Hủy

Thiệt hại vì không có bảo hiểm: Mất bò mới lo làm chuồng!

Thứ Ba | 22/09/2015 13:00

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chịu dùng bảo hiểm cháy nổ hay bảo hiểm tỉ giá, bất chấp nguy cơ rủi ro luôn bao vây thường trực?
 

Tháng 9 năm ngoái, vụ cháy chợ Trung tâm Thương mại Hải Dương đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, lên tới 500 tỉ đồng. Do tin báo chậm trễ, đường vào chợ chật hẹp, thiếu thiết bị chữa cháy nên toàn bộ hàng hóa của tiểu thương bị thiêu rụi. Mất trắng tài sản, không ít tiểu thương tỏ ra tiếc nuối vì đã không tham gia bảo hiểm cháy nổ.

Theo quy định, bảo hiểm cháy nổ là loại bảo hiểm mà các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải mua cùng với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Tuy nhiên, thống kê từ cơ quan chức năng cho hay, trong hơn 480.000 doanh nghiệp dùng mã số thuế giao dịch với cơ quan thuế và hải quan, con số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội chiếm chưa tới một nửa. Đối với bảo hiểm cháy nổ, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, từng cho biết: “Số lượng tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia còn thấp”.

Bảo hiểm bắt buộc còn bị thoái thác nên việc doanh nghiệp và người dân Việt Nam kém mặn mà với bảo hiểm tự nguyện cũng là điều dễ hiểu. Theo công bố từ các công ty bảo hiểm, chỉ khoảng 10% người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Điều này khác xa với các nước phát triển, nơi mà 90% người dân sẵn sàng chi trả cho các khoản dự phòng rủi ro, bất trắc trong tương lai. Luật Mỹ còn bắt buộc tất cả mọi người, dù là công dân Mỹ hay người ngoại quốc, đều phải mua bảo hiểm sức khỏe, nếu không sẽ bị phạt tiền. Những người sở hữu xe, nhà thì bắt buộc mua bảo hiểm xe, bảo hiểm cháy nhà. Nhà gần sông còn buộc phải mua thêm bảo hiểm lũ lụt. Người già ngoài 70 tuổi phải mua bảo hiểm hỏa thiêu...

Đối với những công cụ phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh như sản phẩm phái sinh để bảo hiểm tỉ giá, người Mỹ cũng thực hiện nghiêm túc hơn. 12 năm trước, một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Wharton đã chỉ ra, 40% doanh nghiệp Mỹ sử dụng các giao dịch phái sinh tiền tệ với mục đích chủ yếu phòng ngừa rủi ro hối đoái. Việt Nam, trái lại, hiện vẫn có hơn 90% doanh nghiệp nhập khẩu không sử dụng công cụ bảo hiểm tỉ giá. Những doanh nghiệp sử dụng công cụ phòng ngừa tỉ giá đa phần là tập đoàn đa quốc gia. Vì thế, khi tỉ giá biến động, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lập tức bị ảnh hưởng. Chi phí 10 tấn hàng của Công ty Việt Thắng chỉ sau một đêm thay đổi tỉ giá đã bị tăng thêm 10 tỉ đồng. Nặng nề hơn, ông Vũ Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex cho rằng, sau 3 lần tăng tỉ giá kể từ đầu năm nay, Công ty đã thiệt hại từ 60-70 tỉ đồng.

Thiệt hại đã thấy, nhưng tâm lý chung của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng sử dụng sản phẩm phái sinh như giao dịch kỳ hạn, hoán đổi ngoại hối... để ngăn ngừa rủi ro tỉ giá. Lý do được ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Công ty May Hưng Yên, nêu ra là vì phí cho bảo hiểm tỉ giá còn cao. Ông Benny Cheung, Giám đốc Phòng kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam, phân tích, trong điều kiện bình thường, khi Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá chỉ biến động khoảng 2% và giá hợp đồng kỳ hạn thường dựa vào chênh lệch lãi suất giữa USD và VND (khoảng 3-4%/năm), thì các doanh nghiệp có xu hướng không sử dụng công cụ bảo hiểm rủi ro tỉ giá.

Cùng đó, từ năm 2012 đến đầu năm nay, tỉ giá VND/USD được duy trì ổn định trong thời gian dài tạo tâm lý chủ quan, ỷ lại ở một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không có động lực sử dụng sản phẩm phòng chống rủi ro tỉ giá. Những công ty chuyên về xuất khẩu, có nguồn thu ngoại tệ chủ động như dệt may, gỗ... lại càng không có nhu cầu này.

Sự thờ ơ của các doanh nghiệp Việt Nam trong sử dụng công cụ phòng  ngừa rủi ro tỉ giá trái ngược với Malaysia, nơi có 50% doanh nghiệp nhập khẩu triển khai bảo hiểm rủi ro tỉ giá; hay Trung Quốc với 40% số doanh nghiệp tiến hành bảo hiểm rủi ro tỉ giá cho các khoản thanh toán quốc tế.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi. Ông Benny Cheung nhấn mạnh, diễn biến tỉ giá trong tháng 8 vừa qua đã cho thấy, tỉ giá có thể biến động 2-3% trong thời gian rất ngắn và tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chuyên gia tài chính, ngân hàng  Nguyễn Trí Hiếu lưu ý các doanh nghiệp về tình trạng khan hiếm USD xảy ra trong những thời điểm biến động tỉ giá. Khi đó, nếu ngân hàng không thể đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ, doanh nghiệp phải tìm đến thị trường chợ đen với tỉ giá cao hơn rất nhiều so với tỉ giá niêm yết ở ngân hàng. Ngoài ra, việc sử dụng công cụ bảo hiểm tỉ giá có thể giúp doanh nghiệp chủ động tính toán và chuyển một phần rủi ro tỉ giá sang cho khách hàng thông qua giá.

Thực tế, việc đợi nước đến chân mới nhảy thường đặt doanh nghiệp vào thế bị động và phải chịu mức phí cao hơn. Ông Benny Cheung nêu rõ, khi thị trường biến động mạnh, chi phí để doanh nghiệp tham gia vào các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro dài hạn như hoán đổi tiền tệ chéo, hoán đổi lãi suất... sẽ tăng rất cao so với lúc thị trường còn ổn định.

Biết thế nhưng ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt từng tính toán thấy, chi phí phòng ngừa rủi ro tỉ giá cao không kém mức trích lập dự phòng. Trong khi đó, điều kiện kinh doanh còn nhiều khó khăn buộc các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí ở mức tối đa.

Ngoài nỗi lo về phí, ở những sản phẩm bảo hiểm khác, nghiên cứu thị trường từ Cimigo (tháng 7.2012) cho thấy, chất lượng dịch vụ bồi thường chính là yếu tố then chốt nhất để khách hàng quyết định mua hay không mua bảo hiểm. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, các công ty bảo hiểm gây khó khăn trong giải quyết bồi thường, khiến khách hàng mất lòng tin. Đơn cử, với lý do Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất chậm thanh toán phí, công ty bảo hiểm đã từ chối bồi thường cho con tàu bị nạn vẫn còn trong thời hạn hợp đồng. Doanh nghiệp đã đưa đơn ra tòa và sau hơn 2 năm dùng dằng, vụ việc mới được dàn xếp theo hướng, 2 bên ngồi lại thống nhất mức bồi thường.

Mức phạt hành chính còn thấp cũng là lý do để các doanh nghiệp, cá nhân chần chừ trong tham gia bảo hiểm. Một số tiểu thương thà chịu phạt vài trăm ngàn đồng hơn là nộp phí bảo hiểm cháy nổ đến 0,35% giá trị gian hàng để bảo vệ tài sản.

Bởi thế, để doanh nghiệp, cá nhân thay đổi thói quen và không ngại bỏ tiền ra mua bảo hiểm, nhà cung cấp sản phẩm bảo hiểm cần chú ý hơn đến dịch vụ, sản phẩm và thủ tục. “Hãy để thị trường tự điều tiết. Một khi tính toán thấy có lợi, các doanh nghiệp sẽ tham gia vào bảo hiểm”, ông Dương, Công ty May Hưng Yên, chia sẻ.

Ngọc Thủy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới