan trọng trong giới doanh nghiệp Mỹ. Ông từng nắm giữ cương vị Chủ tịch tập đoàn giải trí Walt Disney và sau đó là công ty luật DLA Piper, cũng như tham gia vào hội đồng quản trị của một loạt tên tuổi lớn khác như FedEx, Unilever, Starwood...

Hiểu rõ đối tác đàm phán và đừng bao giờ bỏ cuộc

Với bề dày kinh nghiệm làm trung gian hòa giải cho những cuộc xung đột nóng bỏng nhất thế giới, Mitchell cho rằng điều đầu tiên cần làm khi đàm phán là phải hiểu rõ được lịch sử mối quan hệ giữa các bên, và sau đó là biết được mục tiêu sau cùng của mỗi bên là gì. Điều quan trọng tiếp theo là phải biết kiên nhẫn: "Bạn có thể sẽ bị từ chối 1 lần, 2 lần hay 10 lần, nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc".

Theo Mitchell, thách thức lớn nhất trong quá trình đàm phán là học cách làm cho đối phương biết lắng nghe ý kiến của mình: "Bộ não con người bẩm sinh là luôn ưu tiên tiếp nhận những điều phù hợp với niềm tin có sẵn, và rất hẹp hòi đối với những gì trái ngược lại. Vì vậy, nếu muốn được phía bên kia lắng nghe, thì phải sẵn sàng chịu khó và cực kỳ kiên nhẫn."

Ông Mitchell (ngoài cùng bên phải) cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (ngoài cùng bên trái), và Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas (thứ hai từ phải qua) - Nguồn: Boston Globe
Ông Mitchell (ngoài cùng bên phải) cùng cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (ngoài cùng bên trái), và Thủ tướng Palestine Mahmoud Abbas (thứ hai từ phải qua) - Nguồn: Boston Globe

Cởi mở và tôn trọng đối thủ

Khi Mitchell lên làm lãnh đạo phía Dân chủ ở Thượng viện Mỹ, đối thủ chính của ông khi đó là Thượng Nghị sĩ Bob Dole, lãnh đạo của phía Cộng hòa. Ngay sau khi trở thành lãnh đạo, Mitchell đã đến gặp Dole và nói: "Thượng viện không thể nào hoạt động nếu lãnh đạo 2 bên không tin tưởng được lẫn nhau, vì vậy hôm nay tôi đến gặp ông để trao đổi về các quy tắc hành xử giữa chúng ta".

Theo đó, Mitchell đã vạch ra bộ quy tắc như sau: không tấn công trực tiếp cá nhân lẫn nhau, sẵn sàng trả lời các thắc mắc của nhau và cuối cùng là luôn luôn giữ các lời hứa giữa 2 bên. Bob Dole đã vui vẻ đồng ý với các quy tắc này, và từ đó cho tới nay họ vẫn là bạn tốt của nhau, bất chấp việc nhiều lần đối đầu đầy căng thẳng tại Thượng viện. Tới năm 2007, hai người còn cùng nhau thành lập Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) nhằm tư vấn về chính sách công cho Chính phủ Mỹ.

2 cựu Thượng Nghị sĩ George Mitchell (trái) và Bob Dole (phải): Từ đối thủ hóa bạn bè - Nguồn: AP
2 cựu Thượng Nghị sĩ George Mitchell (trái) và Bob Dole (phải): Từ đối thủ hóa bạn bè
- Nguồn: AP

Nói về mối quan hệ đặc biệt giữa ông và Bob Dole, Mitchell cho biết: "Chúng tôi liên tục bất đồng với nhau hàng ngày và làm tất cả mọi điều có thể để phục vụ cho đảng của mình, nhưng chúng tôi cũng biết rằng cả hai đều có chung một lý tưởng cao hơn, đó là phục vụ cho Tổ quốc. Bạn cần phải biết tôn trọng chính đối thủ của mình để có thể tiếp thu được quan điểm của họ, nếu không bạn sẽ dễ dàng phớt lờ đi những ý kiến trái nghịch và tự cho rằng chỉ mình mới có câu trả lời đúng".

Tuấn Minh

Nguồn Harvard Business Review


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới