Hủy

Tổng Giám đốc Coca-Cola: Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Tú Nguyễn Thứ Hai | 10/05/2021 13:36

Coca-Cola đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể thu gom và tái chế tương đương 100% số lượng bao bì bán ra.
 

Coca-Cola đang đầu tư vào những giải pháp bao bì bền vững cho các sản phẩm vốn được người tiêu dùng yêu thích. Gần đây nhất, Sprite - một trong những thương hiệu toàn cầu lớn nhất của Coca-Cola - đang chuyển đổi bao bì từ chai nhựa màu xanh lá cây quen thuộc sang chai nhựa PET trong suốt, nhằm thúc đẩy hoạt động tái chế tại Việt Nam. Nhân dịp này, NCĐT đã có cuộc trò chuyện với ông Leonardo Garcia, Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam và Campuchia.

Sprite với vỏ chai màu xanh lá đã rất quen thuộc với người tiêu dùng trong nhiều năm. Ông có thể cho biết đâu là lý do Coca-Cola đổi vỏ chai sang màu trong suốt?

Kể từ khi Sprite được giới thiệu lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1961, thức uống này đã được bán trong những chiếc chai màu xanh lá cây mang tính biểu tượng. Động thái thay đổi bao bì của Sprite từ màu xanh lá cây sang trong suốt là một bước đi táo bạo cho thương hiệu của chúng tôi. Là một trong những nỗ lực của Coca-Cola nhằm thực hiện cam kết Vì Một Thế Giới Không Rác Thải, chúng tôi đang chuyển đổi những chai nhựa màu xanh lá cây của Sprite sang những chai nhựa trong suốt, vì nhựa trong suốt dễ tái chế hơn rất nhiều so với nhựa màu.

Đối với nền công nghiệp tái chế, chai nhựa PET trong suốt có giá trị cao hơn, chúng có nhiều khả năng được thu gom và tái chế thành các sản phẩm khác hơn. Vì lý do này, việc ngừng sử dụng chai nhựa xanh đặc trưng và chuyển sang chai nhựa PET trong suốt cho sản phẩm Sprite sẽ góp phần làm tăng tỉ lệ tái chế bao bì tại địa phương.

Ông có cho rằng sự thay đổi này khá mạo hiểm đối với Coca-Cola ở khía cạnh kinh doanh?

Là một doanh nghiệp, chúng tôi luôn xem xét khả năng tái chế và tính hữu dụng của tất cả vật liệu đóng gói - để chúng luôn là một phần của nền kinh tế tuần hoàn, thay vì bị thải ra môi trường. Chúng tôi nhận thấy việc chuyển đổi các chai nhựa Sprite từ xanh lá cây sang trong suốt sẽ giúp tái chế dễ dàng hơn. Vì thế, đây là một việc làm đúng đắn mà Coca-Cola phải thực hiện. Đồng thời, điều đó cũng phù hợp với chiến lược Vì Một Thế Giới Không Rác Thải đầy tham vọng của Coca-Cola. Theo đó, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030, Coca-Cola sẽ thu gom và tái chế được số lượng vỏ chai/lon tương đương với số chai/lon mà chúng tôi bán ra. Sự thay đổi diện mạo này không ảnh hưởng đến hương vị sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thưởng thức hương vị chanh tươi mới và sảng khoái mà họ vốn yêu thích.

Rác thải từ bao bì là một vấn đề nghiêm trọng tại Việt Nam, Coca-Cola có những sáng kiến gì khác để góp phần giải quyết vấn đề này?

Chúng tôi nhận thấy rác thải bao bì là một vấn đề cấp bách trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam. Là một doanh nghiệp, Coca-Cola quyết tâm trở thành một phần của giải pháp. Chúng tôi cam kết tất cả các vật liệu sử dụng trong bao bì đều được thu gom, xử lý liên tục để không có vật liệu nào trở thành chất thải trên sông hay đại dương. Chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh các hành động của mình, chẳng hạn như loại bỏ bao bì khó tái chế khỏi danh mục sản phẩm của Công ty. Bên cạnh việc chuyển sang sử dụng loại chai trong suốt và dễ tái chế hơn cho Sprite, Coca-Cola Việt Nam cũng liên tục đưa ra các sáng kiến giúp tăng cường thu gom và tái chế bao bì nhựa tại Việt Nam. Vào năm 2019, chúng tôi đã loại màng co nhựa trên sản phẩm nước đóng chai Dasani dung tích 350 ml, 500 ml và 1.500 ml. Năm 2020, Coca-Cola là công ty nước giải khát đầu tiên giới thiệu bao bì được làm từ 100% nhựa tái chế (rPET), áp dụng cho sản phẩm nước đóng chai Dasani (dung tích 500 ml) tại thị trường Việt Nam.

Theo ông, điều gì gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp trong câu chuyện hạn chế rác thải?

Chúng tôi luôn tin rằng tất cả các vật liệu bao bì đều có ích; và nếu được quản lý đúng cách, chúng có thể biến thành nguồn tài nguyên có giá trị và được tái sử dụng. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần phân loại bao bì tại nguồn và tiến hành thu gom hiệu quả hơn, đồng thời ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế và những bao bì có khả năng tái chế.

Điều này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội. Chúng tôi tin tưởng rằng sự chung tay của các bên sẽ thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng vật liệu, từ đó hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Trong năm 2018, Coca-Cola đã công bố chiến lược Vì Một Thế Giới Không Rác Thải với mục tiêu đến năm 2030, Coca-Cola có thể thu gom và tái chế 100% bao bì mà doanh nghiệp bán ra. Sau 2 năm, mục tiêu này đã được thực hiện đến đâu?

Chúng tôi rất vui được chia sẻ những thành tựu mà Coca-Cola Việt Nam đã đạt được trong 2 năm qua, trên hành trình hướng đến Một Thế Giới Không Rác Thải. Năm 2019, Coca-Cola đã chính thức bỏ màng co nhựa trên sản phẩm nước đóng chai Dasani (dung tích 350 ml, 500 ml và 1.500 ml). Năm 2020, Coca-Cola là công ty nước giải khát đầu tiên giới thiệu bao bì được làm từ 100% nhựa tái chế (rPET), áp dụng cho sản phẩm nước đóng chai Dasani (dung tích 500 ml) tại thị trường Việt Nam. Năm nay, chúng tôi đã chuyển chai nhựa xanh đặc trưng của Sprite sang chai nhựa trong suốt để thúc đẩy quá trình tái chế.

Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi cũng liên tục đưa ra các sáng kiến nhằm đẩy mạnh thu gom và tái chế bao bì tại Việt Nam. Ví dụ: khi công bố chiến lược Vì Một Thế Giới Không Rác Thải vào năm 2018, chúng tôi đã sử dụng một số Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng EKOCENTER của mình để tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa. Chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức có chung tầm nhìn nhằm thực hiện các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, điển hình như sáng kiến “Không xả thải ra thiên nhiên” với VCCI, dự án “Sáng kiến nâng cao nhận thức về tái chế rác thải nhựa” với UNESCO và British Council, “Mạng lưới hành động vì rác thải nhựa” cùng tổ chức Greenhub.

Cuối cùng, chúng tôi tin tưởng vào việc hợp tác với chính phủ, ban ngành và các tổ chức dân sự để cùng nhau tìm ra những giải pháp bền vững và khả thi nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam. Năm 2019, cùng với các công ty sản xuất bao bì và hàng tiêu dùng khác, Coca-Cola là một trong những thành viên sáng lập Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). PRO Việt Nam có vai trò đưa ra các hành động cụ thể hướng đến giảm thiểu và phân loại rác bao bì tại nguồn, đồng thời thúc đẩy việc thu gom rác thải nhựa đã qua sử dụng cho mục đích tái chế một cách bền vững.

Các mục tiêu thuộc chiến lược Vì Một Thế Giới Không Rác Thải với cột mốc năm 2030 vẫn đang trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, Coca-Cola thực sự cam kết và càng quyết tâm hơn nữa để cùng Việt Nam phát triển và tạo nên những khác biệt tích cực trong tương lai.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới