Hủy

Warren Buffett tự nhận mình là vấn đề của nước Mỹ

Thứ Tư | 28/06/2017 11:27

Theo vị phù thủy đầu tư chứng khoán này, vấn đề của nước Mỹ là 1% những người giàu nhất như ông đang nắm quá nhiều tài sản.
 

Với tài sản ròng hơn 75 tỷ USD, Buffett hiện là người giàu thứ hai thế giới theo xếp hạng của Forbes. Là CEO của công ty đầu tư Berkshire Hathaway, ông được tôn vinh là "Nhà tiên tri xứ Omaha". Nhưng Buffett cho rằng vấn đề thực sự của nước Mỹ là 1% những người giàu nhất đang nắm quá nhiều tài sản.

Buffett nói trên PBS Newshour: "Năm 1982, khi Forbes lần đầu tiên công bố danh sách 400 người giàu nhất, những người này đã có tổng cộng 93 tỷ USD. Tới nay, nhóm 400 người giàu nhất hiện có 2,4 nghìn tỷ USD, tăng gấp 25 lần. Sự thịnh vượng đã được phân bổ một cách bất cân xứng về phía những người giàu nhất”.

Thị trường chứng khoán đã ở trong xu thế tăng kể từ sau vụ sụp đổ vào tháng 3/2009 và nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ở mức 2%, Buffett nói với Newshour. Dù vẫn thấp hơn mục tiêu 3% của Tổng thống Donald Trump, đây vẫn là một con số lành mạnh cho nền kinh tế và sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người Mỹ.

Buffett cho biết thêm rằng tăng trưởng kéo dài như vậy trong một thế hệ sẽ tạo ra thêm "lượng GDP trị giá 19.000 USD tính trên mỗi người Mỹ, tương đương 76.000 USD cho một gia đình 4 người. Vì vậy, con cái của bạn, con cái của chúng, và những thế hệ sau đó sẽ sống tốt hơn chúng  ta rất nhiều, chỉ cần với mức tăng trưởng 2%".

Tuy nhiên, sự thực là nhiều người đang bị mắc kẹt về mặt tài chính. Buffett cho biết: "Nền kinh tế đang hoạt động tốt, nhưng không có nghĩa là tất cả người Mỹ đều có cuộc sống tốt".

Theo Buffett, một phần nguyên nhân khiến nhiều người đang gặp khó khăn là do xu hướng tự động hoá và số hóa nền kinh tế đang diễn ra nhanh hơn so với tốc độ đào tạo lại lực lượng lao động.

Buffett nói: "Chúng ta luôn thấy sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động. Nếu quay trở lại năm 1800,  xã hội khi đó cần 80% lực lượng lao động để sản xuất đủ lương thực cho cả nước Mỹ, và bây giờ chỉ cần chưa tới 3%. Các hệ thống thị trường có vai trò điều tiết lao động. Luôn luôn sẽ có tình trạng việc không gặp người. Khi nền kinh tế phát triển, nó sẽ phân bổ lại các nguồn lực".

Khi các nhân công mất việc vì kỹ năng của họ không còn giá trị nữa, Buffett nói rằng trách nhiệm của xã hội là phải chăm lo cho những người này trong lúc họ được đào tạo lại cho những công việc mới.

Buffett nói trên Newshour: “Nền kinh tế đang phát triển theo hướng không có lợi cho các công nhân sản xuất thép ở Ohio. Và đó là vấn đề cần phải giải quyết, bởi vì khi bạn mang lại điều gì đó tốt cho toàn xã hội, nhưng lại có hại cho các cá nhân nhất định, chúng ta phải đảm bảo rằng những người đó được chăm lo".

Buffett đã mua những cổ phiếu đầu tiên khi ông mới 11 tuổi, và tới nay đã có 75 năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán. Ông khuyến khích những người khác cũng nên làm giống như vậy. "Họ nên tiếp tục mua và mua cổ phiếu và nắm giữ, và sau 30 hay 40 năm nữa, họ sẽ có rất nhiều tiền", ông nói.

Trong nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng về tài sản, vốn đã mang lại lợi ích cho chính ông, Buffett và tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates đã đồng sáng lập chương trình Cam kết Cho đi (Giving Pledge), nhằm kêu gọi những người giàu nhất trên thế giới cam kết chia sẻ với thế giới một nửa số tài sản của họ. Cho đến nay, đã có 170 người tham gia chương trình này.

Bá Ước

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới