Hủy

Xử lý nợ xấu phải đi đôi với ngăn ngừa nợ xấu phát sinh

Thứ Ba | 17/12/2013 11:08

Kể từ cuối năm 2008, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế Việt Nam và suy thoái kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, gia tăng nợ xấu của các TCTD.
 

TS. Phạm Mạnh Thường - Phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) nhận định như vậy tại Hội thảo “Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Trung Quốc và bài học cho Việt nam” do Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức sáng nay (17/12) tại Hà Nội.

Cũng theo TS. Thường, đến ngày 30/6/2012, tổng nợ xấu (bao gồm nợ xấu cấp tín dụng và nợ xấu trái phiếu DN, ủy thác cấp tín dụng, ủy thác mua trái phiếu DN) của toàn hệ thống các TCTD (trong và ngoài nước) là 188.961 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,12% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống. Trong đó, nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm một tỷ trọng lớn trong bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm…

Đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, TS. Thường cho biết, có nguyên nhân thuộc môi trường kinh doanh như tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng cầu giảm; do DN là khách hàng của ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nhiều DN không trả được nợ vay khiến nợ xấu của các ngân hàng tăng cao.

Bên cạnh đó còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các TCTD khi mà những năm trước đây hầu hết các TCTD đều theo đuổi chiến lược tăng trưởng mạnh dẫn đến không kiểm soát được chất lượng tín dụng; một bộ phận không nhỏ vốn tín dụng được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán... nên khi các lĩnh vực này, đặc biệt thị trường bất động sản đóng băng, giá bất động sản giảm sâu kéo theo nợ xấu trong lĩnh vực này tăng nhanh; tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD còn hạn chế...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong thời gian qua, nợ xấu được quyết liệt xử lý bằng nhiều giải pháp. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách để xử lý nợ xấu được ban hành, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu thu được kết quả khả quan.

Bản thân các TCTD cũng rất tích cực xử lý bằng cách giãn nợ, cơ cấu lại nợ; xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ; dùng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; bán lại nợ xấu... Nhờ vậy, nợ xấu đã từng bước được xử lý. Theo NHNN Việt Nam, đến cuối tháng 8/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 142,27 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 4,64% tổng dư nợ.

Mặc dù vậy, “xử lý nợ xấu phải đi đôi với các biện pháp ngăn ngừa nợ xấu tiếp tục phát sinh”, TS. Thường nhấn mạnh.

(Theo TBNH)


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới