Hủy

Từ người thất nghiệp không bằng cấp đến triệu phú kiêm tuyển thủ Olympics

Thứ Bảy | 06/05/2017 18:00

“Tôi chưa bao giờ tìm cách trở thành một doanh nhân. Tôi trở thành doanh nhân vì đó là chuyện tôi buộc phải làm".
 

Từng là một người thất nghiệp, không còn một đồng tiết kiệm và phải sống nhờ nhà chị gái, nhưng ngày hôm nay Lewis Howes là một triệu phú kiêm tuyển thủ Olympics của nước Mỹ. Ngoài ra, anh còn trở thành một tác giả lọt vào danh sách bestseller của New York Times, kiêm một diễn giả được nhiều người săn đón.

Đây là những chia sẻ của Howes, được tổng hợp lại từ các phỏng vấn của anh trên Jay Kim Show và Forbes:

“Tôi chưa bao giờ tìm cách trở thành một doanh nhân. Tôi trở thành doanh nhân vì đó là chuyện tôi buộc phải làm. Tôi từng là một cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp, và đã bỏ học đại học giữa chừng để theo đuổi sự nghiệp này, nhưng giấc mơ của tôi đã sớm bị vỡ vụn sau sự cố gãy cổ tay. Tôi phải trải qua phẫu thuật, và mất khoảng một năm rưỡi để hồi phục. Tuy nhiên, tôi đã không thể trở lại với môn thể thao mà tôi yêu thích. Đó cũng là lúc tôi nhận ra mình không có bằng cấp, kỹ năng hay bất cứ thứ gì đủ giá trị để có được một công việc. Tôi thậm chí còn không thể làm được các công việc chân tay vì chỉ có một cánh tay khỏe mạnh. Đó còn là năm 2008, thời điểm kinh tế khó khăn và hàng loạt người mất việc.

Trong một năm rưỡi, tôi đã phải sống ở nhà chị gái, và chị ấy đôi lúc lại hỏi: ‘Liệu em có nghĩ rằng đã đến lúc em phải trả tiền thuê nhà và tự nuôi sống bản thân mình không?’ Bởi vì thời gian ấy, tôi chỉ biết ăn nhờ cả ngày mà không làm gì cả. Chị ấy vẫn thương tôi, có lẽ vì biết rằng đang chịu chấn thương và cả nỗi đau đánh mất giấc mơ của bản thân”.

Tu nguoi that nghiep khong bang cap den trieu phu kiem tuyen thu Olympics
Lewis Howes lúc còn thi đấu bóng bầu dục cho đến khi bị chấn thương. Ảnh: netdna-ssl.com

Khởi đầu mới

“Một ngày kia, tôi tình cờ xem một cuộc thi đấu bóng ném tại Olympics Bắc Kinh 2008, và nhận thấy rằng đây là môn thể thao mới mà mình có thể tham gia. Tôi biết rằng câu lạc bộ bóng ném tốt nhất nước Mỹ là ở New York, và tôi quyết định rằng mình cần phải kiếm tiền để chuyển tới New York và tập luyện với câu lạc bộ này. Nhưng tôi không có nhiều thời gian, vì khi ấy tôi đã 25 tuổi rồi.

Tôi đã lên Craigslist và tìm các công việc có liên quan tới thể thao. Tôi phát hiện thấy một công việc tiếp thị thể thao, nộp đơn vào đó và nhận được lịch hẹn phỏng vấn. Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm giác khi sắp bước ra khỏi nhà để đến nơi phỏng vấn, tôi không thể nào nhấc chân lên nổi, dù đã chuẩn bị mọi thứ. Tôi nghĩ rằng: ‘Nếu mình đi đến đó, mình tin rằng sẽ nhận được công việc đó, nhưng đó lại không phải là những gì mình muốn”. Rốt cuộc là tôi không đến, và cũng chẳng gửi lại email hay nói gì với họ cả.

Đó chính là thời điểm tôi quyết định, ‘OK, nếu mình không làm công việc này hoặc làm điều gì đó khác, mình cần phải tìm ra một cách để kiếm tiền’. Và đó là cách tôi bắt đầu việc kinh doanh.

Có một người chỉ cho tôi là nên lên trang LinkedIn để bắt đầu tìm hiểu và tạo dựng quan hệ. Thế là tôi bắt đầu bỏ ra 8 tiếng mỗi ngày trên LinkedIn, kết nối với những nhân vật có tầm ảnh hưởng, xin gặp gỡ và trao đổi với họ. Dần dà, tôi nhận ra rằng mình có thể sử dụng mạng lưới quan hệ để tạo ra sự nghiệp kinh doanh riêng. Tôi xây dựng một website chuyên về kinh doanh thể thao, và thu hút các độc giả là những doanh nhân trong ngành này. Trong vòng một năm, tôi đã có một nhóm trên LinkedIn chuyên dành cho các doanh nhân ngành thể thao với 10.000 thành viên.

Tôi dần dần học được cách kinh doanh từ mạng lưới ấy, thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và sự kiện. Các thành viên liên lạc với tôi và nói rằng nhờ có nhóm LinkedIn này mà họ tìm được việc, và nhờ tôi dạy thêm cho họ về cách dùng LinkedIn cho công việc kinh doanh.

Tôi bắt đầu tổ chức các sự kiện networking cho những thành viên, và mỗi sự kiện thu hút được 300-500 người. Ban đầu, các sự kiện này là miễn phí, để thử xem tôi có thể kéo được ai đến không. Sau đó, tôi từ từ tăng phí lên 5 USD, 10 USD, rồi 20 USD, và họ vẫn đến. Tôi bắt đầu cho những người tham gia có thể có bàn giới thiệu về dịch vụ của họ với giá 250 USD. Tôi cũng thương lượng được với nơi tổ chức sự kiện để hưởng 15% doanh thu từ tiền ăn uống mà những người tham dự bỏ ra.

Khi tôi bắt đầu kiếm được một ít tiền, tôi đã cảm thấy ‘Ồ, có lẽ mình sẽ làm được điều này’, đó là khi tôi bắt đầu kiếm được 500 USD/tháng, sau đó là 1.000 rồi 2.000 mỗi tháng. Lúc ấy, cảm giác của tôi là ‘Mình đã phát hiện được một điều gì đó. Mình đang kiếm tiền bằng cách cung cấp những giá trị cho mọi người, cũng như đóng gói và định vị các sản phẩm, dịch vụ và sự kiện của mình’. Nếu như tôi có thể giúp mọi người giải quyết các vấn đề của họ và tạo ra giá trị cho họ, tôi sẽ luôn luôn có thể kiếm được tiền”.

Công ty triệu đô

“Một ngày kia, tôi được mời đến nói chuyện trên chương trình của trùm kinh doanh mạng xã hội Joel Comm. Lúc gần cuối chương trình, tôi có nói với các độc giả về tài khoản PayPal của mình, và bảo rằng họ có thể gửi tiền vào đây để đăng ký tham gia khóa học nâng cao về LinkedIn vào tuần sau. Sáng hôm sau, tôi thức dậy, mở email ra xem và thấy mình đã có thêm 6.300 USD trong tài khoản. Đó là lúc tôi cảm thấy mình là người giàu có nhất thế giới.

Từ đó, tôi bắt đầu trở nên hứng thú với việc diễn thuyết trước công chúng và sản xuất ra các chương trình giáo dục trực tuyến. Cùng với một đối tác kinh doanh, tôi tạo ra các buổi hội thảo trực tuyến, ebook và các tài liệu khác để giúp mọi người phát triển sự nghiệp thông qua mạng xã hội”.

Tu nguoi that nghiep khong bang cap den trieu phu kiem tuyen thu Olympics
Howes trả lời phỏng vấn trên Fox News. Ảnh: Fox News

Sau 18 tháng đầu tiên, công ty của Howes có doanh thu 1 triệu USD, và trong 2 năm sau đó đạt 2,5 triệu USD. Tới năm 2012, Howes chuyển đến New York và bắt đầu tập chơi bóng ném, với xuất phát điểm là không biết gì cả. Anh kể lại: “Những cầu thủ tại đó đều là những tay chơi chuyên nghiệp đến từ châu Âu, họ cười cợt và nói về tôi bằng những ngôn ngữ riêng của họ”.

Nhưng Howes không vì thế mà bỏ cuộc. 9 tháng sau đó, anh được chọn vào đội tuyển bóng ném Mỹ để thi đấu tại Olympics.

Đến năm 2013, Howes bán lại cổ phần trong công ty giáo dục trực tuyến của mình cho đối tác, và mở ra chương trình phát thanh trực tuyến (podcast) mang tên “Ngôi trường của sự vĩ đại” (School of Greatness). Cho đến nay, chương trình này có 1 triệu lượt tải về mỗi tháng, và thường nằm trong top 50 chương trình podcast được ưa thích nhất trên iTunes. Chương trình cũng từng có nhiều khách mời nổi tiếng như diễn giả Tony Robbins, ca sĩ Alanis Morissette, nữ doanh nhân truyền thông Arianna Huffington,…

Bài học của người thành công

Chia sẻ về những bài học trong cuốn sách mới “The School of Greatness”, được thực hiện sau hơn 420 tập podcast và nhiều lần phỏng vấn các nhân vật tiếng tăm, Howes cho biết:

“Vẫn có rất nhiều người không rõ những gì họ muốn. Họ bị phân tán tư tưởng và không có một tầm nhìn rõ ràng, có mục đích. Vì vậy, trước tiên hãy làm rõ những gì bạn muốn. Tầm nhìn đó có thể là những gì bạn muốn trong 6 tháng tới hoặc trong năm tới chẳng hạn, không cần phải là cho cả đời. Bạn muốn gì ngay vào lúc này?

Những người thành công đều có một điểm chung mà tôi gọi là “tư duy của nhà vô địch” - họ có niềm tin lạ thường vào chính bản thân. Nếu bạn không tin vào chính mình, tôi đảm bảo rằng bạn sẽ không thể tạo ra những gì bạn muốn. Bạn phải học cách phát triển sự tự tin bằng cách đạt được những chiến thắng nhỏ, tin vào bản thân và kết nối với những người tin tưởng vào bạn. Bởi vì lúc chúng ta theo đuổi một điều gì đó to lớn, đôi khi chính những người gần gũi nhất lại kéo giữ chúng ta lại và không tin tưởng chúng ta nhiều nhất.

Một điều khác nữa là người thành công luôn biết xông xáo. Tôi đã học được điều này trong các môn thể thao. Tôi chưa bao giờ là vận động viên nhanh nhất, mạnh nhất hay to con nhất, nhưng tôi luôn sẵn sàng lăn xả để cứu bóng, luôn sẵn sàng hy sinh cho đội. Tôi nhớ huấn luyện viên của tôi từng nói rằng: ‘Cậu biết không, tôi luôn luôn dành một vị trí trong đội cho ai đó như cậu’. Đối với tôi, đó chính là tâm thế khi bước vào công việc kinh doanh.

Một điều khác biệt nữa là tất cả người thành công đều sống để “cho đi”. Họ có một mục tiêu lớn hơn khi theo đuổi công việc kinh doanh hay ước mơ, họ không chỉ làm việc đó để kiếm tiền cho bản thân mà còn để “cho đi” và giúp đỡ người khác. Họ sống để trả lại, họ sống để hỗ trợ người khác”.

Làm sao để xây dựng tầm nhìn?

Howes chia sẻ trên Jay Kim Show: “Ban đầu, tầm nhìn của tôi là lớn lên phải trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Nhưng sau khi bị chấn thương, tôi cần phải vẽ ra một tầm nhìn mới, nếu không muốn chỉ đi lang thang xung quanh mà không có mục đích. Mục tiêu đầu tiên của tôi là thoát khỏi cảnh sống nhờ nhà chị mình.

Tu nguoi that nghiep khong bang cap den trieu phu kiem tuyen thu Olympics
Howes trên sân bóng ném. Ảnh: pinimg.com

Sau đó, tôi lần lượt đề ra các mục tiêu mới. Vào đầu mỗi năm, tôi đặt ra mục tiêu 6 tháng và 12 tháng, tôi đặt ra tầm nhìn rộng hơn để theo đuổi trong công việc hàng ngày, hàng tháng và hàng năm. Tôi viết nó ra giấy - thứ mà tôi gọi là Giấy chứng nhận thành tích, nơi tôi tuyên bố tầm nhìn của tôi. Tôi viết rõ thời hạn mà tôi sẽ đạt được, tôi ký vào đó và tự thưởng cho chính mình. Tôi nhìn vào nó mỗi ngày và nhận ra rằng ‘OK, hôm nay mình đã bước gần hơn để đạt được tầm nhìn đó chưa?’. Đó là cách mà tôi chia nhỏ kế hoạch của mình ra.

Nếu có lúc nào cảm thấy mình đuối sức, tôi sẽ kết nối lại với tầm nhìn của bản thân và tự hỏi: ‘Đây có phải là điều tôi thực sự muốn làm hay không?’, hoặc ‘Phải chăng điều này không có ý nghĩa gì với tôi?” Nếu tôi cảm thấy bị choáng ngợp, tôi sẽ dành ra một ngày để làm dịu nỗi lo hoặc thư giãn, và dành chút thời gian để tự hỏi: ‘Mình đang làm gì vậy? Mục đích là gì? Lý do là gì? Tại sao mình lại để cho bản thân cảm thấy quá tải hoặc căng thẳng thế này? Liệu có cần phải cân bằng lại cuộc sống không nhỉ?’”.

Được hỏi về lời khuyên cho mọi người, Howes nói: “Mọi người không quan tâm đến việc bạn biết gì, cho đến khi họ biết bạn quan tâm đến mức nào. Dù bạn có thông minh hay biết nhiều kỹ năng tới đâu, nếu bạn không thể kết nối với mọi người, không thể chạm đến trái tim của họ, không thể nắm bắt được những ham muốn và nhu cầu lớn nhất của họ, thì sẽ chẳng có ai quan tâm đến những gì bạn có. Vì vậy, đầu tiên hãy trở thành một con người có ích, khiến cho mọi người thấy bạn đang quan tâm đến họ. Sau đó, họ sẽ hành động và hỗ trợ lại cho bạn”.

Ý Nhi

Nguồn TechInAsia/Forbes/EventualMillionaire


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới