Hủy

Nhân lực du lịch: Yếu đến bao giờ?

Thứ Hai | 18/01/2016 12:30

Nếu chậm cải cách, nguy cơ nhân lực Việt sẽ thua trận ngay trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra.
 

Bất chấp phải đối mặt với nhiều cam go, ngành du lịch Việt Nam vẫn có một năm hoạt động khả quan. Theo Tổng cục Du lịch, doanh thu toàn ngành trong năm 2015 đã lên đến hơn 337.000 tỉ đồng (15,3 tỉ USD). Đây là một con số khá lớn khi so sánh với những lĩnh vực chủ chốt khác. Tổng doanh thu từ khai khác dầu mỏ trong năm qua của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng chỉ dừng lại ở mức 560.000 tỉ đồng. Rõ ràng, tiềm năng ngành công nghiệp “không khói” là không phải bàn cãi.

Chính vì lẽ đó, đầu tư vào ngành du lịch khách sạn cũng đang trở thành một xu thế nóng ở Việt Nam trong những năm qua. Trải dài từ Bắc đến Nam, các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã liên tục mở nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu hay Phú Quốc. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn về hàng không, đường cao tốc, cảng biển... cũng góp phần đưa khách du lịch đến các địa điểm này thuận lợi hơn.

Mặc dù vậy, vẫn còn những rào cản đáng kể khiến các doanh nghiệp phải đau đầu. “Công tác quản lý và huấn luyện đội ngũ nhân viên, yếu tố rất quan trọng mang đến thành công trong ngành, vẫn chưa được nhiều chủ đầu tư quan tâm đúng mức”, ông Patrice Landrein, chuyên gia tư vấn của Công ty BCA Asia chia sẻ. Đó cũng là một lý do khiến tỉ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6%.

Quả thật, nếu những yếu tố “cứng” nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng... đã được các doanh nghiệp trong nước khắc phục phần nào, yếu tố “mềm” là con người vẫn là bài toán không dễ giải quyết trong nay mai. Hiện cả nước có khoảng 700.000 người làm việc trong ngành du lịch. Dự kiến đến năm 2030, con số này sẽ lên tới 870.000 người.

Kinh doanh du lịch thật sự là nghề khó. Bởi đó là một ngành vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật, sử dụng con người để giao tiếp với con người. Người phục vụ trong ngành du lịch không chỉ cần có kỹ năng chuyên môn giỏi, yêu nghề, am hiểu ý muốn của khách hàng, khéo léo trong giao tiếp, mà còn phải sở hữu trình độ ngoại ngữ đủ tốt để có thể phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều.

Trong bối cảnh đó, số lượng các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo du lịch khách sạn ở Việt Nam cũng không ít. Nhưng vì sao chất lượng đầu ra vẫn chưa đạt yêu cầu?

“Đào tạo của chúng ta là đào tạo hoàn toàn lý thuyết, không gắn kết được với cơ sở kinh doanh du lịch. Vì vậy không có điều kiện để các em sinh viên du lịch thực tập. Thực tế, 70-80% nội dung chương trình phải là đào tạo thực tiễn và thực tập trong cơ sở thực tế thì mới có thể trưởng thành”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, giải thích.

Đó cũng là lý do buộc các doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian, công sức để đào tạo đội ngũ sinh viên mới ra trường, khiến chi phí hoạt động tăng lên đáng kể.

“Có điều kiện thì các trường sẽ liên kết với khách sạn có sao có hạng để cho sinh viên thực tập. Còn không, họ sẽ liên kết với những đơn vị nhỏ lẻ, dẫn đến chất lượng đào tạo không ổn định. Chính vì không có cơ sở thực tập nên tôi có thể nói 90% sinh viên ra trường có kỹ năng tác nghiệp bằng 0”, ông Bùi Tiến Đạt, Giám đốc Nhân sự Khách sạn Caravelle, chia sẻ.

Nhan luc du lich: Yeu den bao gio?
Nguồn thu từ du lịch qua các năm

Nếu chậm cải cách, nguy cơ nhân lực Việt sẽ thua trận ngay trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra. Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015 đã cho phép nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ tiếng Anh vượt trội từ Singapore, Philippines, Thái Lan hay Malaysia sang tìm kiếm cơ hội việc làm tại Việt Nam dễ dàng hơn trước. “Tôi nghĩ giới trẻ Việt Nam sẽ không thấy dễ chịu gì khi vào làm việc mà đội ngũ quản lý lại toàn là người Philippines”, ông Frank Bochmann, Tổng Giám đốc Khách sạn Le Meridien, vẽ lên một viễn cảnh không mấy sáng sủa.

Dù vậy, để đối phó với thách thức mới và không ngồi đợi những thay đổi lớn từ hệ thống đào tạo chính quy, một số doanh nghiệp trong ngành du lịch đã chủ động thực hiện những bước đi của riêng mình. Mới đây, tập đoàn bất động sản Imperial Group đã thành lập trường The Imperial International Hotel School để đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, với mục tiêu không chỉ sử dụng họ trong hệ thống mà còn cung cấp cho các khách sạn khác.

Để làm được điều này, bên cạnh hợp tác về mặt nội dung và cách thức đào tạo với một trường đại học chuyên về quản lý khách sạn và du lịch ở Mỹ, Imperial International Hotel School còn sử dụng toàn bộ hệ thống khách sạn 5 sao của họ tại Vũng Tàu để học viên có cơ hội họp tập thực tế. Mô hình kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn được xem là có triển vọng lớn để mang lại hiệu quả.

Còn ở Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, đơn vị đang sở hữu 17.000 nhân viên cùng với một hệ thống khách sạn rộng lớn, nhiều chương trình đào tạo, thực hành trong và ngoài nước đang được tổ chức đều đặn mỗi năm nhằm giúp nhân viên tiếp cận những chuẩn mực mới về du lịch.

Ðó chắc chắn là những tín hiệu tích cực. Nhưng đây vẫn là các giải pháp mang tính đơn lẻ, cục bộ và chưa mang tính đồng bộ cao. Ngành du lịch Việt Nam vẫn thật sự cần một chiến lược cải cách mang tính toàn diện từ phía các nhà hoạch định để định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Việt Nam đã đề ra chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó chỉ ra những vướng mắc cần giải quyết như đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm mới có chất lượng cao, quảng bá tiếp thị hiệu quả đến quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực. Kế hoạch đã có, giờ chính là thời điểm cùng bắt tay hành động.

Sơn Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới